Hậu thâu tóm Uber, Grab muốn một tay lấy cả thiên hạ, nhưng lâm vào thế trận muôn trùng vây: Go-Viet cùng FastGo đón lõng, Now và AhaMove phục sẵn, các đại gia tài chính hầm hè
Hậu thâu tóm Uber, Grab muốn một tay lấy cả thiên hạ, nhưng lâm vào thế trận muôn trùng vây: Go-Viet cùng FastGo đón lõng, Now và AhaMove phục sẵn, các đại gia tài chính hầm hè
Chiến trường truyền thống: Go-Viet, FastGo đón lõng
Ở thị trường gọi xe ôm công nghệ, Go-Viet với sự xuất quân thần tốc đã tạo nên ấn tượng mạnh ở người dùng.
Ngay khi vừa ra mắt tại TPHCM với chiến dịch khuyến mại không tưởng - 5.000 đồng cho 8km, màu áo đỏ của Go-Viet đã nhanh chóng tràn ngập các góc phố Sài Gòn. Sự đổ bộ thành công tới mức Chủ tịch Go-Jek Andre Soelistyo đã nhanh chóng tuyên bố với báo chí: Go-Viet đạt 10% thị phần sau 3 ngày . Còn theo một số thông tin trong ngành mà chúng tôi có được, con số lúc cao điểm có thể lên 25 – 30% thị phần.
Tuy sau đó Grab có phản công bằng các chuyến xe 2.000đ và Go-Viet cũng giảm dần khuyến mại, nhưng mối đe dọa mà Go-Viet đem tới cho Grab là không hề nhỏ. Bởi với sự hỗ trợ của công ty mẹ là Go-Jek vốn đã quá quen thuộc với trận chiến Grab ở Indonesia, Grab sẽ cần làm nhiều hơn nữa đề giành lại và giữ chân các khách hàng và tài xế đã bị Go-Viet "câu" mất.
Trung tuần tháng 9 này, Go-Viet sẽ khai trương dịch vụ tại Hà Nội, mở rộng chiến trường ra miền Bắc. Rút kinh nghiệm từ thị trường phía Nam, các động thái mới nhất của Grab cho thấy họ đang căng sức ra để chuẩn bị chiến đấu. Từ việc khuyến mại chỉ còn 2.000đ/cuốc xe, tới việc giảm 15.000đ cho 10 chuyến GrabBike, cho thấy Grab đề cao đối thủ Go-Bike thế nào.
Ở mặt trận gọi xe ô tô, tuy đỡ ồn ào hơn nhưng lại khá dai dẳng. Bất ngờ nhất là sự xuất hiện của tân binh FastGo, khi vừa ra mắt được một thời gian ngắn đã nhận đầu tư hàng triệu USD từ nhiều quỹ tên tuổi. Ứng dụng này cho thấy sự phát triển nhanh chóng và nhận được sự đón nhận của giới tài xế khi cho biết họ đã tuyển được 10.000 tài xế trong thời gian vỏn vẹn hơn 2 tháng ra mắt.
Cần phải nói thêm về thị trường gọi xe ô tô, câu chuyện căng thẳng với Grab chủ yếu ở phía tài xế. Đa phần tài xế Grab hay tài xế Grab chuyển sang đầu quân cho FastGo, Xelo, cho biết, họ rất khó chịu với mức phí "cắt cổ" mà Grab thu của tài xế, lên tới gần 30%. Trong khi các ứng dụng mới ra thì miễn phí cước hoặc chỉ thu 10% – 15%. Cá biệt, một tài xế vừa chạy Grab vừa chạy các ứng dụng mới còn cho biết, "dù cước nhận về ở Grab cao hơn, nhưng tôi vẫn đi các ứng dụng khác để ủng hộ và quá chán ngán mức phí quá cao và thưởng gần như bằng không tại Grab".
Như vậy, tại thị trường đặt xe công nghệ (chở khách bằng xe ô tô hoặc xe máy), Grab đều đang gặp khó với các đối thủ "khó chơi" với tiềm lực tài chính chẳng hề thua kém (Go-Viet) hay cực nhiều đối thủ nhỏ nhưng nhanh nhẹn và đang được lòng giới tài xế hơn (FastGo, Xelo, VATO)… Thế nhưng, Grab có vẻ như không còn toàn tâm toàn ý cho mặt trận này, mà đang phân tán sự chú ý ở nhiều mảng mới như giao đồ ăn, giao hàng và hàng loạt dịch vụ phụ khác.
Trận địa mới: Khó nhọc đối đầu Now, AhaMove, Lalamove
Mặc dù mới ra mắt, nhưng dịch vụ giao đồ ăn của Grab đang đối đầu trực tiếp với giao đồ ăn của Now. Không hiếm để thấy cảnh các tài xế áo xanh (Grab) giáp mặt nhiều tài xế áo đỏ (Now) ở các quán trà sữa lớn.
Grab chen chúc Now trong quán trà sữa
Grab và Now cũng nhanh chóng lao vào cuộc chiến giảm giá tới "khô máu", khi Now tung code giảm 30 - 40% thì Grab giảm 50%, miễn phí ship. Khi Now tặng code giảm tới 80% cho khách hàng mới, thì Grab thẳng tay free 100% cho nhiều thương hiệu trà sữa lớn. Mặc dù nhiều khách hàng than phiền không thể nào gọi được GrabFood khi khuyến mại nhưng nhìn tại các cửa hàng có thể thấy Grab đã tạo nên một làn sóng đe dọa Now và nhiều đối thủ khác.
Không chỉ về phía người dùng, về phía tài xế, Grab cũng tung ra những khuyến mại cực lớn cho tài xế chạy GrabFood, lên tới 50.000đ/chuyến giao hàng GrabFood thành công. Điều này vừa cho thấy sự mạnh tay của Grab với thị trường giao hàng đồ ăn, vừa thể hiện điểm yếu của Grab là các tài xế xe ôm công nghệ "ngại" việc giao hàng nói chung và giao đồ ăn nói riêng. Theo khảo sát, mức hỗ trợ tài xế ở các ứng dụng giao hàng và giao đồ ăn cao nhất chỉ vào khoảng 10.000đ/đơn hàng.
Trong lĩnh vực giao hàng, tuy Grab cũng đưa ra nhiều khuyến mại cho khách hàng, nhưng bóng dáng áo xanh giao hàng trên đường vẫn còn rất khiêm tốn so với đội quân shipper giao hàng tự do hay các app giao hàng như AhaMove, Lalamove.
Đa phần khách hàng cho rằng dịch vụ giao hàng của Grab đáp ứng được việc giao hàng nhỏ lẻ của cá nhân hay nhu cầu văn phòng như chuyển giấy tờ, hợp đồng. Nhưng khi chuyển hàng thì lại gặp khá nhiều vấn đề như mức ứng tiền thấp (chỉ tới 500.000đ), tài xế không có tiền ứng sẵn, tài xế không thích nhận cuốc giao hàng, tài xế không thích các đơn chi trả GrabPay, tài xế không giao tận tay… Điều này hầu như hiếm xảy ra tại các app giao hàng chuyên nghiệp.
Chưa kể các shipper của các đơn vị giao hàng chuyên nghiệp hiện vẫn có nhiều ưu việt hơn so với các tài xế Grab "tăng bo", chẳng như AhaMove là lượng tài xế cực lớn, phủ khắp các ngõ ngách nên tốc độ đáp ứng nhanh, hay Lalamove cung cấp dịch vụ giao hàng có túi bảo quản. Cả 2 app này đều cho ứng tiền lớn tới 3 triệu đồng, phủ hầu hết nhu cầu của các khách hàng kinh doanh chuyên nghiệp.
Không chỉ dừng ở giao đồ ăn và giao hàng, Grab cũng đã triển khai thêm dịch vụ Giao hàng tạp hoá, một thành quả nhờ việc Grab hợp tác với app HappyFresh.
Hay như mới đây, Grab công bố dịch vụ tài chính cá nhân, ngay lập tức biến mình thành đối thủ các các công ty tài chính như HomeCredit, FECredit, HDSaison hay một loạt các startup về tài chính, vay mượn nhanh như F88, Vaymuon hay các ngân hàng lớn.
Với tốc độ mở rộng quá nhanh - mỗi tháng công bố một dịch vụ mới, chắc chắn Grab cần "đốt tiền" mạnh tay hơn nữa, và quan trọng hơn là tìm cách giải bài toán đảm bảo sự ổn định cho các dịch vụ (điều vốn đang bị khách hàng và đối tác than phiền rất nhiều). Trong khi đó, các đối thủ đều đang tập trung vào chỉ một lĩnh vực cốt lõi của mình, sẽ là những lực cản khủng khiếp đối với Grab.
Cùng đợi hạ hồi phân giải!
Trí thức trẻ