MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu thoái vốn, một tỉnh 'gửi' 32 tỷ đồng ở Du lịch Hương Giang suốt 8 năm

Hậu thoái vốn, một tỉnh 'gửi' 32 tỷ đồng ở Du lịch Hương Giang suốt 8 năm

Theo BCTC quý II/2024 đã soát xét của Du lịch Hương Giang, 32 tỷ đồng trong số gần 37,3 tỷ đồng đang gửi ngân hàng không kỳ hạn là số tiền còn lại sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển nhượng phần vốn góp tại doanh nghiệp này cho Tập đoàn Bitexco từ năm 2016.

Mới đây, Công ty CP Du lịch Hương Giang (MCK: HGT, UpCOM) đã công bố BCTC quý II/2024 đã soát xét với kết quả kinh doanh không mấy lạc quan.

Theo đó, bán niên 2024, doanh thu thuần của Du lịch Hương Giang ở mức gần 28,6 tỷ đồng, tăng 9,2% so với con số gần 26,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng ở mức cao khiến lợi nhuận gộp giảm nhẹ về hơn 6,6 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến từ gần 995 triệu đồng lên 2,1 tỷ đồng. Tổng các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 ở mức 10,1 tỷ đồng.

Chi phí cao hơn lợi nhuận gộp khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 3,3 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Du lịch Hương Giang lỗ ròng 1,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi hơn 3,3 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng cộng nguồn vốn doanh nghiệp gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm, ở mức hơn 212 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng nhẹ lên 71,7 tỷ đồng, đa phần là nợ ngắn hạn hơn 50,6 tỷ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền gần 47 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gần 37,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo thuyết minh BCTC, trong số 37,3 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, có hơn 32,1 tỷ đồng là tiền thu được từ việc chuyển nhượng phần vốn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco.

Nói thêm về việc chuyển nhượng vốn giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Bitexco, theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn số 18/HĐCNV ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển nhượng 12,6 triệu cổ phần, tương ứng 62,86% vốn điều lệ của Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 158,4 tỷ đồng. 

Sau khi tỉnh thoái vốn, Du lịch Hương Giang đã chuyển trả số tiền 126 tỷ đồng theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, số tiền còn lại sẽ được chuyển trả khi có yêu cầu. Tại thời điểm 30/6/2024, số tiền còn lại này bị hạn chế sử dụng theo Công văn số 1398/STC-TCDN ngày 26/5/2026 của Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quay trở lại với BCTC quý II/2024 của Du lịch Hương Giang, tính đến ngày 30/6/2024, vốn góp của chủ sở hữu ở mức 200 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Bitexco nắm 9,11%; Crystal Treasure Limited 45,5%; Công ty CP Đầu tư Tân Tiến 7,26%; Công ty TNHH Thạch Anh Trắng 9,63%; Công ty TNHH Tấn Trường 20% và 8,5% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Về Du lịch Hương Giang, doanh nghiệp này được thành lập theo Quyết định số 1500QĐ/UBND ngày 3/10/1994 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 1/1/2008 Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Du lịch Hương Giang theo quyết định số 2559/QĐ-UB ngày 15/11/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu: Khách sạn; Nhà hàng; Lữ hành trong nước và quốc tế; Vận chuyển du lịch; Đại lý vé máy bay; Liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài về các dịch vụ du lịch.

Theo giới thiệu trên website, Du lịch Hương Giang đang sở hữu khách sạn Hương Giang (4 sao); đồng sở hữu khách sạn Saigon Morin Huế (4 sao), khách sạn Azerai La Residence, Huế (5 sao); Lăng Cô Beach Resort (4 sao) và Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang.

Doanh nghiệp này hiện đang triển khai các dự án về du lịch như: Dự án khách sạn cao cấp NAMA (85 Nguyễn Chí Diểu, tỉnh Thừa Thiên Huế); Đầu tư mở rộng khách sạn Azerai La Residence, Huế (05 Lê Lợi, Thừa Thiên Huế). Công ty cũng đã hoàn thành dự án Đầu tư cải tạo Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival (11 Lê Lợi Thừa Thiên Huế),...

Trong một diễn biến khác, Du lịch Hương Giang đã thông qua Quyết định số 10/QĐ-HĐQT về việc bán/chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp mà công ty đang nắm giữ tại Công ty NHH du lịch Lăng Cô, tương đương 40% vốn điều lệ.

Giá bán dự kiến của phần vốn góp chuyển nhượng là 84 tỷ đồng; đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt. Trong trường hợp Thương mại Việt từ chối mua/nhận chuyển nhượng phần vốn góp, công ty sẽ bán/chuyển nhượng phần vốn góp trên cho một cá nhân khác.

Theo PV

An ninh tiền tệ

Trở lên trên