MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội

11-08-2024 - 13:42 PM | Thị trường

Vắng khách, người mua ít, hàng hóa đem về chất đống, số lượng bán ra không đủ để trả tiền thuế, tiền thuê kí ốt buộc các tiểu thương phải đóng cửa trả mặt bằng.

Vắng khách, hàng hóa ế ẩm

Thực trạng này diễn ra trong vài năm gần đây, kể cả những chợ có tuổi đời cả trăm năm như một số chợ ở Hà Nội, thậm chí tại một trong những khu chợ lớn nhất ở miền Bắc. Từ lâu nay, chợ Đồng Xuân là một trong những ngôi chợ diễn ra hoạt động giao thương buôn bán sầm uất, chủ yếu phục vụ cho việc đổ mối, bán buôn.

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 1.

Quang cảnh chợ Đồng Xuân

Vì vậy, chợ Đồng Xuân trở thành địa điểm ngôi chợ đáng đến trong chuyến tham quan du lịch bởi khi du khách đến đây cảm nhận được những nét văn hóa đậm chất Hà Nội.

Thế nhưng, từ thời điểm dịch Covid-19 cho đến nay, tình hình buôn bán trở nên đìu hiu, khách vào chợ không còn đông đúc như trước. Chính vì thế, nhiều tiểu thương phải cắt giảm nhân viên, hạn chế nhập hàng số lượng lớn. Đáng nói hơn có một số gian hàng tiểu thương "buộc" phải đóng cửa trả mặt bằng.

Thực trạng này xảy ra ở rất nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hiện nay, lý do bởi việc kinh doanh buôn bán ở chợ dường như ngày càng ảm đạm. Nên việc các nhân viên đứng ra chào hàng như trước đây đã không còn, thay vào đó là người ngồi bấm điện thoại, nói chuyện, thậm chí, nằm lay lắt ở trên các gian hàng...

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 2.

Hàng hóa chất đống, buộc kín

"Hàng hóa bán ra ít lắm, nó sụt giảm từ lúc dịch Covid-19, cho đến nay lượng hàng bán ra giảm đến khoảng 80%. Trước đây, tôi thuê khoảng 3 - 4 người để hỗ trợ nhưng bây giờ không giám thuê ai bởi hàng bán ra không đủ trả lương cho nhân viên, vì thế người nhà tự đứng ra để bán hàng luôn.

Tôi đã buôn bán ở chợ hơn 20 năm, có quầy quán nên không phải trả tiền thuê kí ốt thì cố ngồi cầm cự, còn những người mới vào thuê, ngồi được vài tháng lại phải trả mặt bằng, bởi hàng bán ra không đủ để trả tiền mặt bằng." - cô Lê Thị Thơm tâm sự.

Theo như tiểu thương ở chợ, việc chợ truyền thống ngày càng vắng khách càng thể hiện rõ hơn, khi rất nhiều kí ốt đóng cửa nhưng lại không có người thuê. Như trước chỉ cần có người trả mặt bằng kí ốt là sẽ có người đến làm thủ tục lấy luôn. Bởi tình cảnh chợ khó khăn, chính vì thế, tiền thuế quầy tiểu thương hiện nay họ cũng chỉ thu có vài tháng đến 1 năm/ lần (không như trước đây là 5 năm/ lần).

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 3.

Nhiều chủ sạp ngồi tán gẫu cho qua thời gian

"Hàng hóa ở đây chủ yếu bán buôn, không bao giờ bán lẻ, nhưng bây giờ ế quá bắt buộc một số quầy cũng phải đưa ra bán lẻ để có chút tiền, lãi đồng nào hay đồng ấy." Cô Thơm cho hay.

Trong khi đó, kí-ốt chị Phan Hồng (chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phải đóng cửa sớm để về khi chưa đến 16h00.

"Kí-ốt hôm nào cũng đóng sớm, bởi không có khách mua, chợ giờ bán hàng khó khăn, khách ít, đâm ra tâm lý người bán không còn tâm huyết như trước, nhiều kí ốt cửa đóng then cài, họ không muốn mở." - chị Phan Hồng nói.

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 4.

Vì sao chợ truyền thống vắng khách?

Thực trạng vắng khách ở chợ truyền thống hiện nay cũng diễn ra tại chợ Mơ (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

"Tôi có thuê kí ốt bán ở đây cũng đã nhiều năm, chi phí khoảng 2,5 triệu/ tháng, đóng tiền theo quý, mấy năm trước bán còn được, đợt này không hiểu sao mà chợ ế thế.

Kể cả, đợt dịch vừa qua cũng nhúc nhắc bán được, khoảng 2 tháng nay khách vắng hẳn. Tầm này thấy oải lắm rồi, giờ bán hàng còn chả đủ trả tiền thuế, tiền đất, khách ra vào ít. Vì thế nhiều ốt đã đóng cửa, bỏ luôn bởi mở ra mà không đủ tiền trang trải...!" - cô Trần Thị Thanh Hương tâm sự.

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 5.

Lượng người mua giảm hẳn trong khoảng mấy tháng nay tại chợ Mơ

Việc chợ truyền thống vắng khách thời điểm vừa qua, một phần bởi do sau dịch kinh tế suy thoái nên ảnh hưởng đến việc mua bán hàng. Ngoài ra phương thức bán hàng hiện nay người dân cũng thay đổi, thay vì trước kia người dân đến cửa hàng xem hàng trực tiếp thì nay họ đã mua bán hàng Online, qua các trang thương mại điện tử như Shoppe, Facebook, Ticktok...

Theo đó, từ dịch Covid-19 thì cách thức mua bán hàng thay đổi nhiều, bởi thời điểm đó người dân không đi lại được, nên kinh doanh trên thương mại điện tử phát triển rầm rộ. Đến nay phương thức kinh doanh online cũng trở nên phổ biến, ăn sâu vào tiềm thức của người mua hàng.

Hắt hiu chợ truyền thống Hà Nội- Ảnh 6.

Tiểu thương cũng không còn tâm trạng

"Hiện nay khách hàng chỉ cần mở mạng là có thể lấy, kể cả mặt hàng từ Trung Quốc họ cũng chuyển về đến nơi chỉ vài ngày, chi phí vận chuyển rẻ. Trong khi người mua không phải ra ngoài, hàng hóa họ ship đến tận nơi. Khách hàng chỉ cần mở máy tính, điện thoại bật mạng vào facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử là có thể mua hàng mình ưng ý.

Mặt khác, người bán hàng chả cần quầy quán hay kí ốt gì, lại không mất tiền thuế, tiền thuê mặt bằng gì cả nhưng có ngày vẫn bán được cả trăm đơn hàng, thời gian thoải mái, nhàn." - cô Hương lý giải.

Theo Song Quân

VTV

Trở lên trên