MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn!

Trong cuộc gặp phóng viên trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, Giám đốc World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione nhận xét: đất nước hình chữ S nên tích cực hơn trong ngoại giao kinh tế. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ phân tích câu chuyện ngoại giao kinh tế của Việt Nam kể từ thời còn bị cấm vận đến một đất nước hội nhập sâu rộng, gắn chặt với kinh tế thế giới.

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 1.

“Việt Nam là một trong số các nước chỉ có bạn nhưng chưa tận dụng triệt để nguồn vốn đó. Việt Nam có dư địa để tái cấu trúc kinh tế tư nhân, giúp họ khám phá những thị trường mới....”, ông nói.

Vậy, ngoại giao kinh tế là gì, Việt Nam có thật chưa tận dụng triệt để nguồn vốn này hay không... sẽ được Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phân tích. Ông Hưng từng phụ trách về ngoại giao kinh tế, làm Trưởng ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế Bộ Ngoại giao khi đang là Thứ trưởng dưới thời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 2.

Năm nay Bộ Ngoại giao kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành. Điều đó có nghĩa là kể từ năm 1945 khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (CHXHCN Việt Nam ngày nay) ra đời, Bộ Ngoại giao cũng được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Bộ trưởng đầu tiên.

Giai đoạn kháng chiến, nhiệm vụ của ngành ngoại giao là tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả tinh thần lẫn vật chất, để chống giặc ngoại xâm.

Khi đất nước thống nhất, từ năm 1975 - 1990, Việt Nam tập trung phá bao vây cấm vận của các nước phương Tây. Đất nước lúc đó từng bước mở rộng hợp tác kinh tế ra bên ngoài, không chỉ quan hệ với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh (1965 – 1980), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1980 – 1991) dành mối quan tâm lớn cho việc này. Nhờ vậy, Việt Nam mở ra được ODA với Nhật Bản, lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, bình thường hoá và thiết lập quan hệ với các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF, World Bank.

Việt Nam cũng chủ trương sớm hướng tới bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc về vấn đề này. Tháng 9/1990, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker ở New York, bàn việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Có cả một quá trình vận động ngoại giao khắp nơi để dỡ bỏ cấm vận. Đến tháng 2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mới tuyên bố quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam.

Năm 1995 được xem là cột mốc quan trọng mở đầu quá trình đất nước hội nhập quốc tế. Đầu tiên là gia nhập ASEAN tháng 7/1995. Phải mất một thời gian nhất định để tạo dựng đồng thuận trong nội bộ Việt Nam. Trước đây, Việt Nam và các nước ASEAN còn nhìn nhau với con mắt ngờ vực, nghi kỵ. Sau giải phóng miền Nam, nhiều nước trong ASEAN nghi ngại việc quân đội Việt Nam hùng mạnh nhất Đông Nam Á.

Việc gia nhập ASEAN là một quyết định lịch sử, mang tính chiến lược, tạo lợi ích rất lớn cho Việt Nam và góp phần quan trọng cho sự phát triển của khối, kể cả mở rộng ASEAN thành khối 10 nước.

Tháng 7/1995, Mỹ và Việt Nam thông báo quyết định bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. 1 tháng sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Warren Christopher khánh thành toà Đại sứ Mỹ tại Hà Nội. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Ngoại trưởng Mỹ sau khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Cũng trong năm 1995, Việt Nam đã ký Hiệp định khung hợp tác với Cộng đồng châu Âu tại Bỉ. Như vậy, Việt Nam cùng lúc thực hiện được 3 sự kiện đối ngoại lớn, có tính cộng hưởng, mở ra giai đoạn hội nhập quốc tế.

Năm 2000, Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định thương mại (BTA) và có cuộc thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, lúc này là ông Bill Clinton.

Năm 2004 Việt Nam là nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) sau khi tham gia với tư cách thành viên sáng lập được 8 năm (1996). Năm 2006, Việt Nam chủ trì Tuần lễ cấp cao APEC, cũng 8 năm sau khi gia nhập (1998). Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Những năm 2006, 2007 đánh dấu một giai đoạn cao hơn của hội nhập với thế giới của Việt Nam.

