Hành trình 180 năm tạo nên những kiệt tác đồng hồ xa xỉ của Patek Philippe: Giấc mơ Ba Lan được gia đình Thụy Sĩ "canh giữ" suốt 4 thế hệ
Nếu thuộc giới mộ điệu đồng hồ, hẳn bạn từng nghe qua về Patek Philippe. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng câu chuyện về thương hiệu đồng hồ cao cấp uy tín có tuổi đời 180 năm này lại chẳng bắt nguồn từ Thụy Sĩ như vẫn tưởng, mà là từ Ba Lan.
- 10-09-2019Có điều gì đặc biệt trong chiếc đồng hồ từ năm 1955 vừa được Vacheron Constantin tái sản xuất?
- 09-09-2019Một lần từ thiện hơn 8 tỷ đô nhưng giá tiền chiếc đồng hồ trên tay của vị tỷ phú này mới là thứ khiến cả Bill Gates và Warren Buffett phải ngưỡng mộ
Giấc mơ Ba Lan ươm mầm trên đất Thụy Sĩ
Lịch sử của thương hiệu này được viết nên bởi Norbert Antoine de Patek - một người lính Ba Lan bị đày ải sang Đức, rồi lưu lạc sang Pháp, trước khi tìm thấy niềm đam mê với đồng hồ tại Thụy Sĩ. Ở đây, Patek gặp người đồng hương Francois Czapek có cùng chí hướng.
Năm 1893, thương hiệu Patek, Czapek & Cie đã chính thức được thành lập, tạo nên những chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên. Vốn là một thiên tài tiếp thị, Patek dành phần lớn thời gian để mời chào các khách hàng quý tộc. Trong khi đó, Czapek phụ trách toàn bộ công đoạn hoàn thiện sản phẩm của công ty.
Thay vì sản xuất hàng loạt đồng hồ rẻ tiền để lấy lợi nhuận, bộ đôi này lại tỉ mỉ sáng tạo từng tuyệt phẩm đồng hồ, với sản lượng chỉ 200 sản phẩm/năm. Rất nhiều tác phẩm ban đầu của Patek và Czapek lấy cảm hứng từ quê hương, thông qua những hình ảnh tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng dân gian Ba Lan.
Đồng hồ bỏ túi Patek Philippe có in ảnh chân dung của các anh hùng Ba Lan: Tadeusz Kościuszko (trái) and King Poniatowski (phải).
Thế nhưng, sự hợp tác này chẳng kéo dài bao lâu. Cảm thấy Czapek ngày một thiếu tập trung và thường xuyên vắng mặt ở cửa hàng, Patek quyết định tìm đối tác mới. Người được lựa chọn chính là thợ đồng hồ thiên tài người Pháp Jean Adrien Philippe. Ông đã sáng tạo ra loại đồng hồ lên dây cót không cần chìa vặn - một phát minh mang tính bước ngoặt lúc bấy giờ. Nhờ vậy, người đeo chẳng cần mở vỏ ra để lên dây cót, tránh để bộ máy đồng hồ tiếp xúc với bụi bẩn, ẩm ướt.
Được mệnh danh là "cặp đôi Steve Jobs và Steve Wozniak của thế kỷ 19", Patek và Philippe nhanh chóng hợp tác ăn ý, tạo thành thương hiệu Patek, Philippe & Cie. Trớ trêu thay, do không ai chú ý tới dấu phẩy lúc làm giấy tờ, thương hiệu này đã trở thành Patek Philippe như ngày nay. Điều này càng khiến mối quan hệ giữa hai người thêm căng thẳng, bởi Philippe vốn không thích cách "Patek nhận hết mọi vinh quang về mình".
Norbert Antoine de Patek (trái) và Jean Adrien Philippe (phải).
Tại triển lãm quốc tế năm 1851, thương hiệu Philippe Patek đã gây ấn tượng với chiếc đồng hồ có bộ máy cực kỳ tinh xảo được đặt trong vỏ khắc họa tiết tỉ mẩn. Nhờ đó, bộ đôi đã thu hút được rất nhiều khách hàng là quý tộc châu Âu, trong đó có Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert của Anh.
