MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu quả của fake news về thuốc chữa Covid-19: Dân Mỹ đổ xô mua thuốc của ngựa, nhiều người Việt Nam truyền nhau 'bí quyết' dùng giun đất

Hậu quả của fake news về thuốc chữa Covid-19: Dân Mỹ đổ xô mua thuốc của ngựa, nhiều người Việt Nam truyền nhau 'bí quyết' dùng giun đất

Thật khó tin là ngay cả Mỹ mà nhiều người cũng tin vào việc dùng thuốc thú y như cho ngựa, có thể giúp chữa Covid-19, nhưng câu chuyện đó là thật. Còn ở Việt Nam, việc lan truyền dùng giun đất để chữa Covid cũng có không ít người tin.

Dân Mỹ đổ xô đi mua thuốc chữa bệnh cho… ngựa để chữa Covid-19

Làn sóng dịch mới xuất hiện ở Mỹ gần đây đã đưa con số các ca nhiễm bệnh bật tăng trở lại. Trong vòng 7 ngày gần đây, số lượng các ca nhiễm trung bình ở Mỹ đã ở mức khoảng 150 nghìn ca nhiễm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình khoảng 20 nghìn ca vào khoảng đầu tháng 7/2021.

Trong khoảng thời gian này, nhiều người dân Mỹ thay vì tìm nghe, đọc thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin chính thống, lại chọn tin vào các thông tin lan truyền về các phương thuốc chữa Covid-19 trên Facebook, Reddit.

The New York Times đưa tin, nhiều người Mỹ đổ xô đi mua một loại thuốc có tên ivermectin thay vì đi đăng ký đi tiêm vaccine. Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở đây là loại thuốc này vốn dĩ được dùng để chữa bệnh cho… ngựa và một số không nhỏ người dân lại có niềm tin rằng thuốc chữa ký sinh trùng ở động vật có thể chữa được Covid-19.

Theo các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ khoảng giữa tháng 8/2021, các đơn thuốc ivermectin đã tăng lên hơn 88.000 mỗi tuần từ mức trung bình trước đại dịch là 3.600 mỗi tuần. Một số lượng không nhỏ người dân đã mua thuốc từ các trung tâm nuôi động vật. Không dừng lại ở đó, tình trạng khan hiếm loại thuốc này cũng đã xảy ra ở một số nơi, ví dụ như ở Idaho.

Thông thường, con người chỉ sử dụng thuốc ivermectin dạng viên để trị chấy, ghẻ hoặc các loại ký sinh trùng, nhưng ở một liều lượng rất nhỏ và phải theo quy định của bác sĩ. Thế nhưng, các bác sĩ địa phương cho biết, dạng thuốc ivermectin mà người dân mua ở các trung tâm nuôi động vật lại vốn được dùng phổ biến ở động vật thông qua đường uống hoặc đường bôi.

Hậu quả, cơ quan quản lý y tế Mississippi đầu tháng này cho biết 70% các cuộc gọi gần đây đến trung tâm kiểm soát chất độc của tiểu bang đến từ những người đã uống ivermectin từ các cửa hàng cung cấp vật nuôi.

Hay như ở Texas, Tiến sĩ Shawn Varney, nhà nghiên cứu chất độc và giám đốc y tế của Trung tâm Chất độc Nam Texas, cho biết, hiện tại, trung tâm đã nhận được 260 cuộc gọi. Phần lớn các cuộc gọi gần đây đến từ những người đã sử dụng sản phẩm thú y để điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19.

Tiến sĩ Varney nói thêm, rủi ro lớn nhất đến từ việc những người sử dụng sản phẩm chăn nuôi và uống phải một liều lượng cao hơn nhiều, đôi khi gấp 10 đến 15 lần so với liều lượng thích hợp cho người.

Hậu quả của fake news về thuốc chữa Covid-19: Dân Mỹ đổ xô mua thuốc của ngựa, nhiều người Việt Nam truyền nhau bí quyết dùng giun đất - Ảnh 1.

Loại thuốc đang được người Mỹ "săn tìm" gần đây. Nguồn: NYT

Ở Việt Nam, người nổi tiếng chia sẻ thông tin chữa Covid-19 bằng... giun đất

Gần đây, ở Việt Nam đã có những bài viết lan truyền trên mạng về việc dùng giun đất chữa Covid-19, thậm chí có cả những clip nuốt giun đất sống. Dựa theo tin đồn này, nhiều nơi đã bán các mặt hàng giun đất sống và cả sản phẩm thuốc có chứa thành phần giun đất với quảng cáo là chữa khỏi Covid-19.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết: ""Bộ Y tế chính thức thông báo là không có cơ sở khoa học nào chứng minh giun đất hoặc chiết xuất từ giun đất có thể chữa Covid-19. Vì thế, chúng tôi sẽ xử lý những người tiếp tục lan truyền, quảng cáo thông tin này". Tuy nhiên, tính đến ngày 31/8, vẫn còn rất nhiều Facebooker chia sẻ những thông tin về tác dụng của việc nuốt giun đất sống, trong số đó có cả một diễn viên nổi tiếng.

Trước đó, một số người đã đua nhau tìm mua tích trữ Xuyên tâm liên, Corticoid, rồi đến Tylenol được thổi bùng lên thành "thần dược". Không những thế, vừa qua, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện một bài thuốc Đông Tây y kết hợp điều trị nhiễm Covid-19 kết hợp Paracetamol và xông trong 7 ngày liên tục.

Ngoài ra, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về dịch bệnh, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một bản hướng dẫn tiêm vaccine và thuốc tự điều trị Covid-19, trong đó cổ vũ dùng một số loại thuốc như Telfast (một thuốc chống dị ứng) trước tiêm. Đáng chú ý, trên một số tài khoản mạng xã hội còn nhận định, việc điều trị Covid-19 tương tự với bệnh hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đưa ra những hướng dẫn về bài thuốc trị Covid-19...

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị đối với Covid-19. Hiện tại, việc điều trị Covid-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, và Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Ngay cả các loại thuốc được nghiên cứu dùng để điều trị Covid-19 như Remdesivir hay Monulpiravir cũng phải được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của các y bác sĩ cũng như Bộ Y tế.

Quan trọng, vaccine vẫn giữ vị trí trung tâm trong chiến lược chống lại Covid-19 bên cạnh việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi ra nơi công cộng,...

Trong buổi phỏng vấn mới đây, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an khuyến cáo người dùng mạng xã hội khi tiếp nhận thông tin cần xem xét kỹ nội dung, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế, xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. 

"Chúng ta cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy", ông Cường nói thêm.

Trong báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong Chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng.

Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy "tin thật" đẩy lùi tin giả. Một thị trường báo chí lành mạnh, tin cậy kết hợp với tốc độ cung cấp thông tin chính thống nhanh từ toàn bộ hệ thống công quyền sẽ kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống.

Thứ hai là kỹ năng số của người dân, bao gồm: biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt "thật - giả" là "gốc rễ" để giải quyết vấn đề trong dài hạn.

Điều này cần bắt nguồn từ giáo dục kỹ năng số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em ngay từ tiểu học. Trong thời đại số, học sinh không thể chỉ đơn thuần học "tin học" mà cần có kỹ năng số toàn diện trong đó gồm kỹ năng an toàn thông tin.

Thứ ba, trong khi nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai cần thời gian dài hơn để thực thi, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả.

Hệ thống tòa án cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế. Các vụ việc xử phạt hành chính chỉ nên nhắm vào các cá nhân, tổ chức tung tin giả có tác động xấu đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Không nên lạm dụng xử phạt hành chính bởi cũng có rủi ro xâm phạm đến quyền ngôn luận của người dân.

Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính thức, chuẩn xác từ chính quyền. Thời buổi thông tin nhanh như hiện nay mà chờ họp báo thì quá chậm. Trung tâm chống tin giả vừa giúp kiểm chứng nguồn tin, vừa giúp thông tin nhanh.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên