“Hãy lạc quan về những gì bạn tin mình có thể làm được”
Tiến sĩ Sabrina Gonzalez Pasterski, người được mệnh danh là “Albert Einstein mới”, là nhà vật lý lý thuyết có nghiên cứu về các chủ đề như lỗ đen, hấp dẫn lượng tử và lý thuyết dây.
- 15-03-2024Nữ tiến sĩ U40 gây bão mạng xã hội khi nêu ra 11 tiêu chí chọn chồng, ai nghe xong cũng lắc đầu ngao ngán
- 15-01-2024Vì sao con ngoan, trò giỏi ít đột phá còn trẻ "gây rối" dễ thành doanh nhân thành đạt? Nữ Tiến sĩ chỉ ra 1 điểm khác biệt mấu chốt
- 09-01-2024Động lực chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc giỏi ngoại ngữ? - Câu trả lời của nữ Tiến sĩ khiến ai cũng bất ngờ!
- 08-11-2023"Tôi sợ nhất là con tôi ngoan": Quan điểm của nữ Tiến sĩ khiến nhiều phụ huynh giật mình
Pasterski gặt hái được nhiều thành tựu trước tuổi 30: Hai lần có tên trong danh sách "30 Under 30" của tạp chí Forbes (Mỹ), tốt nghiệp thủ khoa Vật lý của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT); có nghiên cứu được cố nhà vật lý học nổi tiếng người Anh Stephen Hawking trích dẫn và dẫn đầu một nhóm nhà vật lý trong nỗ lực tìm hiểu lý thuyết lượng tử.
Tài năng của nhà nghiên cứu trẻ này đã thu hút nhiều công ty lớn. Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, từng đề nghị Pasterski về công ty của ông làm việc nhưng cô đã từ chối vì muốn cống hiến cho nghiên cứu.
Ngoài Bezos, cô cũng được nhà phát triển và sản xuất hàng không vũ trụ Blue Origin cũng như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) mời về làm việc.
"Hãy lạc quan về những gì bạn tin rằng mình có thể làm được. Khi còn nhỏ, bạn nói nhiều điều về việc mình sẽ làm hoặc trở thành người như thế nào khi lớn lên. Tôi nghĩ điều quan trọng là đừng để mất những ước mơ đó", Pasterski chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Pasterski là một người Mỹ gốc Cuba. Cô bắt đầu quan tâm đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) từ rất sớm, chính xác là trong lần đầu tiên đi máy bay lúc 9 tuổi.
Dưới sự khuyến khích của cha và giáo viên, năm 10 tuổi, Pasterski đã bắt đầu chế tạo động cơ máy bay và tạo ra một chiếc máy bay hoàn chỉnh 2 năm sau đó. Khi 14 tuổi, Pasterski đã một mình bay thử nghiệm qua hồ Michigan, trở thành người trẻ tuổi nhất từng lái máy bay riêng.
Cô thậm chí đã chế tạo và lái máy bay trước khi lấy bằng lái ô tô. Tuy nhiên khi đi học, Pasterski nhận ra hàng không vũ trụ không phù hợp với mình.
Cô nói: "Tôi đến MIT với suy nghĩ mình sẽ theo ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ. Nhưng tôi hơi thất vọng vì mọi người chỉ quan tâm đến việc thử nghiệm hoặc sử dụng máy bay không người lái". Việc chế tạo một chiếc máy bay bốn cánh không thực sự khơi dậy trí tưởng tượng của cô.
Sau đó, Pasterski đã quyết định con đường sự nghiệp mình theo đuổi. Cô nhận thấy những người cô ngưỡng mộ đều cho rằng vật lý rất thú vị. "Đôi khi bạn tham gia một lĩnh vực không chỉ vì bạn nghĩ nó thú vị mà những người bạn yêu thích cũng nghĩ nó thú vị", Pasterski mỉm cười nói.
Cô theo đuổi bằng tiến sĩ tại Harvard và nghiên cứu tại Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter (Canada) năm 2021 sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Princeton.
Pasterski đã thực hiện "Sáng kiến Holography Thiên thể" ngay sau khi làm việc tại Viện Perimeter. Ý tưởng này giúp thu hẹp khoảng cách giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng.
Bắt nguồn từ vật lý lượng tử của các lỗ đen, holography (kỹ thuật tạo hình ảnh ba chiều) của thiên thể cung cấp một khuôn khổ thống nhất để hiểu các hiện tượng như va chạm hạt tại Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) và sóng hấp dẫn.
Theo Pasterski, dự án nhằm áp dụng những hiểu biết sâu sắc từ lý thuyết dây và thông tin về lỗ đen vào bằng chứng có thể quan sát được, đưa ra cách toàn diện để nghiên cứu và khái niệm hóa vũ trụ.
Ngoài thực hiện các nghiên cứu, Pasterski còn là người ủng hộ phụ nữ trong lĩnh vực STEM. Cô đã phát biểu tại nhiều sự kiện và hội nghị về tầm quan trọng của việc khuyến khích trẻ em gái theo đuổi lĩnh vực Khoa học và Toán học.
Cô cũng được mời đến Nhà Trắng để thảo luận về sáng kiến "Let Girls Learn", nhằm trao quyền cho các cô gái trên khắp thế giới theo đuổi giáo dục và sự nghiệp STEM.
Phụ nữ Việt Nam