Hành trình "1 tháng kinh hoàng" tự chiến đấu với Covid-19 của nghệ sĩ Phương Hoa
Dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại Đức, ai cũng lo sợ sẽ bị Covid-19 đánh gục, tôi cũng vậy...
- 07-05-2021Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 2 điều cần tránh để Việt Nam không thất bại trước đợt dịch Covid-19 lần 4
- 06-05-20214 triệu chứng điển hình của Covid-19: Ai cũng cần biết để phát hiện sớm
- 06-05-2021Nhiều người không dám đi khám chữa bệnh trong mùa dịch Covid-19: Đây là lời khuyên của chuyên gia
Khi nhắc tới biến chủng B.1.1.7, người ta sẽ nhớ tới dịch bệnh "thảm khốc" tại châu Âu. B.1.1.7 còn được biết đến với cái tên biến thể Anh, có tốc độ lây lan rất nhanh. Tại Việt Nam, biến thể này đã gây ra ổ dịch lớn tại Hải Dương và mới đây nhất là chùm ca bệnh tại Hà Nam.
Là người mắc Covid-19 do nhiễm biến thể Anh, chị Trần Phương Hoa (nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc tại Berlin - CHLB Đức) đã vượt qua đầy nghị lực. Đi qua dịch bệnh, chị Trần Phương Hoa mới thấy được SARS-CoV-2 là "kẻ thù vô hình" nhưng rất "ghê rợn".
Qua câu chuyện của mình, chị Trần Phương Hoa muốn gửi đến cho mọi người thông điệp: "Dù SARS-CoV-2 có khủng kiếp tới đâu nhưng nếu đồng lòng, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi dịch bệnh".
Nhiễm virus lạ...
Dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại Đức, ai cũng lo sợ sẽ bị Covid-19 đánh gục, tôi cũng vậy. Để phòng tránh bệnh tôi đã áp dụng đúng theo những khuyến cáo của ngành y tế đưa ra.
Ngày 1/4/2021 tôi bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu trong người. Hai ngày sau, tôi cảm thấy người đau ê ẩm, không nhấc nổi mình. Tôi biết có chuyện chẳng lành nên đo thân nhiệt, chỉ 36,5 độ C. Và tôi tự trấn an bản thân, chắc mình chỉ hơi mệt chút, nghỉ ngơi, uống nhiều nước sẽ khoẻ.
Thời tiết Berlin đang nắng ấm bất chợt chuyển sang mưa đá nên tôi nghĩ: "Mình bị mệt do thời tiết thay đổi".
Nhưng không loại trừ khả năng tôi có thể bị mắc Covid-19. Để cẩn thận, tôi đã đi làm test nhanh Covid-19, kết quả âm tính. Cầm kết quả trong tay, tôi đinh ninh chắc mình không bị nhiễm virus.
Sang tuần thứ hai, thể trạng của tôi tồi tệ hơn, nhiệt độ cứ tăng dần: 37 độ C, 38 độ C, rồi 38,5 độ C, trong người bắt đầu nổi nhiều mụn đỏ.
Phát ban bắt đầu xuất hiện (Ảnh: NVCC)
Trong tuần, tôi đã làm thêm 3 test nhanh Covid-19 lần nữa, kết quả đều là âm tính.
Đầu tuần thứ ba, tôi bị sốt trên 39 độ C, vậy là phải đến phòng khám của bác sĩ gia đình.
Vì tôi đã test nhanh Covid-19 tổng cộng 4 lần kết quả âm tính nên bác sĩ chẩn đoán: cơ thể của tôi đang bị nhiễm một loại virus nào đó nên mới nổi nhiều mụn đỏ. Tại đây, bác sĩ cho tôi uống 1 viên thuốc hạ sốt và chuyển tôi qua Bệnh viện Quân đội (Bundeswehrkrankenhaus).
Ở bệnh viện, tôi lại được kiểm tra test nhanh thêm lần nữa, kết quả vẫn là âm tính! Mọi chẩn đoán vẫn nghiêng về phía tôi là bị nhiễm virus lạ...
Màn đêm buông xuống, khi kim đồng hồ chuẩn bị điểm 23 giờ, do thể trạng không có dấu hiệu nguy kịch nên bác sĩ cho tôi về nhà và hẹn chiều hôm sau quay lại để nhập viện.
Chiều hôm sau, tôi quay lại bệnh viện. Tại cổng bệnh viện, nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, phát hiện tôi bị sốt cao 39,1 độ C nên chuyển tôi sang một phòng đặc biệt để làm test nhanh, kết quả lần này: dương tính.
Một tháng "kinh hoàng và khó quên"...
Sáng hôm sau, tôi phải đến Bệnh viện Charite để làm PCR-Labortest. Bà bác sĩ tiếp tôi qua tấm kính trong suốt, nói chân thành: "Chị phải cách ly tại nhà, không được tiếp xúc với ai. Hiện thời chúng tôi chưa có thuốc đặc trị để chữa Covid-19, nhưng cứ hai ngày chúng tôi sẽ gọi điện cho chị một lần để theo dõi bệnh tình và chỉ dẫn cho chị những điều cần thiết. Chị sẽ nhận được một số điện thoại đặc biệt, trong trường hợp nguy cấp chị hãy gọi số này, xe cấp cứu sẽ đến và đưa chị vào bệnh viện".
Chị Phương Hoa thực hiện tự cách ly tại nhà (Ảnh chụp qua máy quay)
Ngày hôm sau, họ báo tin kết quả PCR-Labo của tôi dương tính. Vậy là sau 15 ngày với 5 lần xét nghiệm test nhanh âm tính với Covid-19, từ giờ phút này tôi chính thức là nạn nhân của SARS-CoV-2 chủng loại B.1.1.7. Đây cũng là cột mốc của cuộc chiến cam go một mất một còn.
Dấu hiệu đầu tiên là tầm nhìn bị thay đổi, tôi thấy chiều dài đồ vật trong nhà bị ngắn lại, chiều sâu thì sâu thêm, nhìn bàn tay thấy ngón dài thì càng dài hơn, ngón ngắn lại càng ngắn, bề ngang của bàn tay hẹp lại...
Miệng khô khốc, vòm họng và lưỡi như bị bọc một lớp sáp mỏng, sốt xình xịch trên 39 độ C, huyết áp tụt dần, lần tồi tệ nhất là huyết áp chỉ còn 68/48. Nhịp tim tăng dần, đỉnh điểm lên tới 102. Nhịp thở nhanh và rất nông. Cảm giác có những ký sinh trùng rất nhỏ đang bò len lỏi dưới làn da...
Tôi nằm bẹp trên giường, luôn linh cảm mình sắp bị ngất. Ban đêm thì sốt rét, đắp 3 chăn mà vẫn rét run bần bật! Chồng, con túc trực theo dõi tôi qua camera 24/24 và luôn tìm cách khuấy động để tôi không bị rơi vào mê sảng.
Rất may là đầu óc tôi vẫn tỉnh táo, vì vậy tôi đã cố gắng lấy hết sức để massage vào mấy huyệt vị, kích cho huyết áp tăng dần lên đến 92/65, nhịp tim tụt xuống 90.
Chị Phương Hoa đã khỏe mạnh sau một thời gian dài chống chọi với bệnh Covid-19 (Ảnh: NVCC)
Sau 2 ngày, tôi bị SARS-CoV-2 đánh quỵ, 4 lần uống thuốc hạ sốt, cảm nhận được sự xâm nhập của virus đang diễn ra trong cơ thể, tôi bắt đầu nghĩ cách để chống chọi lại. Hơn bao giờ hết vào lúc này tôi hiểu rằng, mọi sự trợ giúp từ bên ngoài chỉ là một phần, quan trọng là tự bản thân mình phải có nghị lực quyết tâm vượt qua để tự cứu mình.
Đầu tiên là tìm cách giảm thiểu lượng virus trong vòm họng và khoang mũi, vì nơi đây là ổ bệnh và nơi nhân giống. Hằng ngày tôi vệ sinh khoang mũi, vòm họng bằng nước muối loãng 4 lần, tìm mọi cách để lấy màng nhầy trong mũi và khạc nhổ đờm, nước bọt từ vòm họng ra bên ngoài nhiều như có thể. Gắng uống thật nhiều nước, qua đó đẩy bớt được một lượng virus ra ngoài theo đường bài tiết.
Tôi chuyển sang phương pháp hạ sốt bằng cách đắp khăn nóng, lạnh. Sau 2 ngày thì dứt cơn sốt, thân nhiệt trở lại 36,5 độ C. Trong vài ngày tiếp theo, thỉnh thoảng thân nhiệt cao lên 37,5 độ C, 38 độ C, nhưng nhanh chóng lại quay về mức 36 độ C - 36,5 độ C.
Chị Phương Hoa trên sân khấu (Ảnh: NVCC)
Các mụn nhỏ màu đỏ mọc như kê trên người bắt đầu ngứa râm ran, để tránh gãi nhiều dẫn đến bật máu tươi, tôi thoa phấn rôm. Rồi cũng ổn.
Tôi tránh nằm nhiều, vì khi nằm phổi xẹp xuống và ít hoạt động. Dù đang rất mệt nhưng tôi luôn cố lết người để ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường và thở nhẹ nhàng theo phương pháp thở khí công.
Ban đầu, mỗi lần tôi chỉ có thể thở được 1 nhịp, rồi tăng được thành 2 nhịp, song lại bị thở gấp và nông, cộng thêm là mệt kinh khủng. Dừng lại nghỉ một chút, hít sâu lấy hơi và lại thở tiếp 1, 2 nhịp nữa... dần dần hơi thở cũng tốt lên rõ rệt.
Vài ngày sau, khi thấy có triệu chứng bị đau ở phần ngực và đau xuyên qua phần lưng, đoán là virus đang tìm cách tấn công vào phổi nên vừa tăng cường tập thở, bấm huyệt, tôi massage.
Trong những ngày tiếp theo, tôi cảm nhận thấy hơi thở được cải thiện rõ rệt và dần dần trở lại bình thường hơn. Phổi hoạt động ổn định.
Khi đã khỏe hơn chút nữa, tôi tìm cách bấm một vài huyệt quan trọng. Ví dụ như không đủ sức ngồi dậy và co chân lên để dùng tay bấm huyệt Dũng Tuyền, tôi đã dùng đầu ngón chân cái của chân phải để bấm vào huyệt ở lòng bàn chân trái và ngược lại. Cọ xát 2 bàn chân mạnh vào nhau, dùng các ngón tay massage đầu để kích thích các đầu dây thần kinh và các kinh mạch...
Tuần thứ tư, sức khỏe có chiều hướng tốt lên nhiều. Để tránh di chứng sau này bị cứng gân cốt, tôi gượng đứng lên, chống nạng đi quanh giường.
Chị Phương Hoa trên sân khấu (Ảnh: NVCC)
Ban đầu, tôi chỉ đi được 2 - 3m là lại bị ngã vật ra giường, dần dần tôi có thể tự đi được quãng đường dài hơn và làm một số công việc nhẹ trong nhà. Tôi bắt đầu tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng, duỗi, kéo căng 2 chân và cơ thể, massage toàn thân để tăng cường sức khỏe. Các buổi sáng thì tắm nắng qua cửa sổ phòng tôi đang cách ly...
Trong 1 tháng chiến đấu với SARS-CoV-2, tôi tránh xa hoàn toàn với các tin tức về Covid-19 trên thế giới, tránh không nghĩ đến các chuyện tiêu cực, chỉ nghe và xem qua mạng những chương trình nghệ thuật hay, nói chuyện qua webcam với cháu ngoại.
Hàng ngày tôi tự kỷ luật bắt mình phải uống thật nhiều nước ấm, uống vitamin hàm lượng cao, chè chanh + gừng, uống nước cam vắt, ăn nhiều hoa quả tươi với sữa chua làm từ đậu tương nguyên chất, uống sữa kiều mạch, ăn nhiều rau xanh và thức ăn mềm...
Tôi cảm nhận được sức khỏe đang dần bình phục, các bộ phận trong cơ thể không có dấu hiệu gì khác lạ...
Ngày 30/4, tôi phải làm lại test virus theo yêu cầu của sở y tế địa phương, kết quả là âm tính! Với kết quả này, tôi chính thức được chuyển sang danh sách: những người đã chiến thắng SARS-CoV-2. Chấm dứt 1 tháng kinh hoàng và khó quên trong cuộc đời!
Doanh nghiệp & Tiếp thị