Hé lộ lý do dù bận tối mắt tối mũi, nhưng các CEO vẫn kiên quyết dành thời gian cho sở thích cá nhân
"Trong bóng rổ, tôi được dạy rằng đừng bao giờ từ bỏ. Tôi học được rằng bạn phải thi đấu chăm chỉ nhất có thể, nhanh nhất có thể, cho đến khi huấn luyện viên rút bạn ra sân. Vì thế tôi thức dậy mỗi buổi sáng và nghĩ về công việc như thế này: Huấn luyện viên vẫn chưa cho mình ra sân, vì thế mình phải tiếp tục làm tốt nhất trong khả năng của mình".
- 29-01-2019Vì sao những người khác dường như lúc nào cũng kiếm được nhiều tiền và thành công hơn bạn? Câu trả lời hóa ra lại nằm ở chính bản thân người hỏi!
- 29-01-2019Từ chối làm theo điều mà số đông mọi người sẽ làm để được thăng tiến trong sự ngiệp nhưng tôi chưa từng hối hận vì lý do này
Trong một khảo sát được công bố trên tạp chí Harvard Business Review, các nhà nghiên cứu đã tiến hành điều tra về sở thích của các CEO thuộc S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ - hai sàn chứng khoán lớn nhất thế giới).
Nhóm nghiên cứu phát hiện rất nhiều CEO dành nhiều thời gian và năng lượng để nuôi dưỡng sở thích cá nhân. Những thú vui đó, có thể là chạy bộ, đua xe đạp, chơi trống hay vẽ tranh, thường bắt đầu từ khi họ còn trẻ và cho đến hiện tại vẫn tiếp tục được các CEO theo đuổi rất nghiêm túc.
Tại sao lại như vậy? Bằng các phương pháp khảo sát như gom nhặt từ những nguồn thông tin công khai của CEO (gồm bài báo, video và các bài viết trên mạng xã hội), đồng thời tiến hành phỏng vấn riêng với các CEO về sở thích của họ, nhóm đã khám phá ra những lý do đằng sau việc tận tuỵ dành thời gian cho sở thích mặc cho thời gian biểu dày đặc, cũng như ý nghĩa của sở thích cá nhân đối với công việc lãnh đạo lẫn cuộc sống của các CEO.
Sở thích riêng giúp các CEO "ngắt kết nối" khỏi công việc
Nhiều CEO bày tỏ rằng tính chất phức tạp của công việc lãnh đạo đang gia tăng kinh khủng. Áp lực khiến họ không bao giờ có thể ngừng nghĩ về công việc, ngay cả trong thời gian rảnh.
Một trong những CEO trả lời phỏng vấn: "Đôi khi công việc bao trùm tất cả. Bạn không thể nào ‘ngắt kết nối’ khỏi nó kể cả khi bạn ngủ, ăn, hay ở bên bạn bè và gia đình".
Điều này không có lợi cho công việc. Stress quá mức làm giảm khả năng tư duy chiến lược, tăng sự nổi nóng, khiến lãnh đạo giảm sự kết nối với với nhân viên, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lãnh đạo tích cực (positive leadership). Vì vậy, biết "ngắt công tắc", thoát khỏi trạng thái luôn nghĩ về công việc là quan trọng.
Tuy nhiên, việc trở về nhà, nằm thư giãn trên ghế sofa hay ở bên cạnh người thân, bạn bè là không bao giờ đủ. Thay vào đó, việc theo đuổi những sở thích đầy đam mê, năng động là cách duy nhất để cung cấp một sự phục hồi hoàn toàn.
Như Andy Wilson, CEO của Electronic Arts nói: "Tôi rất mê môn Brazilian Jiu Jitsu (một môn võ tự vệ và môn thể thao thi đấu đối kháng). Và bạn biết đấy, khi ai đó đang cố gắng vật ngã bạn, bạn chỉ có thể nghĩ về nó". Rõ ràng, lúc Andy phải đấu võ, công việc hay chuyện lãnh đạo hoàn toàn không có cơ hội xâm chiếm đầu óc vị CEO này.
Sở thích dạy các CEO không ngừng phấn đấu cho "phiên bản tốt nhất của chính mình": Không bao giờ từ bỏ
Có một sự kết nối mạnh mẽ với một sở thích nào đó đồng nghĩa với việc người CEO liên tục được thúc đẩy để nâng cấp bản thân, để người đó đạt đến "level" ngày càng cao hơn trong sở thích đó.
