MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu phong tỏa, nhiều học sinh Trung Quốc tự tử vì căng thẳng

11-06-2020 - 16:14 PM | Tài chính quốc tế

Một cuộc khảo sát với 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học tại Trung Quốc cho thấy, 10,5% học sinh đang đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo giáo viên và chuyên gia tư vấn tại các trường học, một số học sinh Trung Quốc trở lại trường học sau thời gian phong tỏa đang phải đối mặt với tình trạng xung đột gia đình, trong khi những học sinh khác cho rằng việc đi học bị gián đoạn do dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới kết quả học tập của các em.

Hậu phong tỏa, nhiều học sinh Trung Quốc tự tử vì căng thẳng - Ảnh 1.

Học sinh trong một lớp học ở Vũ Hán tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Những căng thẳng gia tăng sau thời gian phong tỏa đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm của chính phủ Trung Quốc khi các phương tiện truyền thông trong nước liên tục đưa tin về một loạt các vụ tự tử của người trẻ tuổi. Điều này làm cho các trường học và chính quyền địa phương phải đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện sức khỏe tâm thần của học sinh. Trong khi đó, vấn đề tự tử thường là điều cấm kỵ trong xã hội Trung Quốc.

“Đã có một số sự cố đau lòng xảy ra khi các trường học mở cửa trở lại. Điều này cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của việc thúc đẩy phát triển sức khỏe tâm thần ở những người trẻ tuổi”, ông Yan Wu, Phó Thị trưởng thành phố Chu Hải cho biết trong cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc hồi tháng 5.

Tại cuộc họp Quốc hội, ít nhất 4 đại biểu đưa ra đề xuất cần chú ý nhiều hơn tới nhu cầu tâm lý của học sinh.

Tại một quận ở thành phố Thượng Hải, có 14 vụ tự tử của học sinh tiểu học và trung học trong năm nay, nhiều hơn con số trung bình hàng năm trong 3 năm qua, Li Guohua – Phó Thị trưởng khu vực Phố Đông, Thượng Hải nói với tạp chí tài chính Caixin.

“Số vụ tự tử đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”, Li Guohua nói thêm.

Theo báo cáo của tờ Health Times ngày 7/6, Trung Quốc có 18 học sinh đã nhảy lầu tự tử từ các tòa nhà trong 3 tháng qua. Đồng thời, bài viết cũng dẫn lời các chuyên gia kêu gọi nên tập trung hơn vào sức khỏe tâm thần của học sinh. Tuy nhiên, bài báo đã sớm bị xóa, một phản ứng phổ biến ở Trung Quốc khi các chủ đề nhạy cảm được nêu ra.

Khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19, học sinh bắt đầu trở lại trường học vào tháng 3 sau khoảng thời gian học trực tuyến tại nhà.

Một cuộc khảo sát trực tuyến với 1,22 triệu học sinh tiểu học và trung học do Ủy ban y tế tỉnh Quảng Đông và một trường đại học thực hiện kết luận rằng, 10,5% học sinh đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Vào cuối tháng 4, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khuyến cáo các trường học chú ý đến sức khỏe tâm thần của học sinh và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Sau lời kêu gọi của Bộ Giáo dục, khoảng một tá chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó tỉnh An Huy đã quyết định bỏ một số kỳ thi.

Thành phố tâm dịch Vũ Hán, Thượng Hải và tỉnh Hải Nam đã tổ chức các lớp học về kỹ năng sống nhằm giúp học sinh vượt qua những căng thẳng và đau buồn.

Trong những lớp học này, học sinh được chia thành 2 nhóm và thi nhau ghép các từ tiếng Anh, nhưng một nhóm sẽ có tổ hợp từ vựng khó hơn. Từ đó, giáo viên sẽ đưa ra một cuộc thảo luận về các tình huống căng thẳng.

“Mục đích của việc này là làm cho học sinh nhận ra rằng, cảm giác căng thẳng là điều tự nhiên trong cuộc sống và cách các em giải quyết căng thẳng đó có thể dẫn đến nhiều kết quả khác nhau”, một giáo viên ở Thượng Hải cho biết.

Chuyên gia tư vấn tại một trường trung học ở Thượng Hải cho rằng, việc trường học mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa là rất khác so với việc học sinh đi học lại sau kỳ nghỉ đông.

“Khối lượng công việc của tôi đã tăng lên khi phải tư vấn cho học sinh về kế hoạch học tập và cách giải quyết áp lực. Tôi họp trực tuyến với ít nhất 2 gia đình học sinh mỗi tuần để cùng giải quyết các vấn đề. Tôi hy vọng dịch Covid-19 sẽ dạy cho các em cách đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống luôn đầy rẫy những khó khăn”, chuyên gia tư vấn nói./.

Theo CTV Mai Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên