Hành trình tiến đến ngai vàng đế chế gồm 56 công ty lớn nhỏ với khối tài sản 200 tỷ USD của 'thái tử' Hyundai bị cản bước bởi một nhà đầu tư khét tiếng đáng sợ
Trước sức ép của một nhà đầu tư Mỹ, kế hoạch trao ngôi vương cho con trai cả của chủ tịch Hyundai đang gặp khó khăn.
- 29-03-2018Chủ tịch Hyundai Motor sắp truyền ngôi cho con trai cả 47 tuổi
- 05-09-2017Nhà máy của Hyundai đóng cửa do căng thẳng Trung Quốc-Hàn Quốc
- 29-08-2017Các cuộc đình công khiến Hyundai thiệt hại hơn 550 triệu USD
- 25-08-2017Hyundai: Từ xưởng lắp ráp thuê cho Ford, trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới
Để đối phó với một trong những nhà đầu tư khó nhằn nhất, "thái tử" của Hyundai đang phải nỗ lực hết mình để bảo vệ sự thống trị của gia tộc ở đế chế ô tô lớn thứ 5 thế giới bằng cách thuyết phục các cổ đông đứng về phía mình.
Sau khi tuyên bố về kế hoạch mua lại 1,6 nghìn tỷ won (tương đương 1,5 tỷ USD) cổ phiếu trong tháng vừa qua, Phó chủ tịch Hyundai Chung Eui-sun - 47 tuổi - con trai cả của chủ tịch tập đoàn này tuyên bố rằng: "Lợi nhuận mà các cổ đông thu về được chỉ vừa mới bắt đầu mà thôi. Những chính sách cổ đông mới được tiết lộ không phải là tất cả những gì chúng tôi có".
Gia tộc nhà sáng lập Hyundai được cho là sẽ tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư trong những tuần tới. Ngày 29/5, họ đã tổ chức buổi họp biểu quyết việc cải tổ tập đoàn bao gồm cả thoả thuận sáp nhập gây tranh cãi trị giá 8,8 tỷ USD - bước đi được cho là để mở đường cho việc ông Chung có thể lên nắm quyền lực cao nhất ở tập đoàn mẹ.
Mọi chuyện có lẽ đã diễn ra êm đẹp cho đến khi tỷ phú Paul Singer - thông qua quỹ Elliott Management của mình - đơn vị nắm hơn 1 tỷ USD cổ phiếu của các chi nhánh tập đoàn này lên tiếng ngăn chặn thương vụ bởi ông cho rằng nó đi ngược lại lợi ích của các cổ đông.
Cụ thể, thay vì chấp nhận đề xuất của ban lãnh đạo là chia tách Hyundai Mobis Co. - chi nhánh sản xuất linh kiện ô tô thành 2 và sáp nhập 1 phần với mảng logistic thì quỹ của tỷ phú người Mỹ đề nghị rằng toàn bộ Mobis sẽ sáp nhập với công ty mẹ Hyundai Motor để thành lập nên một công ty cổ phần chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ đế chế Hyundai. Quỹ này cũng đề nghị thêm rằng các chi nhánh của tập đoàn nên trả nhiều hơn giới hạn 11 tỷ USD tiền mặt cho cổ đông, tăng cổ tức, huỷ việc mua lại cổ phiếu quỹ và thêm những giám đốc độc lập vào nhằm cải thiện tình hình quản trị.
Đề xuất cải tổ của Hyundai và Elliott hoàn toàn khác nhau
Về phần mình, ông Chung tỏ ra bình thản trước sức ép của Elliott. "Làm kinh doanh là vậy. Chúng tôi sẽ lắng nghe thận trọng và nếu có những đề xuất nào mang lại lợi ích cho công ty và các cổ đông khác, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét kỹ lưỡng".
Dẫu vậy, ông Chung thừa nhận Mobis cần phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn nhận được sự ủng hộ của các cổ đông. Ông nói rằng kế hoạch mở rộng của mình là biến Mobis từ một nhà sản xuất linh kiện đơn thuần thành nhà cung ứng thiết bị ô tô tiên tiến, công nghệ cao, thách thức cả những hãng như Robert Bosch của Đức và trở thành đơn vị dẫn đầu về lợi nhuận cho tập đoàn. Bằng cách đó, lợi nhuận sẽ tăng và lợi tức của nhà đầu tư cũng sẽ cao hơn.
"Đối với chúng tôi, chính sách cổ đông thân thiện nhất là kiếm tiền, trả thật nhiều cổ tức để đẩy giá trị của công ty đi lên", ông Chung chia sẻ.
Về cơ bản, Mobis cần trở thành đơn vị đi đầu về các công nghệ ô tô như cảm biến camera, lái tự động, kết nối và truyền điện. Phát triển phần mềm, trí thông minh nhân tạo và robot cũng là những ưu tiên hàng đầu. Công ty đang tìm kiếm 4 - 5 mục tiêu thâu tóm như một phần nỗ lực thúc đẩy Mobis tăng trưởng.
Tuy nhiên, với đề nghị cải tổ cơ cấu tổ chức, Mobis đang đóng một vai trò quan trọng khác: Giúp gia đình nhà sáng lập tăng khả năng kiểm soát đế chế với 56 công ty lớn nhỏ, nắm trong tay khối tài sản lên tới 200 tỷ USD Hyundai. Dưới đề nghị cải tổ này, gia đình ông Chung sẽ củng cố được lượng cổ phần tại Mobis - đóng vai trò như công ty cổ phần của tập đoàn.
