Hành trình đòi lại 35 container hạt điều bị lừa
Theo Vinacas, các doanh nghiệp bị hại trong vụ việc đều không muốn công bố danh tính.
- 07-04-2022Từng là thị trường tỷ đô con cưng của ngành thương mại điện tử, điều gì khiến lĩnh vực mua chung tại Trung Quốc sa thải hàng ngàn nhân viên?
- 16-03-2022Toàn cảnh vụ nghi lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều Việt Nam
- 10-01-2022Ông lớn hàng đầu trong ngành lọc nước tham gia thị trường điều hoà không khí
Chiều 31-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết đến thời điểm này, nhờ phán quyết của tòa án của Ý, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã kiểm soát được toàn bộ 35/35 lô hàng hạt điều xuất khẩu sang Ý trước đó bị mất chứng từ gốc.
Tuy nhiên, trong số này có 5 lô hàng nằm lại cảng của Ý do hãng tàu chưa phát hành bộ chứng từ mới cho DN vì các DN này chưa đóng tiền cọc (từ 125%-150% giá trị lô hàng, mỗi lô khoảng 4 tỉ đồng) cho hãng tàu nên chưa thể bán lại hoặc kéo hàng về Việt Nam như 30 container kia.
"Yêu cầu đóng tiền cọc của hãng tàu là không sai vì phán quyết của tòa án mới là thủ tục ban đầu để DN có thể giải phóng nhanh hàng hóa do điều là thực phẩm có thời gian sử dụng, để lâu sẽ giảm phẩm cấp. Phải chờ đến khi tòa án có phán quyết cuối cùng thì DN mới được nhận lại tiền cọc từ hãng tàu sau khi bị trừ những chi phí liên quan như kho bãi, vận chuyển…" - ông Nhựt giải thích.
Theo ông Nhựt, vụ việc xử lý thành công là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, các DN điều trong vụ lừa đảo về xuất nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Dù vậy, vụ việc vẫn chưa kết thúc vì một số lô hàng vẫn đang trên đường về Việt Nam, các DN chưa xác định được hết thiệt hại.
"Việc tiếp theo là các DN phải đề nghị xử lý Công ty Kim Hạnh Việt - công ty môi giới toàn bộ lô hàng và buộc họ phải chi trả những tổn thất. Theo thông lệ quốc tế, công ty môi giới phải xác minh cả bên mua và bên bán để kết nối giao dịch nhưng trong trường hợp này môi giới đã không làm đúng nghiệp vụ" - ông Nhựt nhận xét.
Một số hình ảnh chứng minh các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều tại Ý là công ty “ma”. (Ảnh do Thương vụ Việt Nam tại Ý cung cấp)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại vào chiều 31-5, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Ý, xác nhận tất cả 35 container hạt điều mất bộ chứng từ gốc đã được giải quyết và trong vài ngày tới, 5 container cuối cùng trong số này sẽ được giao trả cho DN Việt Nam.
"Thành công bước đầu là tòa án của Ý đã phán quyết trả lại quyền sở hữu các lô hạt điều cho các DN Việt Nam. Dù vậy, vẫn còn nhiều công việc, hồ sơ tòa tiếp theo cần phải xử lý bên Ý, cho đến khi hãng tàu trả lại tiền cọc cho các DN Việt Nam mới xem là thật sự thành công.
Do đó, sự hỗ trợ từ Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) các tòa kinh tế, hình sự tại Việt Nam vẫn rất cần thiết. Thương vụ Việt Nam tại Ý nhận thấy việc Bộ Công an hỗ trợ thúc đẩy xử lý vụ việc với các cơ quan liên quan ở trong nước cũng như với Interpol sẽ rất hiệu quả về lâu dài để giải quyết dứt điểm vụ việc" - ông Nguyễn Đức Thanh nhận định.
Về tiến trình vụ việc, ông Thanh cho biết đã tiếp nhận đơn kêu cứu của DN đầu tiên vào ngày 5-3 (trước khi thông tin đăng tải rộng rãi trên báo chí - PV) và Thương vụ đã ngay lập tức xử lý. Suốt thời gian sau đó, đoàn công tác tại Ý đã xác minh các DN mua hàng, kết quả có tới 4/5 người mua là công ty "ma" do không có địa chỉ thực, không có công ty tại địa chỉ đăng ký… Đoàn công tác sau đó đã cung cấp những thông tin này cho luật sư, tòa án và các cơ quan công quyền Ý để sử dụng trong quá trình điều tra xử lý.
Ông Nguyễn Đức Thanh thông tin thêm hạt điều là loại thực phẩm có tỉ lệ dầu cao, dễ hút ẩm và dễ bị hư hỏng do nhiệt độ và độ ẩm. Trong điều kiện lưu kho bãi, hạt điều chất kín trong container, dưới sức nắng của biển Địa Trung Hải... khiến chất lượng điều bị xuống cấp và hư hỏng nhanh chóng. Do đó, đoàn công tác đã rất nỗ lực để vụ việc được xét xử sớm, trong đó có việc đến gặp trực tiếp lãnh đạo tòa án Larino để trình bày sự việc, nêu những lý do cần một phán quyết khẩn cấp.
Đoàn công tác cũng chấp nhận rủi ro trong công tác, nguy hiểm rình rập đi điều tra nhóm lừa đảo, nêu ra các phương hướng công tác phối hợp các bộ ngành, luật sư, tòa án... để có được kết quả như ngày hôm nay.
Nhiều bài học xương máu
Theo Vinacas, các DN bị hại trong vụ việc đều không muốn công bố danh tính. Phóng viên đã tìm cách liên lạc với 1 trong 6 DN có lô hàng suýt bị lừa nhưng chủ DN chỉ thông tin đơn giản là toàn bộ vụ việc đã giải quyết xong. Tuy nhiên, một DN trong ngành phân tích vụ việc trên là do một số DN điều Việt Nam đi lên từ sản xuất nhỏ, thiếu kinh nghiệm thương mại quốc tế nên không nhận ra yếu tố lừa đảo. Bài học rút ra là các DN phải tìm hiểu kỹ đối tác mua hàng cũng như công ty môi giới.
Người Lao động