MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình thoát nghèo của Ba Lan: Từ bán lông thú đi lên bán máy móc

15-08-2017 - 13:13 PM | Tài chính quốc tế

Tính đến năm 2017, Ba Lan đã có tròn 26 năm tăng trưởng ổn định, một con số kỷ lục tại EU. Kể từ năm 1990, Ba Lan đã thực hiện nghiêm túc cơ chế thị trường tự do và đây cũng là nền kinh tế duy nhất ở Châu Âu vượt qua thời kỳ khủng hoảng 2008 mà không có mức tăng trưởng âm nào.

Nói về khối các nước Đông Âu, mọi người thường hay nghĩ về một khu vực có nền kinh tế chậm phát triển do ảnh hưởng từ thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, những kết quả gần đây cho thấy chính các thành viên Đông Âu mới là những thị trường có sự tăng trưởng bền vững nhất thế giới so với hàng loạt các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nóng khác.

Trong số các nước Đông Âu gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), Ba Lan được coi là nền kinh tế phát triển nhất và cũng là thị trường lớn thứ 6 trong khối. Kể từ năm 1990, Ba Lan đã thực hiện nghiêm túc cơ chế thị trường tự do và đây cũng là nền kinh tế duy nhất ở Châu Âu vượt qua thời kỳ khủng hoảng 2008 mà không có mức tăng trưởng âm nào.

Tính đến năm 2017, Ba Lan đã có tròn 26 năm tăng trưởng ổn định, một con số kỷ lục tại EU. Mức GDP bình quân tính theo sức mua tương đương (PPP) của Ba Lan vào khoảng 6% hàng năm trong suốt 20 năm qua, một con số cực kỳ ấn tượng tại Trung Âu. Kể từ năm 1995, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Ba Lan thuộc hàng nhanh nhất so với bất kỳ nền kinh tế cùng đẳng cấp nào khác.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy Ba Lan đứng thứ 20 trên thế giới xét về tổng GDP và được coi là một trong những nền kinh tế có thu nhập cao.

Xét về cơ cấu kinh tế, mảng dịch vụ chiếm tới 62,3% trong khi công nghiệp chiếm 34,2% và nông nghiệp chỉ chiếm 3,5%. Dẫu vậy, ngành nông nghiệp Ba Lan lại chiếm tới 12,7% tổng lực lượng lao động và vẫn chiếm vai trò to lớn trong nền kinh tế.

Hiện Ba Lan là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về củ cải đường và hắc mạch, đồng thời là một trong những nhà xuất khẩu lớn tại EU về cà chua và lúa mạch. Quốc gia này cũng đứng thứ 6 thế giới về trồng và xuất khẩu táo.

Việc tăng cường đầu tư và cải cách kinh tế đã buộc chính phủ Ba Lan tăng cường vay nợ từ 42,2 tỷ USD năm 1989 lên mức 365,2 tỷ USD năm 2014. Đổi lại, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 198,2 tỷ USD năm 2015, tăng 5,4% so với năm 2011.

Khác với những nước tăng trưởng nóng thời gian gần đây, các mặt hàng chủ lực của Ba Lan không phải tài nguyên thiên nhiên, hàng hóa thô hay nguyên vật liệu mà là máy móc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng và nhựa.

Số liệu của Tổng cục thống kê Ba Lan cũng cho thấy mức tăng trưởng 3,9% năm 2010 của nước này thuộc hàng đầu Châu Âu. World Bank dự đoán tăng trưởng năm 2017 của Ba Lan sẽ đạt 3,3% và tiếp tục tăng trưởng ổn định 3,2% trong các năm 2018-2019. Tổ chức này cho rằng dù giảm tốc nhẹ năm 2016 nhưng những dòng vốn đầu tư mới cùng thị trường việc làm sôi động cũng như các chính sách kích thích tiêu dùng của chính phủ đã khiến Ba Lan lấy lại được đà tăng trưởng của mình.

Từ bán lông thú đi lên bán máy móc

Vào thế kỷ thứ 16, khu vực Ba Lan nổi tiếng toàn Châu Âu với 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ngũ cốc, gia súc và lông thú. Những hàng hóa này chiếm tới 90% xuất khẩu của Ba Lan.

Trong những năm tháng Thế Chiến thứ I và thứ II, nền kinh tế Ba Lan trồi sụt thất thường do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị. Mặc dù bị tổn thất nghiêm trọng về nhân lực sau các cuộc chiến nhưng chính chiến tranh lại thúc đẩy nền công nghiệp và kỹ thuật tại Ba Lan phát triển, qua đó giúp quốc gia này có nền tảng bước đầu cho con đường phát triển sau này.

Đến năm 1990, nhất là khi Liên Xô tan rã, Ba Lan bắt đầu có cuộc chuyển mình ngoạn mục. Việc mở cửa thị trường, cổ phần hóa các công ty quốc doanh vừa và nhỏ đã thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh tế.

Điều đặc biệt là công cuộc cổ phần hóa của Ba Lan không hề tạo ra những tập đoàn tư bản thống trị độc quyền hay những đế chế doanh nghiệp kiểm soát nền kinh tế, qua đó tạo nên một môi trường kinh doanh tự do cũng như thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng phi thường của thị trường nội địa giúp nền kinh tế này có động lực bền vững, vượt qua được những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mặc dù mảng nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như dư thừa lao động, canh tác manh mún và thiếu đầu tư trong khi mảng khai khoáng, một ngành khá nhạy cảm cũng gặp khó khi cổ phần hóa nhưng làn sóng đầu tư nước ngoài vào các ngành kinh tế đã cho Ba Lan cơ hội để tái cơ cấu cũng như chuyển mình. Đặc biệt, mảng năng lượng và luyện kim của Ba Lan được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khá lớn.

Trong những năm gần đây, các mảng dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội và hành chính công đang được Ba Lan tích cực cải cách nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng cũng như kéo dài kỳ tích 26 năm không tăng trưởng âm của đất nước. Kinh tế Ba Lan đã tăng trưởng đến 177% trong khoảng 1989-2007, mức cao kỷ lục tại Châu Âu.

Hiện tượng Ba Lan ngày càng được chú ý hơn vào năm 2009 khi nền kinh tế EU lâm vào khủng hoảng nhưng GDP của nước này vẫn đạt 1,6%. Tính đến tháng 11/2013, trong khi nền kinh tế nhiều nước EU mới bắt đầu hồi phục lại thì tăng trưởng lũy kế của Ba Lan đã đạt 16%.

Nguyên nhân chính của thành công này ngoài những chính sách cải cách mạnh tay của chính phủ cũng phải kể đến một thị trường đầy tiềm năng trong nước của Ba Lan. Với dân số đông thứ 6 tại EU và một nền chính trị thân thiện với doanh nghiệp, Ba Lan dễ dang thu hút được các doanh nhân và nhà đầu tư đến tiếp cận thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, việc nợ công cao sau thời gian cần vốn đầu tư đã được chính phủ Ba Lan đặc biệt chú trọng. Các nguồn vốn được tái đầu tư vào các ngành công nghiệp, qua đó đem lại lợi nhuận lớn để thanh toán các khoản vay và hạ nợ công xuống. Số liệu chính thức cho thấy nợ công của Ba Lan chỉ vào khoảng 50% GDP, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 90% của EU.

Điều này trái ngược với các nước tăng trưởng nóng với khoản nợ khổng lồ nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên và hàng hóa thô, dẫn đến tình trạng bất ổn khi giá các mặt hàng này biến động mà ví dụ điển hình là Venezuela.

Hơn nữa, chính phủ Ba Lan đã rất khôn ngoan khi thực hiện chính sách cắt giảm thuế cũng như tăng chi tiêu công bằng các nguồn vốn vay ưu đãi. Điều này đã kích thích thị trường nội địa cũng như tác động tích cực đến xuất khẩu. Ngoài ra, do không nằm trong khối đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nên việc đồng Zloty giảm giá cũng khiến xuất khẩu của Ba Lan tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua.

Tỷ lệ thất nghiệp của Ba Lan cũng liên tục giảm mạnh do số việc làm tăng cao cùng làn sóng đầu tư từ nước ngoài. Năm 2002, tỷ lệ thất nghiệp của Ba Lan đạt 20% nhưng đã giảm xuống chỉ còn 7% năm 2014 và 4,8% vào tháng 4/2017. Thậm chí với xu hướng di chuyển sang những thị trường phát triển hơn của giới trẻ Ba Lan, quốc gia này đang phải nhập khẩu rất nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là từ Ukraine nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước.

Mở cửa thị trường

Với việc Liên Xô tan rã, giao thương của Ba Lan cũng thay đổi nhanh chóng. Từ những năm 1996, khoảng 70% thương mại của Ba Lan là với các thành viên EU, đặc biệt là thị trường Đức. Tính đến năm 2013, Đức là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa của Ba Lan nhất.

Xét trên phương diện xuất khẩu, dù máy móc thiết bị là mặt hàng chủ lực của Ba Lan nhưng nông sản cũng góp phần không nhỏ cho việc đem ngoại tệ về cho đất nước. Những mặt hàng nông sản chính của Ba Lan như cá hun khói, chocolate, sữa tươi, thịt… đã đem về 62 tỷ Zloty cho Ba Lan năm 2011, tăng 17% so với năm 2010.

Mặc dù có một thị trường tiêu dùng nội địa mạnh cũng như không dựa dẫm quá nhiều vào xuất khẩu nhưng thương mại của Ba Lan lại vô cùng phát triển. Thặng dư thương mại của nước này năm 2011 tính theo phần trăm GDP đạt 40%, tăng gấp đôi so với giữa thập niên 1990. Xuất khẩu của Ba Lan sang thị trường Nga cũng lớn nhưng bị gián đoạn do các lệnh cấm vận vào năm 2014.

Kể từ năm 1989, xuất khẩu của Ba Lan đã tăng 25 lần, đạt 250 tỷ USD vào năm 2013.

Bên ngoài những lợi ích về giao thương, việc cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của Châu Âu cũng giúp Ba Lan hoàn thiện được mô hình kinh tế, luật pháp và cấu trúc nền kinh tế cho phù hợp với tình hình mới.


Tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong khoảng 1989-2013 (Năm 1989=100 điểm)

Tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong khoảng 1989-2013 (Năm 1989=100 điểm)

Ngoài ra, nước này cũng đặc biệt chú trọng đến giáo dục khi 50% số thanh thiếu niên tại đây theo học đại học, cao hơn mức 10% của năm 1989 và mức bình quân trên toàn EU. Bất chấp lượng ngân sách đầu tư cho giáo dục thấp hơn các nước phát triển, đánh giá của hệ thống chất lượng giáo dục quốc tế PICA năm 2012 cho thấy học sinh trên 15 tuổi tại Ba Lan có khả năng đọc viết tốt hơn các nước Tây Âu và Bắc Mỹ.

Năm 2014, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ba Lan đạt 40% GDP, tăng 100% so với năm 2000 và phần lớn đến từ các nhà đầu tư Đức, Pháp. Hầu hết dòng tiền này đổ vào các ngành sản xuất và công nghiệp.

Báo cáo của Ernst & Young cho thấy Ba Lan xếp thứ 7 thế giới về mức độ thu hút đầu tư nước ngoài trên thế giới. Trong khi đó, Số liệu của World Bank chỉ ra Ba Lan là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về cải cách tại EU cũng như trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Nhờ những thành quả này mà người dân Ba Lan được cải thiện đáng kể về chất lượng sống, qua đó tác động tích cực ngược lại thị trường. Số liệu của viện Brooking cho thấy tăng trưởng tiêu dùng bình quân của người dân Ba Lan cao hơn 70% so với mức trung bình tại Phương Tây và hơn 80% số người dân nước này hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Tất cả những thành quả trên là nhờ chính sách đúng đắn cũng như tinh thần làm việc chăm chỉ của người dân Ba Lan chứ không hề dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay những ưu đãi tài chính nào cả.

Theo BT

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên