MỚI NHẤT!
Đọc nhanh >>
Đổi 60 ha đất ‘vàng’ lấy hơn 1,6 km đường
Như Tiền Phong đã thông tin, Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt Công ty Vĩnh Hưng) vừa được TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư hạ tầng giao thông tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5).
Theo thông tin Hà Nội công bố, dự án này được thực hiện với kinh phí là 1.373 tỷ đồng. Tuy thông tin cụ thể về chiều dài tuyến đường, cũng như hình thức đầu tư của dự án không được nhắc đến cũng như công bố trên cổng của Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội.
Bản sơ đồ quy hoạch tuyến đường dài hơn 1,6km Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên.
Nhưng theo tài liệu có được của PV Tiền Phong, Dự án "Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5", được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng- chuyển giao).
Cụ thể, trước đấy xét đề nghị của nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng, ngày 13/2/2017, UBND Thành phố Hà Nội ký phê Quyết định đề xuất Dự án "Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5", theo hình thức hợp đồng BT. Thời điểm này, dự kiến tuyến đường này dài 1,65km, mặt cắt ngang từ 40÷47,5m, tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng.
Tuy tuyến đường chỉ hơn 1,6km, nhưng nhà đầu tư là Công ty Vĩnh Hưng được Thành phố cho phép khai thác quỹ đất khủng gần 60 ha đất để kinh doanh, hoàn vốn.
Tại Quyết định này, nhà đầu tư dự kiến được giao các khu đất gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9 ha đất; Các ô đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân Tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29ha.
Ngoài ra, Hà Nội cũng giao thêm 3 quỹ đất mà nhà đầu tư đề nghị bổ sung để đảm bảo cân đối giá trị dự án BT và quỹ đất đối ứng gồm: Dự án Ao Cây Dừa có diện tích 0,52ha; Dự án khu sinh thái Vĩnh Hưng diện tích 11,9ha và Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì có diện tích khoảng 13ha.
Các khu đất trên để đối ứng dự kiến trên cho nhà đầu được xem là đất "vàng" vì tập trung nằm tại các quận nội đô trung tâm như quận Hai Bà Trưng và chủ yếu nằm ở các phường thuộc quận Hoàng Mai. Giá đất nền tại các khu vực này giao dịch khoảng từ 50-150 triệu đồng/m2; giá chung cư cũng có giá từ 20-50 triệu đồng/m2.
Quyết định của Hà Nội duyệt đề xuất Dự án "Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5", được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT cho Công ty Vĩnh Hưng.
Lộ diện DN ngành dược được giao dự án "khủng"
Tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, thời điểm hiện tại Công ty Vĩnh Hưng có 05 cổ đông sáng lập trong đó có 02 cổ đông là tổ chức và 03 cổ đông là cá nhân.
Cụ thể 02 cổ đông là tổ chức gồm: Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex góp 67,27% vốn điều lệ và Công ty đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) góp 2% vốn điều lệ.
Trong khi đó 03 cổ đông là cá nhân gồm có: bà Mai Thị Hằng góp 20% vốn điều lệ, ông Lê Xuân Tùng góp 10,73%, và cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường (đã chuyển nhượng cổ phần).
Được biết, năm 2014 UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty Handico 7 và Công ty Vimedimex thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng) để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.
Quá trình triển khai dự án Công ty Vĩnh Hưng đã đề xuất thực hiện tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5).
Trước đấy, ngày 14/7/2014 Công ty Vĩnh Hưng thành lập có số vốn điều lệ là 423 tỷ đồng, do đóng góp của 03 cổ đông. Đó là Công ty Handico 7, Vimedimex và cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường. Theo đó, Vimedimex góp 284,540 tỷ đồng nắm giữ tới 67,27% vốn điều lệ; Handico 7 góp 130 tỷ đồng tương đương 30,73% vốn điều lệ; cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường góp 8,460 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.
Dự án khu đô thị sinh thái Vĩnh Hưng nằm trong phần đất đối ứng cho nhà đầu tư.
Đến ngày 16/3/2015 vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hưng đã được tăng lên 1.000 tỷ đồng, nhưng dẫn đến sự biến động lớn về số lượng và cơ cấu cổ đông. Trong đó, Vimedimex góp 672,671 tỷ đồng vẫn tương đương 67,27% vốn điều lệ nhưng Công ty Handico 7 chỉ còn đóng góp 2% vốn điều lệ tương đương 20 tỷ đồng.
Thay vào đó thành phần vốn góp của Công ty Vĩnh Hưng tăng thêm 02 cá nhân là bà Mai Thị Hằng tham gia góp 200 tỷ đồng tương đương 20% vốn điều lệ; và ông Lê Xuân Tùng góp 87.328 tỷ đồng tương đương 8,730% vốn điều lệ. Cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường vẫn góp 20 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.
Tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên chỉ dài 1,65km với kinh phí gần 1.400 tỷ đồng được Hà Nội giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng thực hiện theo hình thức BT. Đổi lại nhà đầu tư được giao 60 ha đất ở nhiều khu vực được xem là đất "vàng" đối ứng để khai thác kinh doanh xây dựng các dự án bất động sản.
Điều đáng nói, Công ty Vimedimex-hiện cổ đông đang nắm giữa cổ phần chính tại Công ty Vĩnh Hưng, DN được Hà Nội giao dự án "khủng" làm hơn 1,6 km đường để đổi lấy 60 ha đất trên, lại DN hoạt động trong ngành dược. Theo đó, Vimedimex được thành lập năm 1984, với nền tảng nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực y dược phẩm. Nhưng trong thời gian gần đây, Vimedimex lại lấn sân sang lĩnh vực BĐS. Cụ thể, cuối năm 2016, Vimedimex chính thức ra mắt thương hiệu bất động sản Vimefulland và triển khai các dự án BĐS lớn trên địa bàn Hà Nội như: Dự án Athena Fulland và The Eden Rose... Trong đó có cả các dự án liên kết với Công ty Handico 7 như Dự án Belleville Hà Nội.
Theo phân tích của một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, với việc bỏ ra ra gần 1.400 tỷ đồng để làm hơn 1,6km đường, nhà đầu tư Công ty Vĩnh Hưng sẽ được trả 60 ha đất. Nếu tạm tín, doanh nghiệp này chỉ phải chi khoảng hơn 2 triệu đồng cho một m2 đất "vàng" tại các quận trung tâm như Hoàng Mai.