Hành trình vạn lý độc hành xuyên nước Mỹ của CEO 'siêu lì' từng bỏ ngang đại học để khởi nghiệp
Tự nhận mình là một người khá "lì", Trương Tiến Đạt – chàng trai 8x đời cuối hiện đang là CEO của công ty TNHH UNITED COMPUTER SERVICES & SOLUTIONS đã thực hiện một hành trình hiếm có đối với bất kì người Việt nào: một mình chạy xe mô tô "xuyên" nước Mỹ với chặng đường dài 10.000 miles (xấp xỉ 16.000km) qua 23 tiểu bang trong 50 ngày.
- 05-10-2021Khi vợ chồng bắt tay kinh doanh: 3 quy tắc vàng để khởi nghiệp thành công mà không dẫn đến ly dị
- 04-10-2021Xuất phát từ một nhân viên không nổi trội, “nữ tướng kinh doanh” hé lộ bí quyết khởi nghiệp thành công: Muốn nên đại sự thì phải kiên trì làm việc này đã!
- 22-09-2021Từng bỏ việc ngân hàng lương cao, chàng trai Hà Nội khởi nghiệp nhiều nghề vẫn thất bại và rút ra bài học thấm thía
Tình cờ bị kẹt lại ở Mỹ trong một chuyến đi công tác, gặp gỡ đối tác do dịch bệnh Covid-19, Trương Tiến Đạt đã nảy ra một ý định táo bạo: một mình đi từ bờ Tây sang bờ Đông của nước Mỹ bằng mô tô, biến ước mơ ấp ủ bao ngày trở thành hiện thực.
Sau chuyến hành trình kì thú này, tên tuổi của Đạt trở nên vô cùng nổi bật trong giới biker Việt, lượng friend và follower cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh việc được biết tới người có niềm đam mê đặc biệt với xe mô tô và sở thích phiêu lưu, khám phá, Trương Tiến Đạt còn là một CEO trẻ, khởi nghiệp thành công từ chính sự nỗ lực và khả năng "lì đòn" của mình.
Trò chuyện với Trương Tiến Đạt mới thấy, tính cách "lì lợm" hoá ra lại là một tố chất nên có để một chàng trai có thể theo đuổi và đạt được những mục tiêu khó khăn trong cuộc sống.
Trở về từ chuyến độc hành xuyên Mỹ cách đây chưa lâu, chắc hẳn dư âm của hành trình này vẫn còn rất sâu đậm với anh?
Đối với tôi, đây là một chuyến đi "để đời" bởi rất nhiều lý do: đó là lần đầu tiên tôi đi du lịch một mình bằng xe mô tô trên một hành trình dài như vậy ở một đất nước không quá quen thuộc với mình; và có lẽ sẽ hiếm có dịp nào để tôi có thể thực hiện lại một hành trình nào khác tương tự. Hành trình xuyên Mỹ này đến với tôi theo cách bất ngờ nhất: tôi sang Mỹ với mục đích gặp gỡ đối tác, mở rộng công việc kinh doanh, nhưng lại bị kẹt lại do dịch bệnh. Sau 1 tháng ở lại Mỹ, tôi quyết định chạy xe mô tô đi thăm bạn bè ở các tiểu bang lân cận. Cứ thế, hành trình được nối dài thêm sau mỗi cuộc điện thoại thăm hỏi người thân, cuối cùng thì vẽ được một vòng cung khép kín trên bản đồ nước Mỹ trải dài từ bờ Tây sang bờ Đông, qua 23 tiểu bang với 10.000 miles (khoảng hơn 16.000km).
Du lịch bằng xe mô tô vốn được coi là một hành động khá mạo hiểm ở bất cứ quốc gia nào. Điều gì đã khiến anh tự tin để thực hiện điều này ở Mỹ - một quốc gia không phải quá quen thuộc với mình?
Trước khi chia sẻ về câu chuyện của mình, tôi muốn có một lời khuyến cáo cho những người thích chạy xe mô tô du lịch như tôi rằng bạn không nên mạo hiểm, đặc biệt là khi ở một đất nước xa lạ. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, tôi đã cân nhắc rất kĩ các yếu tố an toàn trước khi quyết định hiện thực hoá ước mơ mà mình ấp ủ từ lâu này. Đầu tiên, đó là tôi đã sang Mỹ khá nhiều lần trước đây: trong những chuyến công tác, du lịch… và đã có kinh nghiệm lái ô tô ở Mỹ. Tôi cho rằng mình có hiểu biết nhất định về văn hoá giao thông ở Mỹ và các luật lệ ở đây, đó là điều đã giúp tôi có tự tin khi thực hiện hành trình. Thêm vào đó, tôi có rất nhiều bạn bè, người thân ở Mỹ. Hành trình xuyên Mỹ này của tôi, nói một cách chính xác hơn, chính là chuyến thăm thân, với những người bạn đang sống rải rác ở nhiều tiểu bang. Do đó, tôi không quá lo lắng về việc mình sẽ đơn độc trong suốt chuyến đi, bởi mọi người bạn đều biết tôi đang trên đường ghé thăm họ.
Việc chạy xe mô tô đường trường cũng là một kỹ năng mà tôi đã rèn luyện nhiều từ khi ở Việt Nam. Tôi tham gia một hội nhóm của những người thích "chơi" xe mô tô phân khối lớn theo hình thức Adventures (du lịch) và đã đi hầu hết các cung đường ở trong nước; chỉ có điều trước đó tôi chưa bao giờ đi một mình. Khi quyết định sẽ bắt đầu độc hành ở Mỹ, tôi cũng chọn sử dụng loại xe giống hệt với chiếc xe mình đang sở hữu ở Việt Nam để đảm bảo sự quen thuộc và khả năng điều khiển xe tốt nhất. Chiếc xe đó cũng được xem là "đỉnh" nhất trong dòng xe Adventures về độ an toàn. Ngoài xe tốt, tôi còn trang bị rất nhiều phụ kiện bảo hộ cá nhân khác như: quần áo, mũ bảo hiểm, găng tay… Bên cạnh tích cách "lì" thì sự chuẩn bị tốt giúp tôi có thêm tự tin để lên đường.
Không chỉ là một biker với hành trình đáng ngưỡng mộ, Trương Tiến Đạt còn được biết tới với vai trò là một doanh nhân trẻ, có điểm gì chung giữa hành trình xuyên Mỹ và con đường khởi nghiệp của anh?
Đó là cả hai đều được thực hiện với sự "lì lợm" và tính cách ưa mạo hiểm như nhau, nhưng con đường khởi nghiệp của tôi thì trắc trở và chông chênh hơn nhiều. Nhớ năm đó, sau khi học xong cấp 3, tôi chọn thi vào khoa Công nghệ thông tin và lên Sài Gòn nhập học; nhưng sau 3 năm học, khác với tưởng tượng của mình, trong trường dạy rất nhiều về lập trình máy tính, trong khi tôi thì "máu" kinh doanh hơn là trở thành một "Coder". Vậy là tôi xin bảo lưu để ra ngoài khởi nghiệp, bắt đầu con đường riêng của mình. Trước đó, tôi đã có kinh nghiệm kinh doanh nho nhỏ, từ việc buôn bán qua mạng, nhưng khi quyết tâm khởi nghiệp thì tôi phải thành lập công ty để có tư cách pháp nhân, và thế là UCSS Inc ra đời, với lĩnh vực chính ban đầu là máy tính và linh phụ kiện, sau này là các sản phẩm công nghệ cao khác như bảng, bút vẽ Wacom...
Ngày đó, khi tôi thành lập công ty, để cho tôi có chút vốn làm ăn, bố mẹ tôi đã phải mang sổ đỏ căn nhà mà cả gia đình đang sinh sống ở Nha Trang đi thế chấp ngân hàng. Lúc đó tôi cũng lo lắng lắm, bởi nếu mình thất bại thì… cả nhà ra đường; và tự tôi đã "cắt" đường lui của mình bằng cách nghỉ học rồi, bây giờ chỉ có thể cố gắng hết sức để khởi nghiệp thôi! Thế là trong lúc bạn bè còn vô lo vô nghĩ thì tôi đã bươn trải kiếm tiền. Hồi đầu khởi nghiệp, công ty cũng chỉ có… một mình tôi kiêm nghiệm hết, vừa làm chủ, vừa làm nhân viên: vừa nhập hàng, bán hàng, giao hàng, vừa cài đặt, thu tiền… Sau này, khi công ty phát triển hơn, việc làm ăn thuận lợi hơn, tôi mới có điều kiện để thuê thêm nhân viên. Đến giờ, sau 10 năm kinh doanh, tôi cũng có một thành tựu nho nhỏ và có thể đi tới nhiều nước, như Mỹ chẳng hạn, và tự chi trả cho chuyến du lịch "để đời" mà mình hằng mơ ước.
Cuộc hành trình này đã để lại cho anh ấn tượng đáng nhớ nào về nước Mỹ?
Cuộc hành trình này chứa đựng rất nhiều những "lần đầu tiên" của tôi. Bên cạnh những ngỡ ngàng, ngạc nhiên là rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về nước Mỹ và người dân Mỹ. Đầu tiên là về cảnh sắc thiên nhiên ở đây: cực kì đẹp, thiên nhiên được bảo tồn vô cùng tốt không chỉ trong các công viên, khu bảo tồn mà ngay cả trong các thành phố đông dân cư. Con người nơi đây luôn có ý thức sống hài hoà với tự nhiên, như ở bang Florida, bạn có thể gặp các loài động vật hoang dã tự do đi lại trên đường, thậm chí là cả cá sấu… Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hoá, bên cạnh những "tượng đài" của sự hiện đại và phát triển vượt bậc như thung lũng Silicon, trụ sở Apple, Facebook hay NASA thì quốc gia này cũng rất coi trọng, giữ gìn những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, ví dụ như "thị trấn cowboy" cổ xưa ở Virginia, thánh địa Biker ở Sturgis hay bắt gặp "một thoáng Paris" hào hoa ở New Orleans… Tuy nhiên, đặc biệt đáng nhớ hơn cả với tôi là lòng tốt và sự sẵn lòng giúp đỡ của người dân nước Mỹ. Trên đường đi, tôi đã gặp một vài trục trặc nhỏ như bị ngã xe vì gặp mưa tuyết, hết xăng giữa đường… nhưng đều may mắn được người dân trợ giúp. Người Mỹ rất hào sảng, cởi mở, họ luôn sẵn sàng trò chuyện với bạn, hỏi han bạn và hỗ trợ bạn khi cần thiết. Tình cảm ấy khiến cho tôi cảm thấy ấm áp ngay cả khi đang cách quê hương tới nửa vòng trái đất.
Được biết, hành trình độc hành xuyên nước Mỹ của anh kéo dài trong 50 ngày. Vậy anh có bí quyết gì để cân bằng giữa nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống và việc điều hành công ty?
Thật may rằng công nghệ bây giờ đã hiện đại tới mức có thể kết nối toàn thế giới, bởi vậy, dù ở rất xa nhà nhưng tôi vẫn có thể điều hành được công ty của mình qua các cuộc họp trực tuyến với nhân viên. Do sự chênh lệch múi giờ giữa hai quốc gia nên buổi sáng ở Mỹ là buổi tối ở Việt Nam; bởi vậy, thời gian tôi chạy xe trên đường thì các bạn nhân viên đang tận hưởng buổi tối của họ, còn khi tôi tới điểm dừng chân để nghỉ qua đêm thì bắt đầu vào giờ làm việc, tôi có thể họp khoảng 20-30 phút để nghe các báo cáo và giải quyết công việc ở công ty. Nhiều hôm đang chạy xe buổi tối, chưa đến điểm nghỉ ngơi nhưng đã tới giờ họp, tôi lại ghé vào một trạm xăng hay một quán Mc Donald nào đó trên đường để "xài ké" wifi, tranh thủ trao đổi công việc rồi lại lên đường. Các "đầu việc" trong công ty đều đã được chia cho những người quản lý, đứng đầu các bộ phận đảm nhận, bộ máy có thể tự vận hành và tôi chỉ đưa ra những ý kiến định hướng, giải quyết các sự vụ phát sinh… Nhờ vậy, tôi có thể vắng mặt nhiều ngày mà công việc ở trong nước vẫn hoạt động trôi chảy.
Theo như anh chia sẻ thì có vẻ chuyến du lịch này cũng không thực sự được "nhẹ đầu"?
Thật ra khi đã làm chủ, tự đứng ra kinh doanh thì không lúc nào có thể được "nhẹ đầu". Bạn có thể trông rất nhàn nhã, có thể đang ngồi trước một bãi biển, nhâm nhi một ly cocktail hay đang chạy xe thăm thú khắp nơi như tôi chẳng hạn, nhưng trong đầu bạn thì lúc nào cũng "dậy sóng", lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ làm thế nào để phát triển công ty. Người làm chủ dường như không lúc nào thật sự có thể tận hưởng một sự nghỉ ngơi nào đó mà không tính toán tới chuyện làm ăn. Doanh nghiệp không chỉ là "đứa con tinh thần" mà còn là tài sản, tâm huyết của mình và rất nhiều người, nên lúc nào mình cũng phải có trách nhiệm nặng nề với nó, tuy nhiên, trách nhiệm ấy là mình hoàn toàn tự nguyện nên sẽ thấy đó như là một việc hiển nhiên.
Là một người trẻ, một CEO khởi nghiệp thành công, có cuộc sống đầy nhiệt huyết và đam mê, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ khác trên con đường startup?
Nếu muốn đạt được thành tựu, hãy không ngừng học tập. Bạn đừng nghe ai đó nói rằng không học vẫn có thể thành công, đừng nhìn những người bỏ học mà vẫn thành tỉ phú rồi xem đó như tấm gương. Bản thân tôi cũng "nghỉ học" giữa chừng, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là tôi từ bỏ cái không hợp với mình để theo đuổi một mục đích khác và phải tích cực học hỏi những điều thực tế hơn để đạt được mục tiêu của mình. Tôi không thể vận hành một công ty khi không hiểu biết gì về luật kinh doanh, về thuế hay về quản trị doanh nghiệp… nên tôi đã tự học những điều ấy qua những người giỏi giang đi trước. Khi đi gặp gỡ đối tác, không ai hỏi tôi về bằng cấp, nhưng nếu tôi thiếu hiểu biết hay thiếu kiến thức, họ sẽ nhận ra ngay. Kinh doanh là môi trường mà bạn không thể "giấu dốt", nên hãy học tập và tích luỹ thật nghiêm túc.
Sau đó là hãy kiên trì và dám dấn thân, như tôi hay gọi là "lì lợm". Thật ra sự "lì lợm" này đã giúp tôi có được sự nghiệp từ hai bàn tay trắng; giúp tôi vượt qua những lúc tưởng chừng như đã "cùng đường tuyệt lộ" và cuối cùng là giúp tôi có những trải nghiệm hiếm có, không thể nào quên như chuyến hành trình một mình chạy mô tô xuyên nước Mỹ "để đời" vừa qua. Trong khi mọi người e dè, nói rằng có thể mình không làm được, có thể sẽ có nhiều nguy hiểm… thì việc của mình là hãy chuẩn bị thật tốt và thật nỗ lực để chứng minh rằng: tôi có thể!
Doanh nghiệp và tiếp thị