Với Phó chủ tịch Chung, việc bán cổ phiếu Hyundai Glovis sẽ tạo điều kiện cho ông có đủ tiềm lực tài chính mua thêm cổ phiếu của Mobis - lý do tại sao thương vụ sáp nhập này lại đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với vị "thái tử" này. Theo kế hoạch, Mobis sẽ bán mảng hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhất của họ - điều mà các chuyên gia phân tích nói rằng sẽ đẩy quy mô của Glovis lớn hơn rất nhiều, mở đường cho ông Chung bán được nhiều cổ phần hơn với giá tốt hơn.
Dễ hiểu hơn là như thế này: Giá trị 23% cổ phần của ông Chung tại Glovis đã tăng 20% lên 1,6 nghìn tỷ won trong 3 tuần kể từ khi thông tin về thương vụ sáp nhập được công bố mặc dù sau đó nó bị đã giảm đi đáng kể khi Elliott chính thức lên tiếng phản đối thương vụ.
Elliott kịch liệt phản đối thương vụ này. Họ cho rằng Mobis sẽ bán mảng kinh doanh quan trọng của họ với giá bèo. Phía Elliott cũng đặt câu hỏi về kế hoạch sáp nhập công ty hình thành sau thương vụ thâu tóm với chi nhánh logistic. Phía Hyundai thì khẳng định việc kết hợp sẽ tạo ra một tổng thể hợp nhất và rằng việc đó là công bằng dựa trên luật pháp Hàn Quốc.
Mặc cho lý giải đó, Elliott nói trong tuyên bố vào thứ 5 rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại kế hoạch tái thiết của Hyundai bởi công ty không đưa ra được lý do hợp lý, thiếu công bằng với cổ đông và không làm đơn giản hoá được cấu trúc sở hữu tập đoàn. Kế hoạch cũng không giải quyết được vấn đề giảm sút giá trị của Hyundai cũng như tối ưu hoá được bảng cân đối kế toán.
Hiện Elliott đang khuyến khích các cổ đông khác phản đối kế hoạch này.
"Elliott tin rằng đây là sự phát triển tích cực tuy nhiên cần nhiều biện pháp tốt hơn nữa để xử lý vấn đề vốn không được xử lý trong thời gian dài khiến giá trị của tập đoàn bị giảm nghiêm trọng và tình hình kinh doanh không khả quan của Hyundai Mobis, Hyundai Motor và Kia".
Quỹ Elliott không còn xa lạ gì với Hàn Quốc. Năm 2015, họ đã phản đối gay gắt thương vụ sáp nhập giữa 2 chi nhánh của tập đoàn Samsung - đế chế kinh doanh lớn nhất nước này. Kết quả là, người thừa kế tập đoàn Samsung đã phải ngồi tù do các nhà chức trách điều tra được sai phạm trong quá trình sáp nhập kể trên.
Bản thân ông chủ Elliott Paul Singer luôn được xem là nhà đầu tư đáng sợ nhất trên thế giới – đặc biệt là với những quỹ đầu tư đối thủ, các công ty và thậm chí nhiều quốc gia.
Nói như vậy là bởi quỹ đầu tư Elliott Management - đơn vị đang quản lý khối tài sản khoảng 34 tỷ USD từ trước tới nay vốn nổi tiếng là "quỹ kền kền" chuyên đi ăn xác sống của những doanh nghiệp thậm chí quốc gia lâm vào tình cảnh vỡ nợ.
Nhà sáng lập tập đoàn Hyundai Chung ju-yung
Tại Hyundai, yêu cầu của Elliott là phải khiến hội đồng quản trị độc lập và đa dạng hơn. Chung nói rằng ông đang lên kế hoạch củng cố hội đồng quản trị tại các chi nhánh, trao quyền cho họ thay vì phương pháp cũ là các quyết định chiến lược đều phải được thông qua bởi chủ tịch tập đoàn mẹ. Chung nói ông "rất cởi mở" với ý tưởng đưa người nước ngoài và phụ nữ vào hội đồng quản trị".
Người thừa kế tập đoàn Hyundai - tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học San Francisco và Đại học Hàn Quốc gây ấn tượng mạnh kể từ khi được bổ nhiệm là Chủ tịch Kia Motors vào năm 2009. Ông đã có công mang rất nhiều nhân tài người nước ngoài về công ty như nhà thiết kế của Audi là Peter Schreyer, thiết kế trưởng tại Bentley Luc Donckerwolke và cựu Giám đốc thương hiệu BMW Albert Biermann. Chung cũng chính là người phụ trách cho ra đời dòng xe cao cấp của Hyundai là Genesis.
Suốt những năm qua, vị thái tử này làm việc dưới bóng của cha mình - người lãnh đạo công ty suốt từ khi ông được tiếp quản đế chế từ nhà sáng lập Hyundai Chung Ju-yung. Hiện tại, ông Chung sẽ phải đối mặt với thử thách lấy lại đà tăng trưởng cho tập đoàn khi mà mảng kinh doanh sản xuất xe hơi chính của họ đạt lợi nhuận thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ do doanh số giảm tại thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, có lẽ nhiệm vụ kể trên sẽ bị hoãn lại nhường cho vấn đề tại Mobis. Bản thân ông Chung cũng thừa nhận việc này: "Đây là lúc để tập trung vào việc chăm cho con ngỗng đẻ trứng vàng".
Trí thức trẻ