Năm 2017, Việt Nam một lần nữa chủ trì APEC. Năm 2018, chúng ta ký kết Hiệp định CPTPP. Đến năm 2020, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn Hiệp định EVFTA... Điều đáng nói Bộ Ngoại giao cũng là đơn vị đi đầu đề xuất chủ trương đàm phán Hiệp định thương mại tự do TPP( mà sau này là CPTPP) và tham gia tích cực vào các quá trình đàm phán các FTA thế hệ mới.

Tôi rất tâm đắc một quan sát của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan về  "tính quy luật 10 năm" của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Cách mạng tháng 8 năm 1945; Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 dẫn đến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam năm 1955; Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc 1964; Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975; bắt đầu Đổi mới từ 1986…

Dường như trong hội nhập quốc tế, cũng cứ khoảng 10 năm ( 1995, 2006-2007,2017-2018) đất nước lại bước lên bậc thang cao hơn. Điều này cũng thể hiện quyết tâm rất cao của Việt Nam tham gia tích cực vào đời sống quốc tế.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước và các tổ chức quốc tế quan trọng nhất. Chúng ta là thành viên tích cực và xây dựng của cộng đồng quốc tế, có quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước đối tác lớn, quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với nhiều nước khác.

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 3.
Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 4.

Trước khi có BTA, việc vận động bỏ phiếu này chúng ta phải làm hàng năm.

Ngoại giao kinh tế hiểu đơn giản là sử dụng những biện pháp ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, để tạo điều kiện cho đất nước làm ăn, hợp tác kinh tế với các nước khác. Từ đó, tranh thủ mọi nguồn lực, lợi thế của đất nước để phục vụ sự phát triển quốc gia.

Tôi may mắn được tham gia vào công tác ngoại giao kinh tế ở nhiều thời kỳ trên các cương vị khác nhau, cả vai trò của người triển khai hoạt động này khi làm Đại sứ hay xây dựng các cơ chế chính sách, định hướng khi là Thứ trưởng phụ trách công tác Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao. Do vậy, tôi có điều kiện chiêm nghiệm về vai trò của công tác này trong phát triển kinh tế của đất nước.

Nội hàm của ngoại giao kinh tế rất rộng, có những điểm trùng với hoạt động kinh tế đối ngoại, nhưng không đồng nhất với kinh tế đối ngoại. Đơn cử tranh thủ ODA, FDI, thúc đẩy thương mại, du lịch quốc tế là công việc của các Bộ, ngành kinh tế phụ trách các lĩnh vực đó, và do các địa phương thực hiện, phục vụ mục tiêu phát triển của từng vùng. Thế nhưng, ngành Ngoại giao đã tham gia tích cực vào các hoạt động theo cách riêng bởi chính những lợi thế của ngành.

Có những hoạt động, ngoại giao sẽ hỗ trợ, tạo giá trị gia tăng cho hoạt động kinh tế đối ngoại nhờ vào sự hiểu biết về các quốc gia, mạng lưới quan hệ với các chính giới, tài giới, những người có ảnh hưởng hay nhờ vào nguồn thông tin...

Và có những hoạt động, Ngoại giao phải đi đầu, đưa ra sáng kiến, để mở đường cho các Bộ, ngành, địa phương từng bước thâm nhập, nắm giữ và mở rộng. Đó là những hoạt động Ngoại giao kinh tế ở các hoàn cảnh, địa bàn khó khăn, ở những việc chưa có tiền lệ.

Ví dụ rõ nhất là câu chuyện thương mại với Mỹ. Khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, Việt Nam đặt ưu tiên cao thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại. Nhưng không phải muốn thì làm ngay được. Sự nghi kỵ từ hai phía rất lớn. Mỹ có những điều luật cấm hoặc hạn chế làm  ăn với các nước cộng sản, ví dụ như Tu chính án Jakson- Vanik. Khi đó, Quốc hội Mỹ phải bỏ phiếu thông qua nghị quyết không áp dụng điều luật này trong quan hệ làm ăn với Việt Nam thì mới buôn bán với họ được.

