MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hấp dẫn cuộc đua ngành bánh kẹo

10-07-2023 - 08:45 AM | Doanh nghiệp

Cuộc đua thị trường bánh kẹo đang trở nên hấp dẫn với sự quyết tâm của Công ty CP Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) sau 2 năm quay lại thị trường. Cùng với đó, là những thương hiệu lớn như Bibica (dưới quyền điều hành của Pan Group), Mondelez Kinh Đô, Hữu Nghị Food...

Hấp dẫn cuộc đua ngành bánh kẹo - Ảnh 1.

Sau gần 2 năm quay lại mảnh bánh kẹo, KIDO kỳ vọng lãi khủng kể từ năm 2017. Ảnh: KIDO

"Ông lớn" chạy đua

Tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, HoSE: PAN), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group cho biết, kế hoạch kinh doanh của từng công ty thành viên cũng như hợp nhất của PAN đã được xây dựng với kịch bản thận trọng.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng ở mức từ 8% - 9% so với năm 2022, tương đương 15.156 tỷ đồng và 991 tỷ đồng, tăng 11%.

So sánh riêng với lợi nhuận cốt lõi năm 2022, thì mức tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch năm 2023 đạt 27%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đặt mục tiêu đạt 840 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 402 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo PAN Group xác định mảng thực phẩm bánh kẹo là mảng cốt lõi có tăng trưởng tốt theo sự phục hồi dần của sức cầu nội địa. Doanh thu dự kiến tăng trưởng 15%. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động cốt lõi dự kiến có tăng trưởng mạnh hơn 2 lần so với năm 2022 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ giao dịch chuyển nhượng nhà máy).

Nên biết, PAN Group được coi là "ông lớn" của ngành nông nghiệp, thuỷ sản, bánh kẹo với nhiều thương hiệu lớn. Trong đó, ở mảng bánh kẹo, công ty này hoàn tất "thâu tóm" thương hiệu nổi tiếng Bibica vào giữa năm ngoái với mức sở hữu tăng đến 98,3%.

KIDO đặt mục tiêu doanh thu thuần 15,000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 76% so với thực hiện năm trước. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất kể từ năm 2017.

Năm 2023, KIDO cũng tiến hành chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp theo 4 nhóm ngành gồmdầu ăn, kem, bánh kẹo và nước nắm.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc KIDO, đây là bước đi nhằm tạo điều kiện để liên kết với các công ty đa quốc gia theo từng mảng. Sản phẩm của KIDO không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó, sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu giá nguyên vật liệu ổn định thì hiệu quả lợi nhuận sẽ tăng cao hơn.

HĐQT KIDO cũng trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh giảm tỷ lệ chia cổ tức đặc biệt năm 2022 xuống còn 10% bằng tiền mặt, thay vì 50% như đã thông qua trước đó.

Hấp dẫn cuộc đua ngành bánh kẹo - Ảnh 2.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm bánh kẹo tại siêu thị Big C. Ảnh: Đỗ Tâm

KIDO cho biết việc giảm tỷ lệ cổ tức dựa trên tình hình thực tế cũng như các kế hoạch đầu tư mới trong năm nay. Gần đây, KIDO đã hoàn tất mua lại 25% cổ phần thương hiệu bánh bao Thọ Phát và dự định nâng tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên 76%.

KIDO là Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. KIDO hiện đang dẫn đầu thị trường ở ngành kem lạnh với thị phần nắm giữ chiếm 44,5% (theo số liệu mới nhất từ Euromonitor), trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2%. Với thị phần 74,9%, KIDO đang dẫn đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam, đồng thời xếp vị trí thứ 2 ở ngành dầu ăn với khoảng 30% thị phần (theo tỷ lệ sở hữu và chi phối).

Năm 2021, Tập đoàn KIDO chính thức quay lại ngành hàng bánh kẹo, KIDO’s Bakery là thương hiệu được tập đoàn đầu tư và đẩy mạnh kinh doanh và hướng đến vị trí số 2 trong ngành hàng bánh tại Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Ngoài ra, thị trường bánh kẹo còn chứng kiến những tên tuổi khác như Mondelez Kinh Đô (Anh quốc), Orion (Hàn Quôc)... hay những thương hiệu nội địa như Hữu Nghị, Hải Hà...

Trong năm 2023, Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị, UPCoM: HNF) đặt mục tiêu doanh thu 2.168 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế khoảng 52 tỷ đồng, tương đương năm 2021 và kém xa năm 2022. Công ty cũng dự tính chia cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 50%.

Lý giải về mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn, ban lãnh đạo HNF cho biết, sức ép cạnh tranh trong ngành bánh kẹo ngày càng khốc liệt, nhất là ở phân khúc trung - cao cấp.

"Giá bao bì, chi phí logistics, chi phí khấu hao tài sản, lãi vay tăng cao... làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty", ban lãnh đạo công ty cho biết.

Để hoàn thành kế hoạch 2023, Hữu Nghị sẽ tập trung đầu tư tài chính cho các hoạt động marketing, trade nhằm nâng cao hình ảnh sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trong thị trường.

Hấp dẫn cuộc đua ngành bánh kẹo - Ảnh 3.

Bibica dưới sự điều hành của PAN Group cũng không giấu diếm tham vọng xuất khẩu. Ảnh: PAN Group

Vươn ra biển lớn

Kỳ thực, cuộc đua của những tên tuổi ngành bánh kẹo không chỉ diễn ra trên bình diện nội địa, với mức tăng trưởng bình quân chỉ 5 - 8% một năm. Để phát triển, giá thành không phải là vấn đề cốt yếu. Nhiều công ty lựa chọn chuyển hướng tìm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu...

Điển hình như KIDO, trước khi quay lại "tham chiến" mảng bánh kẹo, công ty này từng bán thương hiệu Kinh Đô cho Mondelez để tập trung làm dầu ăn, bất động sản bán lẻ.

KIDO gần đây gây xôn xao dư luận khi hoàn tất thương vụ M&A 25% cổ phần Bánh bao Thọ Phát, và dự định nâng tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên 76%, khai trương trung tâm thương mại này vào tháng 8 năm nay. Thương hiệu này không giấu diếm tham vọng xuất khẩu bánh kẹo.

Tương tự, là Bibica. Với mức tăng trưởng mong muốn từ 10 - 15% trong giai đoạn 2022 - 2025 và dưới sự điều hành của một trong những "ông trùm" ngành xuất khẩu thực phẩm là PAN Group, thương hiệu này cũng đang lên kế hoạch vươn ra biển lớn.

Những con số không nói dối về tham vọng và sự cạnh tranh đầy hấp dẫn của những thương hiệu bánh kẹo nội địa. Nếu ví von đây là "cuộc chiến ngọt ngào", thì vị ngọt ấy, đang dần trở lại với các doanh nghiệp sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại với sức ép giá thành vật liệu, chi phí sản xuất, logistics tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi xu hướng tiêu dùng và khẩu vị đang chuyển dịch dần, đã đến lúc, các doanh nghiệp cần làm mới mình để có thể thích nghi với những yêu cầu tiêu dùng hiện đại.

"Đây không phải là lúc Bibica phòng thủ", ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Bibica phát biểu tại hội nghị nhà đầu tư hồi năm ngoái. Tuyên bố của người đứng đầu Bibica và những diễn biến thị trường cũng như mục tiêu mà các hãng khác hướng tới, cho thấy, các ông lớn ngành bánh kẹo đang tính đến bài toán xa hơn, lâu dài và bền vững hơn.

Theo Liên Thượng

Tiền phong

Trở lên trên