Hé lộ bất thường của doanh nghiệp tỷ USD khiến ông Lê Đức Thọ bị bắt
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ (53 tuổi), để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Đáng chú ý, việc ông Thọ lâm vòng lao lý có liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil với nhiều điều tiếng.
Những bất thường của doanh nghiệp tỷ USD
Theo thông tin được cơ quan công an đưa ra, việc bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ là diễn biến quá trình điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Việc ông Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh ở phía Nam - bị khởi tố do có liên quan đến Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil khiến không ít người giật mình, bởi đây là doanh nghiệp từng có doanh thu tỷ USD nhưng có nhiều điều tiếng thời gian qua.
Theo thông tin Tiền Phong có được, Xuyên Việt Oil (trụ sở chính tại 465-467 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM) có giấy đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2005 và được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu vào tháng 8/2016. Đây là đối tác thường xuyên của hai nhà máy lọc dầu lớn nhất nhì Việt Nam là Nhà máy Nghi Sơn và Lọc dầu Dung Quất. Thị phần chủ yếu của doanh nghiệp này nằm tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và TP.HCM.
Về hoạt động kinh doanh xăng dầu, dù khá nổi tiếng trong giới, nhưng Xuyên Việt Oil cũng là một trong số các doanh nghiệp được đánh giá khá kín tiếng với truyền thông như: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Phát; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát. Điều đáng nói Xuyên Việt Oil và những doanh nghiệp nêu trên đều là những ‘gương mặt’ được giới kinh doanh xăng dầu đánh giá là có sự tăng trưởng doanh thu và ‘tốc độ lớn’ về thị phần khá bất thường nếu nhìn vào sự suy giảm lợi nhuận qua từng năm.
Dù kín tiếng với truyền thông nhưng bà chủ của Xuyên Việt Oil lại khá nổi tiếng trong các hoạt động thiện nguyện với số tiền chi ra làm từ thiện nhiều tỷ đồng. Không ít chương trình từ thiện được Xuyên Việt Oil tài trợ cả tỷ đồng ngay cả khi doanh nghiệp này được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo về tình trạng chây ì nợ thuế kéo dài.
Sau khi lãnh đạo Xuyên Việt Oil vướng lao lý, nhiều thông tin cho rằng nguyên nhân khiến Xuyên Việt Oil ‘chết’ không hẳn do kinh doanh kém, lợi nhuận thấp mà do doanh nghiệp mắc kẹt vì đổ quá nhiều tiền vào lĩnh vực bất động sản. Ngay cả những giai đoạn khó khăn nhất, thậm chí trước khi bị bắt, lãnh đạo Xuyên Việt Oil vẫn khẳng định nếu chấp nhận cho thế chấp, trả nợ bằng bất động sản, doanh nghiệp này vẫn đủ nguồn lực để hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Cũng theo tìm hiểu của Tiền Phong , Xuyên Việt Oil bắt đầu gây chú ý khi nhanh chóng trở thành doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu lớn ở phía Nam, với doanh số bán ra bất thường lên tới cả tỷ lít xăng dầu mỗi năm, số tiền bán hàng có năm lên tới con số chục nghìn tỷ đồng.
Như năm 2021, cơ quan thanh tra ghi nhận, doanh nghiệp này đã xuất hoá đơn bán hàng với số lượng hơn 1,7 tỷ lít xăng dầu. Tổng số tiền xuất hóa đơn lên tới hơn 22.300 tỷ đồng, lớn gấp hơn 10 lần so với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vào dạng lớn nhất miền Trung, thậm chí doanh thu của Xuyên Việt Oil còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp đầu mối "có thâm niên".
Chỉ trong vòng hơn 40 ngày đầu của năm 2022, Xuyên Việt Oil xuất bán trong hơn 169 triệu lít xăng dầu với doanh số hơn 2.650 tỷ đồng.
Liên tục nợ thuế và âm vốn chủ sở hữu
Trong danh sách các đơn vị nợ thuế lớn đợt 2 năm nay được công bố mới đây, Cục Thuế TPHCM cho biết Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đang dẫn đầu danh sách 198 doanh nghiệp vi phạm nợ thuế trên địa bàn với tổng với số nợ thuế của đơn vị là hơn 1.500 tỷ đồng. Đây cũng không phải lần đầu tiên Xuyên Việt Oil bị "bêu tên" vì nợ thuế. Trước đó, công ty này có chuỗi ngày dài chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Các thông tin tài chính cho thấy, đến ngày 31/12/2022, Xuyên Việt Oil ghi nhận 1.373 tỷ đồng "thuế và các khoản phải nộp Nhà nước". Con số này hồi cuối năm 2021 lên đến 1.810 tỷ đồng.
Trong năm 2022, công ty này lỗ sau thuế gần 800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với khoản lỗ hơn 720 tỷ đồng của năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2022, Xuyên Việt Oil gánh lỗ lũy kế tổng cộng 3.533 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2.733 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Tuy nhiên, do công ty tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng nên cuối năm 2022 chỉ còn âm vốn chủ sở hữu 533 tỷ đồng, cải thiện so với con số âm vốn 733 tỷ đồng của một năm trước đó.
Song song với doanh thu sụt giảm mạnh, thua lỗ, tình trạng tài sản hao hụt của Xuyên Việt Oil cũng gây chú ý rất lớn. Đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này chỉ còn là 8.483 tỷ đồng, giảm 3.672 tỷ đồng, tương đương 30,2% so với cuối năm 2021. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 372 tỷ đồng xuống 212 tỷ đồng.
Bảng cân đối kế toán cũng cho thấy, trong khi nợ phải trả giảm sâu, giảm 3.873 tỷ đồng, tương đương 30% xuống 9.015 tỷ đồng thì vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại tăng mạnh, tăng 3.460 tỷ đồng, tương đương 145% lên 5.844 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù nợ vay tăng tới 145% nhưng chi phí lãi vay lại giảm 102 tỷ đồng, tương đương 61,5% xuống chỉ còn 63,9 tỷ đồng.
Do các chỉ tiêu chính đều kém lạc quan nên dòng tiền của Xuyên Việt Oil rất yếu. “Đến ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 14.362 tỷ đồng. Nhờ động thái thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và tiền đi vay, tình trạng âm dòng tiền của Xuyên Việt Oil được cải thiện. Cuối năm 2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của công ty còn âm 160 tỷ đồng”, báo cáo tài chính nêu rõ.
Điều đáng nói, do thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu nên Xuyên Việt Oil rơi vào tình trạng gặp khó về dòng tiền (cả khả năng thanh toán và khả năng trả nợ đều thấp). Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, công ty ghi nhận tổng tài sản và nợ phải trả là 8.483 tỷ đồng và 9.015 tỷ đồng. Như vậy, hệ số khả năng thanh toán tổng quát của công ty là 0,94.
(Còn nữa)
Trước đó, ngày 8/9, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 2 bị can trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
2 đối tượng bị bắt là bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979) Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và thuộc cấp Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992).
Tiền phong