Trước khi có BTA, việc vận động bỏ phiếu này chúng ta phải làm hàng năm. Hai bên đã phải tiến hành đàm phán về BTA - một loại hiệp định thương mại hoàn toàn mới lạ, khác với những hiệp định trước đó Việt Nam từng ký với nước ngoài.

Hồi đó, sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, năm 1997, tôi được cử sang làm Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế đầu tiên tại đây. Ông Lê Văn Bàng, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, dặn tôi là bây giờ làm ăn kinh tế trực tiếp là chưa thuận, cần tháo gỡ các rào cản liên quan, cả về chính trị.

Do đó, nhiệm vụ của Phòng Chính trị - Kinh tế của Đại sứ quán do tôi phụ trách, là từng bước tham gia xây dựng, cải thiện mối quan hệ hai nước, gỡ bỏ những điều luật áp đặt, rào cản làm ăn, thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương của Mỹ.

Hiệp định BTA được khởi động đàm phán từ 1996 và phải đến tháng 7/2000 mới ký kết chính thức. Rào cản từ hai phía lớn đến mức, kể cả khi hai đoàn đã đàm phán xong, đã ký tắt Hiệp định, nhưng lại chưa thể ký chính thức mà cần thêm vòng đàm phán bổ sung.

Tôi còn nhớ lúc đó Bộ trưởng Vũ Khoan nói với Trưởng đoàn thuơng mại Mỹ Charlene Barshefsky rằng hai bên phải vượt qua những rào cản, trong đó có rào cản trong tư tưởng, cần nhìn đến lợi ích lâu dài của quan hệ hai nước, phải tính đến những lợi ích chính đáng của nhau và nhân nhượng thỏa đáng thì BTA mới có thể ký kết và có hiệu quả thực sự. Nếu không, kể cả khi đạt được thoả thuận và ký kết, nhưng Hiệp định không được phê chuẩn thì cũng không có ý nghĩa gì, chỉ là "để trong ngăn kéo" mà thôi. Bộ trưởng Vũ Khoan đã thuyết phục được phía đối tác. Cuộc đàm phán đã thành công và Hiệp định được ký chính thức 13/7/2000 tại thủ đô Washington.

Phải từng bước giải tỏa được tư tưởng nghi kỵ thì mới từng bước xây dựng được quan hệ tốt với nhau và có được quan hệ hợp tác kinh tế như hôm nay. Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ với Mỹ vừa qua cho chúng ta thấy rõ lợi ích to lớn của BTA với quan hệ hai nước, với sự phát triển thương mại của Việt Nam. Trong vòng 25 năm, thương mại hai nước tăng khoảng 171 lần.

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 5.
Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 6.

Một câu chuyện khác về ngoại giao tranh thủ lợi ích kinh tế như thế nào là việc vận động để Việt Nam được tham dự vào cuộc họp trong khuôn khổ G20. Việt Nam không thuộc diện các nước tham gia G20 nhưng đã được mời tham dự các Hội nghị thượng đỉnh G20: 2 lần trong năm 2010, tại Canada và Hàn Quốc và tại Đức năm 2017. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số lần được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Điều này có được trước hết phải nhờ các sáng kiến, các hoạt động vận động ngoại giao. Tham gia những hoạt động ngoại giao quốc tế cấp cao như vậy mang lại lợi ích không đo đếm được cho đất nước: từ vị thế, hình ảnh, đến lợi ích hợp tác bên ngoài.

Bộ Ngoại giao được giao tham gia vận động, rồi chuẩn bị cho Việt Nam tham gia các cuộc hội nghị này.

Năm 2010 Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, đăng cai tổ chức ASEAN. G20 là cơ chế được lập ra với kỳ vọng để xử lý các vấn đề toàn cầu, nhất là sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 – 2009. Chúng ta đã thuyết phục thành công để nước Chủ tịch ASEAN được tham dự các hội nghị trong khuôn khổ G20.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự 2 Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2010 tại Toronto và Seoul và đã có những đóng góp tích cực vào các Hội nghị này.

