MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn?

21-05-2020 - 19:11 PM | Sống

Khi có tiền, chúng ta có nhiều quyền lựa chọn hơn. Có những việc bạn không làm được, nhưng tiền lại có thể. Người có tiền luôn ung dung, tự tin, mạnh mẽ hơn, đơn giản vì họ biết mình kiểm soát được cuộc đời mình. Vân vân.

Trải qua “những ngày lịch sử” này, chúng ta thấm ra được nhiều chân lý của việc có tiền. Chúng ta quyết tâm rằng từ nay sẽ tiết kiệm. Nhưng chờ chút, việc tiết kiệm đâu có mới. Vốn dĩ ở nhà cha mẹ vẫn luôn hô hào “bớt tiêu xài, tích luỹ đi” suốt đấy thôi, nhưng chúng ta mấy ai làm được? Bây giờ chắc gì sẽ thành công?

Để tích cóp được tiền, việc thay đổi quan điểm về tiền chỉ là bước một. Lòng nhiệt tình ban đầu sẽ mau chóng nguội đi khi bạn đối mặt với cám dỗ: Các shop và nhãn hàng sẽ bày ra 1001 chiêu trò để dụ bạn tiêu xài! Chính vì vậy, bạn cần phải nhận ra những hành vi và tâm lý nào đang làm khổ đời mình để tháo gỡ nó ra. Có thay đổi được hệ thống hành vi và cảm xúc mình dành cho tiền, thì bạn mới mong hình thành được thói quen tích trữ như phú ông, phú bà.

1- Khởi đầu quá đà

Tuổi trẻ cần chi tiền để học hỏi những điều mới lạ, để khám phá những vùng đất mới, để đầu tư cho con người mình. Hơn nữa, thế hệ Y, thế hệ Z được xem là Thế hệ Khám phá, chúng ta ưa chuộng trải nghiệm hơn vật chất, và cần trải nghiệm để cảm nhận rằng mình đang sống trọn vẹn. Bởi vậy, chuyện thắt lưng buộc bụng tối đa chỉ hiệu nghiệm trong thời gian ngắn, còn sau đó nó sẽ khiến bản thân chúng ta như chết dần chết mòn. Nỗi bức bối khó chịu này sẽ làm sụp đổ kế hoạch tiết kiệm bạn đề ra.

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn? - Ảnh 1.

Do vậy, thay vì lập một kế hoạch giảm chi xài tối đa và khiến bản thân mau nản chí, thì bạn nên phân chia hợp lý tỷ lệ “tiêu xài/tiết kiệm” tuỳ vào thu nhập hàng tháng và các nhu cầu cấp thiết của mình. Con số có thể là 5/5, 6/4 hay 8/2. Ừm, nhưng mà tệ lắm thì tỷ lệ này vẫn phải là 9/1, chứ tuyệt đối không thể là 10/0 nhé.

2- Mù mờ, không mục tiêu

Muốn thành công, trước hết phải có mục tiêu. Đặt cho mình những con số cụ thể và khả thi cho giai đoạn tuần, tháng, hàng. Hãy bắt đầu với việc dư ra 1 triệu/tháng hay 20 triệu/năm. Những khoản tiền nhỏ này tạo cho bạn động lực tiết kiệm nhiều hơn, rồi từ từ hẵng tiến lên các kế hoạch 3 năm, 5 năm, mua nhà, mua xe…

3 - Lười ghi chép lại các chi tiêu tủn mủn

Ai cũng biết nguyên tắc đầu tiên của việc quản lý tài chính cá nhân là ghi chép lại những khoản chi xài của mình (vào sổ hay dùng app cũng được). Công việc chi li này thử thách tính kiên nhẫn và trí nhớ ghê lắm, nhưng phải làm! Một tháng thôi cũng được. Bởi vì chỉ có ghi chép lại đầy đủ các khoản học hành, ăn uống, đi lại, mua sắm, cà phê trà sữa… thì cuối tháng bạn mới có cơ sở biết mình xài nhiều nhất cho cái gì, hạng mục nào có thể cắt giảm hoặc thay thế bằng những phương án ít hao hụt hơn.

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn? - Ảnh 2.

4 - Du di một lần, chỉ một lần này thôi, có sao đâu mà…

Khi mới tập tành tiết kiệm, cái bẫy mà chúng ta dễ rơi vào nhất chính là du di cho bản thân chút chút, ví dụ như “Ơ cái túi đó đẹp quá, vung tay một tháng, chỉ một tháng thôi nà!”. Tiêu lẹm lần một thì chắc chắn sẽ có lần hai, lần 3, lần n.

Giải quyết sao đây? Phải khiến cho chuyện tiêu lẹm vào tiền tiết kiệm khó như lên trời. Thay vì để tiền cộng dồn trong tài khoản thanh toán hay ống heo, hãy chuyển nó thành ngoại tệ, vàng, gửi có kỳ hạn vào ngân hàng. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các chương trình tiết kiệm tự động, theo đó mỗi tháng nhận lương là ngay lập tức một khoản sẽ được “dứt” ra để tích trữ, tránh cho bạn tưởng mình giàu mà tiêu hoang.

5 - “Cắt phăng” ly cà phê buổi sáng

Nhiều người khuyên rằng nên tự pha cà phê thay vì ra quán uống, hay ăn nhà toàn thời gian để tiết kiệm thêm kha khá nếu cộng gộp lại khoản tiền này hàng tháng, hàng năm. Lời khuyên này không sai, nhưng nó đang lờ đi chuyện những khoản nhỏ này thực ra là đầu tư về mặt cảm xúc. Một người vui vẻ luôn làm việc tốt hơn, từ đó kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu một ly cà phê sang chảnh khiến bạn hưng phấn, sáng tạo cho cả ngày làm việc, thì làm ơn giữ ly cà phê này lại. Việc kham khổ chi tiêu giống như đang nắm chặt bàn tay mình lại vậy, nắm quá lâu sẽ đau và mỏi, nên thi thoảng phải buông tay ra một chút cho máu huyết lưu thông thì mới có thể nắm tiếp được.

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn? - Ảnh 3.

6 - Tính “ham của lạ”

Điều này các cô gái dễ phạm phải với các món mỹ phẩm, dưỡng nhan của mình. Bạn có mấy khi xài cạn hết một thỏi son không? Hay là bạn có một rổ son mà cái nào cũng chỉ quẹt quẹt vài lần xong chán. Kem dưỡng da, kem mắt, mặt nạ, sữa tắm, dầu gội cũng vậy. Con gái hay mua mấy thứ này với tâm lý nuông chiều bản thân chút đỉnh cho vui vẻ, nhưng nuông chiều quá đà thì thành hoang phí và rác nhà đấy. Cái gì cũng nên tiết chế lại.

7 - Sợ mất cơ hội mua đồ đẹp, đồ sale

Thời đại này chỉ lo thiếu tiền thôi, chứ không lo thiếu đồ. Giày không mua hôm nay thì tuần sau sẽ có cái mới còn đẹp hơn. Điện thoại hàng năm đều ra mẫu mới, không lo hết. Tai nghe không dây mua trước sau gì mà chẳng được, nên hãy chờ các đợt deal bất bại của các sàn thương mại điện tử mà mua cho hời. Chưa kể là những món đồ bạn thích nó chỉ hấp dẫn khi chưa mua được thôi, chứ khi sở hữu rồi thì chán liền, lại đi tìm một món khác để thích.

Kẻ biết tiêu xài thông minh, khi nhìn thấy một món đồ lung linh mê đắm thì liền… quay mông bỏ đi. Lúc này cảm xúc đang dâng tràn trong tim, bạn dễ bốc đồng xài tiền ngu ngốc lắm. Việc cần làm là lấy giấy viết ra so đo những mặt lợi hại của việc mua món đồ đó và chờ đợi dòng xúc cảm xẹp xuống. Có một nguyên tắc gọi là “Nguyên tắc 3 ngày” – sau 72 giờ thì lý trí của bạn sẽ mạnh hơn cảm xúc, lúc này bạn sẽ quyết định được là mình không thể sống mà thiếu món đồ kia thật, hay mua về chỉ rác nhà.

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn? - Ảnh 4.

8 - Biết thừa món đó không cần thiết, nhưng THÍCH!!

Vậy hỏi ngược lại bản thân mình xem nào: Tiền tươi thóc thật có cần thiết hơn món đồ ấy không?

Việc đu theo chúng bạn hay các influencer xài cùng loại túi, loại giày, loại son, hay check-in cùng một địa điểm… sẽ giúp cho bạn vui vẻ. Mua sắm và tận hưởng là lựa chọn riêng của mỗi người, nhưng để mang nợ vì nó thì không đáng. Liệu cơm gắp mắm đi. Rất nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh không tiền sau mùa dịch cũng bởi vì đã không kiềm hãm được thói “nhà nghèo xài sang” trước đó. Ngoài chuyện thả tim thả like trên Facebook, Instagram, thì ai rỗi đâu mà care đến cuộc sống có vẻ sang xịn mịn của bạn.

9 - Sợ mất tiền khi xài thẻ tín dụng, vì nghe đồn nó lấy lãi “cắt cổ”

Nhiều người khuyên rằng muốn tiết kiệm thì không nên xài thẻ tín dụng (credit card). Sai rồi. Thực tế nếu bạn xài vô tội vạ, thì với công nghệ thanh toán hiện đại, bạn cũng có thể quẹt thẻ debit, thẻ ATM ở khắp nơi cho đến khi cạn tiền.

Muốn ngân hàng không truy đuổi đòi nợ thẻ tín dụng, nguyên tắc vàng là bạn chỉ nên mua món đồ ấy bằng thẻ khi trong túi có đủ tiền mặt để trả ngay. Lúc này, việc dùng thẻ mới có lợi. Khi sắm một món đồ có giá trị (như điện thoại, máy tính, máy ảnh) thì trên các sàn thương mại điện tử đều liên kết với ngân hàng để trả góp 0%, hời lắm. Mỗi tháng trả một ít, rõ ràng nhẹ áp lực trả nợ hơn rất nhiều. Cuối cùng, hàng tháng phải trả dứt nợ trước thời hạn bắt đầu tính lãi.

10 - Xài ví điện tử thấy hơi ảo ảo, không có cảm giác cầm tiền chắc tay

Nhà nước mình đang khuyến khích phát triển một xã hội không tiền mặt (cashless society), vì vậy hiện có rất nhiều chương trình khuyến mãi, cộng điểm dành cho việc thanh toán bằng thẻ, ví điện tử. Lợi to trước mắt, chờ gì không xài? Tiết kiệm cả tiền lẫn thời gian, lại hạn chế tiếp xúc với tiền mặt (có thể bạn chưa biết: tiền mặt chính là một trong những thứ dơ nhất thế giới!).

Hành vi và tâm lý nào đang phá toang kế hoạch tiết kiệm của bạn? - Ảnh 5.

Còn việc bạn cảm thấy tiền trong ví điện tử không chắc tay, đó chỉ là những con số thôi mà, hệ thống có bị gì thì tạch – đừng lo hão nữa, đau đầu lắm! Để một ví điện tử được cấp phép ra đời, nó phải trải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt, và hoạt động được giám sát chặt chẽ không thua gì ngân hàng đâu.

11 - Muốn đầu tư, nhưng sợ mất tiền

Bớt xài tiền không bằng kiếm thêm tiền. Nhưng đâu phải ai cũng có khả năng kinh doanh hay tài lẻ để làm 2-3 công việc cùng lúc. Vậy thì con đường dành cho bạn chính là đầu tư nhỏ lẻ qua các ngân hàng và quỹ đầu tư. Bây giờ các ngân hàng tân tiến lắm, họ có những sản phẩm tích lũy bậc thang, hay tích lũy tự động khiến tiền nằm không trong tài khoản vẫn sinh lời nho nhỏ cho bạn xài thêm. Hoặc bạn có thể mua các chứng chỉ quỹ mở. Chỉ cần Google vài phát, đọc vài forum là bạn biết quỹ nào đang uy tín, nên mua, ít rủi ro.

Nếu khả năng chịu đựng rủi ro của bạn cao hơn, và muốn tự mình đầu tư, thì có thể mở tài khoản cá nhân trên các sàn chứng khoán, ngoại hối (FX). Nhưng dạng này thì nên nghiên cứu hay đi học vài lớp cơ bản đấy, chứ tay mơ nhảy vào chơi sẽ chẳng khác đánh bạc đâu.

Theo LANA - DESIGN: MINH TRANG

Trí thức trẻ

Trở lên trên