Hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng lớn
Trong 6 tháng qua, nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất đã được các ngân hàng triển khai. Toàn ngành cũng tiếp tục tiết giảm chi phí. Không ít nhà băng chấp nhận giảm lợi nhuận để đồng hành với doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn.
- 16-07-2023Nhà đầu tư dõi theo kết quả kinh doanh quý 2 ngành ngân hàng
- 16-07-2023Một cổ phiếu ngân hàng tăng 11% trong tuần qua với giao dịch đột biến
- 14-07-2023Cổ phiếu ngân hàng biến động mạnh, STB của Sacombank bị khối ngoại "xả" ồ ạt, có lúc rớt xuống giá sàn phiên 14/7
Tại hội nghị Hội nghị Sơ kết hoạt động Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm 15/7, đại diện các ngân hàng thương mại đã có báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, định hướng phát triển thời gian tới.
Ông Phạm Đức Ấn- Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, đến 30/6/2023, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.
“Đến 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt 1,75 triệu tỷ đồng; Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,45 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận tiếp tục đạt theo kế hoạch đề ra”, ông Ấn chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank nói thêm, mặc dù đã có những kết quả khả quan, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Agribank có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chia sẻ, Vietcombank tiếp tục giữ vững được chất lượng và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phối hợp triển khai các định hướng, chính sách của Chính phủ và NHNN.
“Tính đến hết tháng 6 năm 2023, huy động vốn, tín dụng của Vietcombank tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6%; quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức ~13% và đây là một KPI trọng yếu bên cạnh KPI về kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó ngân hàng triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị thanh khoản hiệu quả phù hợp với diễn biến của thị trường, tạo dư địa để hạ mặt bằng lãi suất cho vay và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhất thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lũy kế đến hết 30/06/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm ~87% tổng dư nợ của VCB.
Ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ VPBank thì cho biết, VPBank đã hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN, giảm lãi suất huy động, đồng thời giảm lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế. “Có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ. Bản thân VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ, mức giảm lãi suất từ 2-3%”, ông Vinh cho hay.
Còn theo ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng tiết giảm được hơn 500 tỷ chi phí hoạt động. Chi phí trên doanh thu giảm từ 40% xuống 30%.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng cho biết, nhờ có chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, giao hạn mức tăng trưởng tín dụng sớm đã tạo điều kiện thúc đẩy tiếp cận tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, MB không gặp tình trạng thiếu room tín dụng đối với khách hàng.
Nhìn chung, đại diện các ngân hàng lớn đều đánh giá, tình hình 6 tháng đầu năm có khá nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự sự hỗ trợ của cơ quan điều hành, tình hình kinh doanh của các nhà băng vẫn ổn định.
Nhịp sống Thị trường