Việc vận động ngoại giao một lần nữa có hiệu quả khi Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20  năm 2017 tại Đức. Thời điểm đó, tôi đang là Đại sứ tại đây. Khi được Bộ Ngoại giao gợi ý, Đại sứ quán đã cử cán bộ đến thăm dò, vận động Bộ Ngoại giao nước chủ nhà G20.

Năm 2017 Việt Nam là chủ nhà của tuần lễ cấp cao APEC. Giữa Đức - nước chủ nhà Hội nghị G20) và Việt Nam - chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh APEC, có nhiều quan mối quan tâm giống nhau, có quan điểm song trùng trong nhiều vần đề như toàn cầu hóa, thương mại quốc tế.

Khi chúng ta trao đổi, các bạn Đức đã rất hưởng ứng ý tưởng này.

Sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức mời Việt Nam tham gia các hoạt động trong khuôn khổ G20 năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang dự Hội nghị ở Hamburg tháng 7/2017 và nhân dịp này cũng có chuyến thăm rất thành công tới CHLB Đức.

Việt Nam đại diện cho một khối nhưng cũng là đại diện cho chính mình. Việc tham gia các hội nghị quan trọng như vậy mang lại lợi thế rất lớn khi các quốc gia khác biết Việt Nam là một dân tộc có tiếng nói, dẫn dắt cho cả một khối. Thậm chí, sâu xa hơn, thế giới hiểu rằng Việt Nam giờ là đất nước thanh bình, cởi mở, có môi trường đầu tư làm ăn tốt.

Quay trở lại năm 2010, đây cũng là năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức sự kiện về Đông Á tại Việt Nam.

WEF là sự kiện gặp mặt của hầu hết lãnh đạo và cựu lãnh đạo các quốc gia, các chuyên gia hàng đầu về nhiều lĩnh vực, lãnh đạo của hàng nghìn tập đoàn, công ty lớn nhất toàn cầu…Đây được xem là nơi lý tưởng để trao đổi ý tưởng về các xu hướng tương lai trên thế giới. Với ý nghĩa này, Bộ Ngoại giao đề xuất vận động WEF đến tổ chức sự kiện tại Việt Nam. Trước đó, WEF mới chỉ tổ chức sự kiện khu vực Đông Á tại những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đề xuất được Chính phủ chấp nhận, giao cho một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban vận động, tôi được giao làm Phó Trưởng ban.

Năm 2009, tại WEF về Đông Á tổ chức ở Hàn Quốc, do còn băn khoăn nhất định về khả năng thành công ở Việt Nam, WEF trao đổi về khả năng chỉ tổ chức quy mô hạn chế. Nghĩa là một Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của khoảng 100 tập đoàn thế giới và khu vực. Được như vậy cũng đã là rất tốt và Việt Nam cũng đã trù liệu đến khả năng này. Tuy nhiên, tôi xin ý kiến Phó Thủ tướng để thuyết phục WEF về một diễn đàn với quy mô đầy đủ.

Chúng tôi khẳng định Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức một cách thành công sự kiện này, nhất là năm 2010 Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN. Cuối cùng, tháng 6/2010, sự kiện quy mô lớn của WEF với vài nghìn người tham gia đã được tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, mở ra nhiều cơ hội cho đất nước. Sau này, năm 2018, Việt Nam còn tổ chức WEF về ASEAN cũng rất thành công.

Tôi được biết, trước đó, một số lãnh đạo, trong đó có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã từng nêu với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch WEF về việc mời WEF tổ chức sự kiện ở Việt Nam.

Công tác ngoại giao kinh tế là như thế, là tìm những cơ hội để tạo dựng từ vị thế, hình ảnh cho đất nước, là song hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp vì lợi ích phát triển đất nước. Điều này mang lại lợi ích rất lớn, chứ không chỉ là tìm kiếm một số hợp đồng kinh tế, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ.

Trong những năm qua, các đơn vị của Bộ Ngoại giao, trong nước cũng như ngoài nước - các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có nhiều nỗ lực triển khai công tác này, coi đó là một trụ cột của Ngoại giao Việt Nam, một trọng tâm hoạt động của mình.

Bộ Ngoại giao đã có nhiều báo cáo về tình hình kinh tế thế giới, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện luôn có nhiều biến động trên thế giới và Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao  cũng kiến nghị nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, về đàm phán FTA, tranh thủ ODA, FDI...

Dù đã có nhiều điều thành công và được ghi nhận nhưng những nhà ngoại giao Việt Nam còn mong muốn và có thể làm được nhiều hơn thế nữa.

Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 7.
Hành trình khó tin của Việt Nam: Từ quốc gia bị cấm vận đến đất nước chỉ có bạn! - Ảnh 8.

Vậy ngoại giao kinh tế của Việt Nam thời trước và thời nay có những điểm giống và khác nhau như thế nào?

Có nhiều điểm giống và cũng có nhiều điểm khác. Đây cũng là đặc điểm chung của ngoại giao kinh tế ở các nước thôi. Giống, vì cùng để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Khác, vì một là, tình hình mỗi giai đoạn đã khác. Hai là, mỗi giai đoạn sẽ có nhiệm vụ cụ thể và nhận thức về vai trò và ý nghĩa của ngoại giao kinh tế cũng có sự thay đổi theo thời gian.

Trong những năm 1970 – 1980, ngoại giao kinh tế tập trung tranh thủ hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước bạn bè truyền thống và phá bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây.

Những năm sau này chúng ta tập trung nhiều cho công tác hội nhập và thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đa phương với các đối tác. Tình hình thế giới thay đổi, các nước cũng thay đổi, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên phát triển kinh tế đất nước từng giai đoạn cũng có những khác biệt. Do đó, công tác ngoại giao kinh tế cũng phải thích ứng và tính đến tình hình đó. Hiện nay chúng ta chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững.

Việc nhận thức về ngoại giao kinh tế cũng là cả vấn đề. Bây giờ chúng ta nói cụm từ này thấy rất bình thường, nhưng trước đây không phải như vậy đâu. Các thế hệ trước đã phải mất khả nhiều công sức mới thuyết phục được mọi người có đồng quan điểm và nhận thực về ngoại giao kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong những người đi tiên phong thúc đẩy ngoại giao kinh tế, nhưng thời ông, do chưa có đồng thuận cao nên chỉ được dùng cụm từ " ngoại giao làm kinh tế". Sau này thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên sử dụng cụm từ " ngoại giao phục vụ kinh tế". Thời kỳ Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm  cụm từ ngoại giao kinh tế mới được chính thức sử dụng trong các văn kiện và hoạt động của Đảng, Nhà nước và trong thực tiễn chỉ đạo công tác này của Bộ Ngoại giao.

Trở lại với vấn đề mà ông Ousmane Dione đặt ra, tôi nghĩ rằng ông ấy chắc đề cập đến kinh tế tư nhân Việt Nam, đề xuất việc tạo điều kiện cho khối này tận dụng các thị trường ngoài nước và qua đó tranh thủ nguồn vốn bên ngoài nhiều hơn nữa đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội.

Nếu đây là ý của ông Dione muốn nói, thì tôi cũng chia sẻ nhận định này. Kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay ngày càng đóng góp rất quan trọng cho đất nước. Nhà nước đã và đang coi trọng khu vực tư nhân, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Khối tư nhân cũng nên được sự hỗ trợ của Nhà nước, của các nhà ngoại giao để họ tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài nhiều hơn. Có các đối tác mạnh, phù hợp từ bên ngoài, họ sẽ còn có thể phát triển mạnh hơn nữa và sẽ đóng góp nhiều hơn, tốt hơn vào sự phát triển của đất nước.

Bài: Đức Minh
Ảnh: Tuấn Mark  Thiết kế: Hoài Linh

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên