MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình xuyên Việt 'mang sách đi chơi' đầy nhân văn của người phụ nữ 7x

27-05-2023 - 15:16 PM | Lifestyle

'Tôi thấy vui khi cuối cùng đã thực hiện được điều mà bản thân mong muốn. Mọi thứ đến tự nhiên, không quá khó, quá đáng sợ như những gì tưởng tượng trước đó. Tôi đã vượt qua được tất cả và quan trọng nhất là vượt qua được giới hạn của chính mình', chị Lan mỉm cười, nhẹ nhàng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Bích Lan (SN 1975), quê Vĩnh Phúc, hiện đang sinh sống tại Hội An (Quảng Nam), là Đại sứ đọc - mới kết thúc hành trình xuyên Việt "Mang sách đi chơi" kéo dài gần 2 tháng, mang đến nhiều giá trị tốt đẹp ở những nơi mà chị đã đi qua.

Thuở nhỏ, chị Lan có một ước mơ lớn là xây dựng một ngôi trường, trong đó có thật nhiều sách cho các em không đủ điều kiện tài chính vẫn có thể tới trường. Hiện tại chị cũng vẫn mong ước cho tất cả mọi người, dù có điều kiện đi học hay không đều có thể tiếp cận tri thức bằng nhiều cách khác nhau, thông qua việc đọc và tự học. Một thời gian dài chị Lan bị bệnh cùng với khả năng tài chính không đủ để chị có thể làm điều đó. Chính vì thế, chị nghĩ ra dự án "Mang sách đi chơi" để hiện thực hóa phần nào đó ước mơ của mình.

Nữ 7x và hành trình xuyên Việt "mang sách đi chơi" đầy nhân văn: Có những ngày sắp cạn tiền nhưng lòng vẫn hân hoan - Ảnh 1.

Người phụ nữ yêu sách với những ấp ủ giàu tính nhân văn

Vì yêu sách nên công việc của chị cũng gắn bó với sách hàng ngày. Từng có nhiều năm làm việc trong môi trường xuất bản, giáo dục trong nước và quốc tế cho đến khi chuyển sang vai trò là chuyên gia khai vấn cha mẹ - trẻ em, chị vẫn duy trì công việc dạy tiếng Việt cho học sinh nước ngoài và tổ chức những buổi đọc 0 đồng tại thư viện cộng đồng do chị thành lập. Một hình ảnh cô Bích Lan luôn đeo ba lô sách bên người, đi đến đâu có thể ngả sách ra chơi – đọc cùng các em đến đó đã trở nên quen thuộc với khá nhiều người, đặc biệt là trẻ em.  

Chị có thể cùng các em chơi - đọc ở bất kỳ đâu: Bên bờ sông, ở cánh đồng, trên bãi biển, trong vườn rau, ở quán café, lúc nằm võng hay cả lúc đi thuyền… Thời gian làm việc với sách (hơn 10 năm), cộng với hơn 8 năm trong môi trường giáo dục và gần nhất là công việc set up – vận hành thư viện trường học quốc tế… tuy không quá lâu nhưng cũng đủ dài để chị hiểu được những loay hoay, trăn trở của phụ huynh và nhà trường, giáo viên, nhân viên thư viện trường học trong việc thiết lập, vận hành thư viện, tổ chức các tiết đọc… hiệu quả, đồng thời xây dựng hành trình đọc vững chắc cho các em. 

Qua quá trình học tập và làm việc với các chuyên gia thư viện trường học quốc tế, cộng với trải nghiệm thực tế trong việc set up – vận hành một thư viện trường học theo chuẩn quốc tế, chị rất hiểu những khó khăn kể trên có nguyên nhân từ đâu nên muốn hỗ trợ. Đó cũng là niềm trăn trở mỗi ngày của chị.

Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Lan cho biết: "Thật ra trước đây tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật nhưng lại rẽ ngang sang làm giáo dục và làm việc ở các tổ chức NGO (liên quan đến trẻ em)…bởi tình yêu với sách và trẻ em luôn thôi thúc. Tôi mong muốn tất cả trẻ em lớn lên không ai phải đi "chữa lành" hay đem theo những tổn thương tâm lý của tuổi thơ.

Nên dù làm công việc gì, với vai trò nào, tôi cũng luôn hướng tới giá trị này. Việc "mang sách đi chơi" và tặng sách trên dọc hành trình tôi vừa trải qua  tuy không được nhiều như tôi mong muốn, nhưng tôi hy vọng đâu đó có thể truyền cảm hứng cho các em về tình yêu đọc và khả năng tự học trên một nền đọc vững chắc, đồng thời đem đến những chia sẻ thực tế hỗ trợ nhà trường và phụ huynh".

Nữ 7x và hành trình xuyên Việt "mang sách đi chơi" đầy nhân văn: Có những ngày sắp cạn tiền nhưng lòng vẫn hân hoan - Ảnh 3.

Đi trong một tâm thế bình tĩnh, tự tin sẽ vượt mọi gian khó…

Ấp ủ dự định "Mang sách đi chơi" đã lâu nhưng phải gần đây, chị Lan mới đủ điều kiện thực hiện. Trước đó, chị đã biên soạn, thiết kế, xuất bản bộ "Thẻ câu đố thông minh" nhằm làm quà tặng cho chuyến đi, đồng thời có thể bán để gây quỹ. 

Chuyến đi được chia thành 2 chặng lớn. Chặng 1 chị xuất phát từ Hội An đi về các tỉnh phía Bắc: Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang. Đến đây, gặp trời mưa, gió to, đồng thời phải trở lại để kịp lịch hẹn với một điểm trường nên sau đó chị rẽ sang hướng Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái – Sa Vỹ. 

Sau đó, chị trở về Hội An nghỉ ngơi ít ngày, rồi tiếp tục hành trình về phía Nam. Bắt đầu từ Hội An qua Tam Thanh, Tam Hải, đến Quảng Ngãi, chị qua Bình Định, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ. Ở Cần Thơ, nghe dự báo thời tiết sắp có mưa lớn nên chị chọn giải pháp cho cả xe và người lên xe khách, đi thẳng tới Cà Mau.

Nữ 7x và hành trình xuyên Việt "mang sách đi chơi" đầy nhân văn: Có những ngày sắp cạn tiền nhưng lòng vẫn hân hoan - Ảnh 4.

Về dự án của mình, chị Lan chia sẻ với rất ít người, thậm chí gia đình và người thân còn không biết việc chị làm, cho đến khi chị kết thúc chặng đầu. Bởi, chị không muốn có sự lo lắng hay ngăn cản nào ảnh hưởng đến quyết tâm thực hiện điều này. Một số lần gặp khó khăn về tài chính nhưng chị cũng không muốn chia sẻ hay kêu gọi sự giúp đỡ, tránh bị hiểu lầm. Nhưng rất may mắn là mỗi lần ngân quỹ sắp cạn, chị lại nhận được sự tiếp sức từ một số bạn bè, người quen, phụ huynh học sinh (biết chị đang đi) hoặc có hợp đồng làm việc online hay trực tiếp giúp chị tạo được nguồn thu, tiếp tục hành trình. 

Có những lần chị ngỏ ý với chủ khách sạn cho chị làm việc gì đó, như dạy con họ học hoặc giúp họ trong việc đồng hành cùng con… để được giảm tiền thuê phòng. Dọc đường đi, chị cũng gặp rất nhiều người giúp đỡ, giúp chị hoàn thành chuyến đi vô cùng suôn sẻ và tốt đẹp.

Tổng chi phí cho chuyến đi gồm xăng xe, ăn, ở, quà tặng các trường và các em nhỏ dọc đường hết khoảng gần 100 triệu đồng, chị Lan cho hay. Vì số lượng sách và hộp "Thẻ câu đố thông minh" mang theo không được nhiều nên sắp đến địa phương nào, chị sẽ gọi điện nhờ người gửi tới trước, để khi chị đến nơi, có tặng các em tại đó và mang đi tiếp.

Về những nỗi sợ, đương nhiên là có, nhưng không nhiều, chị chia sẻ. Như lần đến Quảng Bình vào buổi tối, điện thoại mất kết nối 4G, trước mắt là một khoảng không đen như mực khiến chị có chút hồi hộp và không xác định được phương hướng. Kèm với đó là mưa, gió và lạnh nữa… Nhưng chị đã tìm đến chỗ sáng, đủ an toàn đủ để định hướng, tìm chỗ ngủ nghỉ an toàn.

Sau khi biết được hành trình của chị, một số bạn bè, người thân cũng bày sự tỏ lo lắng khi thấy cung đường chị Lan đi quá dài, lại có một mình, là nữ. Nhưng chị Lan lại không lo, chị đi đường với một tâm thế bình tĩnh, chủ động, nhẹ nhàng, thoải mái.