Dần dần, Patek Philippe mở rộng thị trường sang Mỹ và đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Trong đó, ông trùm bánh lái James Ward Packard và tài phiệt phố Wall Henry Graves Jr. đã trở thành nhà sưu tầm đồng hồ trung thành của thương hiệu này. Họ sở hữu hai trong số những tác phẩm kỳ công nhất lịch sử: Packard’s Movement No. 198 023 - được trang bị giờ mặt trời lặn, mặt trời mọc, lịch vạn niên, bản đồ sao,... - và chiếc Graves Supercomplication - kiệt tác khiến Patek Philippe phải mất 7 năm để hoàn thiện.
Packard’s Movement No. 198 023 (trái) và Graves Supercomplication (phải).
Những "người canh giữ" thương hiệu 180 năm tuổi
Trong thời kỳ Đại suy thoái, nhu cầu dành đồng hồ cao cấp giảm xuống, khiến Patek Philippe rơi vào khủng hoảng. May mắn thay, gia đình nhà Stern đã mua lại công ty, đưa di sản của Patek và Philippe lên một đỉnh cao hoàn toàn mới.
Bắt đầu tiếp quản Patek Philippe vào năm 1932, Charles Henri Stern và Jean Stern đã chỉ định Stern Pfister làm giám đốc kỹ thuật mới. Ông đã hiện đại hóa máy móc và công đoạn sản xuất, đơn giản hóa thiết kế sản phẩm, chế tạo thêm nhiều kiểu đồng hồ đeo tay với giá phải chăng. Trong giai đoạn này, Patek Philippe cũng đi trước bằng việc phát triển các bộ lặp phức tạp và đồng hồ đeo tay chronograph, đối lập với vẻ đơn giản, tinh tế của những chiếc Calatrava trước đó.
Patek Philippe Calatrava 18k Yellow Gold Ref. 3998 (trái) và Patek Philippe White Gold Perpetual Calendar Chronograph Watch Ref. 5970 (phải).
Năm 1935, Henri Stern - con trai Charles Stern - trở thành thế hệ thứ 2 tham gia kinh doanh. Sau hai thập kỷ miệt mài làm việc, ông đã đưa Patek Philippe quay trở về thời kỳ hoàng kim như xưa. Năm 1953, thương hiệu này cho ra mắt Ref. 2526 - chiếc đồng hồ tự lên dây cót và chống nước đầu tiên.
Patek Philippe Calatrava Ref. 2526
Chỉ nhìn bề ngoài, nhiều người sẽ lầm tưởng tay nghề tinh xảo và vẻ đẹp độc đáo là quân át chủ bài của Patek Philippe. Tuy nhiên, những bộ máy với cấu tạo phức tạp mới chính là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của hãng. Từ 1900-1950, Patek Philippe đã gặt hái được 1.728 giải thưởng khác nhau, gần bằng tổng số giải thưởng của tất cả các hãng đồng hồ khác gộp lại.
Tới thập niên 60, Patek nhanh chóng bắt kịp với trào lưu mới với những tác phẩm đồng hồ đương đại độc đáo. Một trong số đó chính là Golden Ellipse đời 1968 - chiếc đồng hồ tự động thanh mảnh không kém gì loại đồng hồ quartz.
1968's Golden Ellipse
Sau sự ra đời của những chiếc đồng hồ quartz "made-in châu Á" năm 1969, ngành chế tác đồng hồ cơ tại Thụy Sĩ gần như bị phá hủy. Thế nhưng, Patek Philippe vẫn đứng vững trước làn sóng đồng hồ LED và tinh thể lỏng. Thương hiệu này vẫn phục vụ giới điệu mộ với những kiệt tác đáp ứng tiêu chí 4P của mình: Hoàn hảo (perfection), Quý giá (Preciousness), Uy tín (Prestige) và Kiêu hãnh (Pride).
Năm 1976, con trai Henri - Philippe Stern - đã hợp tác với nhà thiết kế huyền thoại Gerald Genta để cho ra đời dòng đồng hồ không chỉ đáp ứng tiêu chí 4P mà còn mang dáng dấp thể thao. Được quảng cáo là chiếc đồng hồ thể thao chống nước xa xỉ "phù hợp với cả đồ bơi lẫn bộ suit dự tiệc", "chiếc đồng hồ đắt giá nhất làm từ thép", Nautilus ngay lập tức thu hút các quý ông trên toàn thế giới. Nó đánh dấu sự chuyển mình của Patek Philippe, từ hãng đồng hồ cổ điển, truyền thống sang thương hiệu năng động, phóng khoáng hơn.
Một chiếc đồng hồ thuộc dòng Nautilus của Patek Philippe.
Sau thành công vang dội này, Philippe Stern chính thức trở thành thế hệ thứ 3 kế thừa công ty. Trong khi nhiều đối thủ khác bị thu mua, Patek Philippe vẫn không ngừng đổi mới để duy trì vị thế vững chắc của mình trong làng đồng hồ. Philippe Stern tuyên bố, thương hiệu này sẽ luôn tập trung chế tạo "những chiếc đồng hồ tuyệt vời nhất thế giới, cả trên phương diện kỹ thuật và thẩm mỹ", đồng thời không bỏ quên "những chiếc đồng hồ thủ công xa xỉ, vốn là cốt lõi thành công của hãng trong vòng 140 năm qua".
Năm 2009, con trai của Philippe, thế hệ thứ 4 của gia đình nhà Stern - Thierry Stern - đã thay cha trở thành Chủ tịch công ty. Cùng năm đó, nhà Stern cho ra mắt dấu triện Patek Philippe. Nó đã trở thành tiêu chuẩn chứng nhận chính xác nhất trong chế tạo đồng hồ, đảm bảo từng sản phẩm đều được hoàn thiện bởi những đôi tay lành nghề, chất liệu tinh xảo, bộ máy chính xác và dịch vụ hậu mãi, bảo trì chất lượng.
"Chúng tôi là người canh giữ thương hiệu, quản lý nó trong một giai đoạn thời gian. Chúng tôi không phải là người sáng lập, bởi thương hiệu này đã tồn tại từ trước khi chúng tôi tiếp quản, và chúng tôi chưa bao giờ định biến nó thành của mình", truyền nhân đời thứ 4 của gia đình Stern cho biết. Điều này rất đúng với tôn chỉ mà Patek Philippe vẫn luôn quảng cáo hàng chục năm nay: "Bạn chưa bao giờ thực sự sở hữu một chiếc Patek Philippe, mà bạn chỉ giữ gìn nó cho tới thế hệ tiếp theo".
Trải qua 180 năm phát triển với các dòng đồng hồ biểu tượng như Calatrava, Nautilus, Gondolo và Ellipse D’Or, Patek Philippe hiện là nhà chế tác đồng hồ Geneva lớn cuối cùng vẫn thuộc sở hữu độc lập và điều hành bởi gia đình.
"Chừng nào chúng tôi còn đam mê, còn nhân viên giỏi, tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể thất bại. Patek Philippe là một câu chuyện bất tận về sự sáng tạo và đổi mới. Chúng tôi sẽ luôn tồn tại và cung cấp những sản phẩm tốt nhất.
Tôi không thể tưởng tượng nổi một ngày mình cạn kiệt ý tưởng. Có thể bộ máy đồng hồ sẽ ngày càng phức tạp hơn, nhưng chúng là thứ hữu ích chứ không phải là đồ vô bổ. Công nghệ phát triển cũng giúp chúng tôi gặt hái được nhiều thành quả hơn.
Trừ khi gặp phải sai lầm thảm họa, còn không Patek Philippe sẽ không bao giờ gục ngã, và chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi", Thierry Stern tự hào nói.