Nhiều trong số các CEO được khảo sát đã chinh phục được những đỉnh cao ấn tượng trong thú vui của họ: Có người dẫn dắt đội Squash (môn bóng quần) giành huy chương vàng trong giải đấu Maccabiah vào ngay năm đầu tiên anh ta làm CEO, 2 người khác với sở thích đua xe đạp đã hoàn thành Leadville 100 và Death Ride - những đường đua mang tiếng ‘đáng sợ’ trong giới. Còn một CEO khác thì mang về nhà 4 huy chương Ironman.
Sự cạnh tranh trong các thú vui đó mang đến một nguồn động lực, mà đối với hầu hết các nhà lãnh đạo này, thúc đẩy họ đạt đến khả năng cao nhất của bản thân. Quan trọng là, bài học quý giá này từ việc chơi thể thao được họ áp dụng vào công việc lãnh đạo doanh nghiệp.
Một CEO và là một tay chơi bóng rổ nói say sưa về trải nghiệm trong vai trò cầu thủ bóng rổ đã giúp ông vượt qua quãng thời gian kinh doanh khó khăn như thế nào: "Trong bóng rổ, tôi được dạy rằng đừng bao giờ từ bỏ. Tôi học được rằng bạn phải thi đấu chăm chỉ nhất có thể, nhanh nhất có thể, cho đến khi huấn luyện viên rút bạn ra khỏi sân. Vì thế tôi thức dậy mỗi buổi sáng và nghĩ về công việc như thế này: Huấn luyện viên vẫn chưa cho mình ra sân, vì thế mình phải tiếp tục làm tốt nhất trong khả năng của mình".
Sở thích cá nhân nhắc nhở các CEO luôn luôn khiêm nhường
Người lãnh đạo ở vị trí càng cao thì càng cần được nhắc nhở thường xuyên rằng họ vẫn chỉ những con người bình thường mà thôi. Những nghiên cứu chứng tỏ rằng sự khiêm nhường của những người đứng đầu có thể tạo nên sự gắn kết đến những nhân viên thuộc tầng dưới cùng, dẫn đến sự cải thiện trong hiệu quả làm việc nói chung của tổ chức. Một vài CEO trong khảo sát nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "giữ mình không được kiêu ngạo". Như một người nói: "Tôi nghĩ luôn tốt khi làm gì đó để giữ cho mình đức tính khiêm nhường".
Trong các hoạt động liên quan đến sở thích cá nhân, các lãnh đạo (dù của tập đoàn lớn như thế nào) không phải là người đứng đầu. Khi Mike Gregoire (một CEO trong cuộc khảo sát) tham gia vào cuộc đua xe đạp với những đồng nghiệp của anh, anh ta không phải là người nhanh nhất; vai trò của anh trong đoàn là trợ giúp để những tay đua tốt hơn thành công, thậm chí cho họ mượn xe của anh ta và rời khỏi cuộc đua nếu cần thiết.
Hay như CEO của Electric Power Nick Akins nói về thú vui chơi trống ở các sự kiện của mình: "Là một CEO, bạn thường xuyên như… trong tâm điểm của sự chú ý. Nhưng trong sự kiện đó, chúng tôi chỉ đơn thuần là những kẻ được thuê để chơi trống mà thôi!".
Sở thích cung cấp một trải nghiệm "kiểm soát hoàn toàn"
Các CEO từng được xem là những người lãnh đạo có quyền năng tối thượng, những người có thể một tay thay đổi định hướng và số phận của công ty. Nhưng hiện nay, sự tác động từ nhiều phía: áp lực từ các cổ đông, sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, công nghệ mới và các công ty khởi nghiệp đe doạ phá vỡ những hệ thống cũ, "khả năng điều khiển" của các CEO trở nên lung lay hơn bao giờ hết. Tức khả năng nắm quyền kiểm soát của họ trong công việc giảm đi, (điều này được kết luận trong cuốn cẩm nang xuất bản năm 2017 về nghệ thuật lãnh đạo của 2 tác giả Michael E. Potter và Nitin Nohria của đại học Harvard, Mỹ).
Trong khi đó, chuyện cảm thấy được-nắm-quyền-kiểm-soát vốn là một nhu cầu tâm lý cơ bản của con người. Vì thế thách thức mới của bối cảnh kinh doanh toàn cầu, về cơ bản, có thể gây khó khăn với những ai ngồi trong vị trí cao nhất tại các tổ chức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng cảm xúc của họ, đặc biệt là khi kỳ vọng từ những người xung quanh (và có lẽ từ chính bản thân họ nữa), là họ phải luôn hoàn toàn kiểm soát tình thế.
May mắn thay, các sở thích cho các CEO trải nghiệm lại cảm giác kiểm-soát-mọi-thứ của mình. Một CEO cho biết: "Trong đợt suy thoái tài chính, tôi tham gia một giải đua xe đạp. Tôi nhận ra tôi không thể kiểm soát thế giới, nhưng ít ra tôi có thể kiểm soát cách tôi đạp xe. Và thực sự, tôi cần một mức độ kiểm soát lên thứ gì đó".
Lý do cuối cùng: Làm điều mình thích khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn
Và lý do cuối cùng này khiến bạn, dù là lãnh đạo hay một nhân viên bình thường, cũng phải cân nhắc về việc thêm một sở thích nào đó vào cuộc sống bận rộn của mình. Ý nghĩa cốt lõi nhất của các sở thích trong cuộc sống và công việc, đơn giản là chúng giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn. Như một người trong khảo sát đã nói: "Nó cho tôi năng lượng tuyệt vời".
Một bài viết trên tờ The New York Times dẫn lời bác sĩ S. Ausim Azizi, Chủ tịch khoa thần kinh tại Đại học y khoa bang Philadelphia, rằng việc có một niềm đam mê riêng có tác động tốt đến chúng ta. Cụ thể, khi bạn làm những thứ khiến bạn cảm thấy tốt - như một sở thích - nó kích hoạt một vùng trong não là nucleus accumbens, thường được gọi là "trung tâm dễ chịu", vùng điều khiển "cảm nhận của chúng ta về cuộc sống". Những hoạt động mà bạn yêu thích cũng kích thích vùng vách ngăn của não - đó là vùng "cảm giác dễ chịu" - và điều này khiến bạn hạnh phúc.
Sở thích có thể gia tăng sức sáng tạo, giúp bạn suy nghĩ rõ ràng, tăng khả năng sự tập trung của bạn, Carol Kauffman từ Harvard Medical School nêu lên một lợi ích khác: "Khi bạn thật sự đắm chìm trong một sở thích, bạn mất đi nhận thức về thời gian và chìm vào trạng thái chú tâm cao độ, điều này phục hồi tâm trí và năng lượng của bạn".
"Dành thời gian cho những hoạt động vui thích kích thích những phần của não bộ liên kết với suy nghĩ sáng tạo và tích cực. Bạn trở nên nhạy cảm hơn và thông minh hơn", bác sĩ Gabriela Corá, chuyên gia về thần kinh và huấn luyện doanh nghiệp bổ sung.
Cũng phải nói thêm, việc gắn bó với một sở thích cá nhân ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và tự tôn của chúng ta. Những sở thích vốn xuất phát từ thời đại học hay thậm chí sớm hơn, gắn bó sâu sắc với những câu chuyện cuộc đời họ, chúng biểu lộ mạnh mẽ về giá trị, cá tính và cách họ định nghĩa bản thân mình.
Có rất nhiều người ngoài kia chỉ dùng công việc để định nghĩa bản thân, nên khi công việc gặp khó khăn và lao đao, chính họ cũng lao đao theo và không có gì để "bám víu" vào khi nghĩ về giá trị của mình. Và dù công việc bạn có đang tốt đẹp, việc chỉ định nghĩa mình bằng công việc gia tăng trải nghiệm lo âu, stress, thậm chí trầm cảm, theo Michelle P. Maidenberg, một nhà trị liệu tâm lý ở New York. "Khi con người chỉ phụ thuộc vào vị trí của họ tại chốn công sở để trang bị cho lòng tự tin bản thân, điều đó không thể ‘làm đầy’ họ", cô nói.
Sở thích cá nhân sẽ giúp bạn tránh được điều đó. "Nếu bạn định nghĩa mình đa dạng hơn, chẳng hạn như: nữ doanh nhân, người mẹ, người vợ, hoạ sĩ, đầu bếp, bạn có thể nhìn thành công của mình trong những thứ khác", nhà trị liệu tâm lý này kết luận.
Trí Thức Trẻ