Ví như khi đi qua những cây cầu dây văng, dài nhất là ở Cần Thơ, rùng rình, rung rinh khiến chị thấy như cả người lẫn xe có thể bay ra ngoài bất cứ lúc nào. Lúc ấy, chị chỉ cần tập trung cầm lái là ổn, chị cho hay.

Nữ 7x và hành trình xuyên Việt "mang sách đi chơi" đầy nhân văn: Có những ngày sắp cạn tiền nhưng lòng vẫn hân hoan - Ảnh 5.

Đến đất Năm Căn, Đất Mũi, chị Lan lái xe vào những con đường nhỏ, lọt thỏm trong rừng đước khiến chị hơi hồi hộp một chút vì không biết phía trước là gì. Càng đi càng thấy cây, rất ít thấy nhà, hiếm lắm mới có một chiếc xe chạy qua. Có lúc chị cũng nghĩ đến việc bị cướp thì sao? nhưng chắc cướp cũng… ngán chị. Bởi chị Lan chẳng có gì ngoài sách với 2 bộ đồ đi đường, 3 bộ đồ ngủ, mấy thứ đồ dùng cá nhân.

Chia sẻ về những khó khăn, chị Lan trải lòng: "Không nhiều nỗi sợ, nhưng là sự mệt mỏi. Hồi trẻ, chị có thể đi cùng bạn bè 200km/ngày, chạy hết cung đường Tây Bắc, tối vấn đủ sức hàn huyên. Nhưng giờ chạy hơn 100km đã mệt rồi. Trời nắng thì có khi 70-80km đã thấy hoa mắt, phải nghỉ để hồi sức. Còn về ăn uống thì chị cũng ăn đơn giản, thanh đạm, chứ không ăn đặc sản địa phương. Không phải chị cố gắng ăn như vậy đâu mà vốn dĩ không có thú vui với ăn việc ăn uống".

Hành trình "Mang sách đi chơi" chứa nhiều giá trị tốt đẹp

Vì cuộc hành trình chỉ có một mình nên chị Lan không thể quay video, chụp ảnh nhiều. Chỉ khi nào chợt nhớ ra, chị mới nhờ mọi người xung quanh chụp lại. Chị không chuẩn bị phương tiện để làm truyền thông và chị cũng không chú trọng nhiều vào việc này.

Niềm vui lớn nhất và cũng là giá trị mà chị Lan hướng đến là nhiều em nhỏ được trải nghiệm với việc chơi – đọc, tiếp cận thông tin theo cách mới, như các em học sinh trong trường quốc tế. Để từ đó, các em có thêm một góc nhìn đa chiều về việc tiếp cận tri thức, hào hứng, thích thú với việc đọc, học và tự học. Với chị, thế là đủ, là hạnh phúc vì làm điều mình muốn được làm, không phải để được tán dương, ngợi ca hay để ai đó trả mình thứ gì.

Nữ 7x chia sẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là khi định đi ra hướng Tam Kỳ tới Quảng Ngãi, nhưng nghe lời chỉ dẫn của người địa phương, chị không bật Google map mà "cứ chạy thẳng hết đường này sẽ ra" nên lúc khi đến mép nước và qua phà, chị mới biết mình "đi lạc" ra đảo Tam Hải. Ở đây, chị gặp rất nhiều bạn nhỏ, giúp chị có cơ hội "trải áo mưa, mở tiệc sách" ngay trên bãi biển, đồng thời tặng hộp Thẻ câu đố thông minh cho các em.

Không chỉ khiến trẻ em hào hứng, thích thú với các cách tiếp cận kiến thức, hướng dẫn chơi – đọc, chị Lan cũng nhận được nhiều sự ghi nhận, cảm ơn từ các phụ huynh, nhà trường…  ở những nơi chị có dịp ghé qua và được tạo điều kiện để chia sẻ, hỗ trợ và thị phạm ngay trong lớp học với học sinh hoặc với hội đồng giáo viên.

"Hành trình xuyên Việt 'Mang sách đi chơi' kết thúc, nhưng sẽ còn nhiều hành trình khác tiếp nối. Tôi thấy vô cùng hạnh phúc khi cuối cùng đã thực hiện được điều mà bản thân mong muốn một cách rất tự nhiên, không quá khó, quá đáng sợ như hình dung trước đó. Tôi đã vượt qua được tất cả và quan trọng nhất là vượt qua được giới hạn của chính mình", chị Lan mỉm cười, nhẹ nhàng nói.  

Theo Ứng Hà Chi

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên