MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

22-11-2023 - 00:39 AM | Doanh nghiệp

Hé lộ doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Các doanh nghiệp ngành dầu khí/xăng dầu và ngân hàng chiếm số lượng áp đảo trong tốp đầu.

Mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố bảng xếp hạng VNR500 - top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Bảng xếp hạng của VNR500 chủ yếu tính theo tiêu chí doanh thu, bên cạnh đó có xét tới một số tiêu chí phụ khác.

Ở vị trí đứng đầu,  công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đạt doanh thu 661.300 tỷ và lãi sau thuế 50.000 tỷ trong năm 2022.

SEVT là một trong 4 đơn vị thành viên của tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Việt Nam. Công ty này là cơ sở sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung trên thế giới, sản xuất gần 1/6 sản lượng sản phẩm toàn cầu của Samsung.

Ba đơn vị thành viên khác của Samsung Electronics tại Việt Nam là Samsung Bắc Ninh (431.000 tỷ), Samsung Display Vietnam (469.000 tỷ) và Samsung HCMC CE Complex (114.000 tỷ) đều có doanh thu cả trăm nghìn tỷ nhưng chỉ có Samsung Thái Nguyên "đại diện" trong bảng xếp hạng.

Công ty LG Electronics Vietnam Haiphong với doanh thu khoảng 82.000 tỷ cũng "vắng mặt".

EVN có doanh thu hợp nhất 463.000 tỷ nhưng không được đưa vào danh sách nhiều khả năng do lỗ hơn 20.000 tỷ.

Năm 2013, SEVT chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Thái Nguyên với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD. Chỉ sau 1 năm, công ty SEVT đã tăng vốn thêm 3 tỷ USD và đạt mức 5 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Liên tục sau đó, Samsung đầu tư dự án mới và tăng cường mở rộng tại Thái Nguyên. Cho đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư của Samsung đạt trên 7,5 tỷ USD tại Thái Nguyên. Hiện nay, tổng số công nhân của nhà máy Thái Nguyên đã hơn 10.000 người.

Đứng thứ hai về mặt doanh thu trong bảng xếp hạng VNR500 là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với con số 580.000 tỷ đồng. PVN là doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.

Hiện nay tập đoàn này đang có nhiệm vụ chính là tìm kiếm, thăm dò, khai thác tới tồn trữ, vận chuyển và chế biến với 5 lĩnh vực: tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí; công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; dịch vụ kỹ thuật Dầu khí chất lượng cao.

Trong số các 20 công ty có thứ hạng cao nhất của VNR500, có thêm 4 đơn vị lĩnh vực xăng dầu/dầu khí có doanh thu trên 100.000 tỷ đồng gồm Petrolimex (304.000 tỷ đồng) và 3 công ty con của PVN là Lọc hóa dầu Bình Sơn (167.000 tỷ đồng), PV Oil (104.000 tỷ đồng) và PV Gas (101.000 tỷ đồng) . Cả 4 doanh nghiệp này đều đang hiện diện trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong 20 doanh nghiệp có vị trí cao nhất VNR500, có 11 doanh nghiệp và ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ đồng năm 2022

Trong đó, PVN lại là công ty lãi lớn nhất trong số 20 doanh nghiệp có vị trí cao nhất của VNR500 với khoản lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của PVN đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 42,2 tỷ USD).

SEVT "ngậm ngùi" xếp ở vị thứ hai khi đạt 50.000 tỷ đồng LNST. Xếp ở vị trí thứ ba là tập đoàn Viettel khi mang về 35.000 tỷ đồng lãi sau thuế. 

Các ngân hàng đang chiếm áp đảo trong danh sách những doanh nghiệp lãi trên 10.000 tỷ đồng với 6 cái tên góp mặt. Trong đó phải kể đến Vietcombank (30.000 tỷ đồng), BIDV (19.000 tỷ đồng), MB (18.000 tỷ đồng), Agribank (18.000 tỷ đồng), Vietinbank (17.000 tỷ đồng) và VPBank (17.000 tỷ đồng).

Trong bảng xếp hạng nói trên, BIDV là đơn vị có tổng tài sản lớn nhất, đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng. 3 ngân hàng khác có tài sản trên 1 triệu tỷ đồng là Agribank, Vietinbank và VCB.

Ngân hàng tư nhân có tài sản lớn nhất trong top 20 này là VPBank với 631.000 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp tư nhất có tài sản lớn nhất là Vingroup đạt 577.000 tỷ đồng.

Trọng Hiếu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên