H.C. Starck – công ty thuộc Masan Group chi 52 triệu USD mua 15% vốn công ty chế tạo pin sạc nhanh
Nyobolt là công ty duy nhất trong lĩnh vực chế tạo pin ứng dụng Vonfram giàu tiềm năng thương mại hóa trong thời gian sắp tới.
H.C. Starck Tungsten Powders (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MHT) đã công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh (tương đương 52 triệu Euro) cho 15% vốn chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited ("Nyobolt"), một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất vào Nyobolt ở vòng Series B.
Thương vụ hợp tác được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tầm nhìn của HCS trở thành nhà cung ứng vật liệu công nghiệp công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, thông qua việc phát triển các ứng dụng Vonfram mới có ý nghĩa quan trọng cho các phát kiến của tương lai.
Công ty đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm để sẵn sàng ra mắt thị trường trong thời gian sắp tới. Sử dụng vật liệu Vonfram công nghệ cao của HCS cho lớp phủ cực anode, pin lithium-ion do Nyobolt chế tạo có công suất cao kỷ lục và khả năng sạc tốc độ cực nhanh. Công nghệ này là thành quả của quá trình 10 năm nghiên cứu pin lithium-ion sạc nhanh do Giáo sư Clare Grey khởi xướng. Giáo sư Clare Grey là nhà khoa học về pin hàng đầu của Đại học Cambridge và đã được Hoàng gia Anh phong tước hiệu nhờ những đóng góp to lớn trong lĩnh vực khoa học.
Hệ thống anode trong pin của Nyobolt có lớp phủ Niobium và Vonfram độc đáo, mang đến hiệu suất vượt trội so với các loại pin Li-ion có cực anode thông thường. Công nghệ vượt trội này giúp gia tăng tính ứng dụng của pin và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đối tượng khách hàng của Nyobolt sẽ là các công ty sản xuất xe điện công nghiệp yêu cầu công suất cao, thiết bị tự động hóa (robotics), thiết bị tiêu dùng, công cụ không dây, hệ thống lưu trữ năng lượng và sạc nhanh di động.
Khoản đầu tư của HCS sẽ giúp Nyobolt xây dựng các cơ sở sản xuất anode và mở rộng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác này còn phát huy sức mạnh hiệp lực của cả hai bên, bao gồm:
+ Đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện nhờ vào năng lực tái chế vượt trội của HCS, bao gồm công nghệ tái chế chất thải đen đột phá và thân thiện với môi trường;
+ Tận dụng nguồn cung Vonfram - nguồn nguyên liệu có ý nghĩa quan trọng đối với ngành vật liệu công nghiệp công nghệ cao của thế giới. HCS được biết đến là nhà cung cấp Vonfram có chất lượng vượt trội cho thị trường toàn cầu;
+ Công nghệ cathode: HCS có các chuyên gia giàu kinh nghiệm về R&D và chế tạo lớp phủ cathode;
+ Kinh nghiệm và hạ tầng sản xuất: là một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất bột Vonfram và tái chế Vonfram, HCS sở hữu phòng thí nghiệm quy mô lớn, chuyên phân tích thành phần nguyên tố của vật liệu chế tạo pin, cùng các đặc tính lý hóa của bột vô cơ.
"Thỏa thuận đầu tư đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của HCS: đẩy mạnh chế biến sâu và gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng thông qua các phát kiến mới, trong đó, có thể kể đến dòng sản phẩm vật liệu pin "starck2charge" đã được chúng tôi đăng ký nhãn hiệu gần đây. Với kinh nghiệm ứng dụng các giải pháp sáng tạo vào trong sản xuất quy mô lớn, H.C. Starck sẽ hỗ trợ Nyobolt tăng tốc quá trình thương mại hóa các sản phẩm sử dụng công nghệ thực sự đột phá này. Thỏa thuận cũng sẽ giúp hai bên thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực pin bằng cách tái chế và ứng dụng các hình thức sử dụng pin mới", ông Hady Seyeda, Giám đốc Điều hành của H.C. Starck cho biết.
Trí Thức Trẻ