Hé lộ nhà đầu tư nhảy vào hợp thức hơn 200 biệt thự Vạn Tuế-Sago Palm 'xây chui, bán sai'
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Được biết, người đại diện pháp luật này có mối quan hệ mật thiết với chủ cũ của dự án tai tiếng này.
Duy nhất 1 nhà đầu tư nhảy vào dự án tai tiếng Vạn Tuế-Sago Palm
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.
Theo đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty TDH Ecoland) là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án này.
Công ty TDH Ecoland là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án tai tiếng khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (huyện Văn Giang, Hưng Yên). |
Như vậy, nếu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và được chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư này sẽ tiếp quản dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden từ chủ cũ với lùm xùm sai phạm xây "chui", bán sai quy định hơn 200 biệt thự, nhà phố thu hàng trăm tỷ đồng trên đất nhà máy sản xuất gạch Tuynel.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư đối với dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Dự án có diện tích khoảng 51.513 m2, nằm trên địa bàn xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên); tổng vốn đầu tư dự án hơn 927 tỷ đồng.
Theo đó, vị trí khu đất có phía bắc giáp Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark), phía nam giáp đất tiểu thủ công nghiệp xã Phụng Công, phía đông giáp Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark), phía tây giáp hành lang đê sông Hồng (tỉnh lộ 195).
Quy mô dân số khoảng 881 người; dự án có các hạng mục gồm xây dựng 46 căn nhà ở biệt thự, 159 căn nhà ở liền kề, nhà câu lạc bộ có tổ hợp bao gồm dịch vụ vui chơi giải trí, thể dục thể thao….
Về hiện trạng khu đất dự án, khoảng 5,07ha là đất sản xuất phi nông nghiệp, hiện do Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) quản lý sử dụng và có khoảng 770 m2 diện tích đất là kênh ven biên giữa dự án và khu đô thị Ecopark. Nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm mua lại tài sản của chủ sử dụng đất (theo hình thức thỏa thuận) và thanh toán các khoản hoàn trả ngân sách nhà nước của chủ sử dụng đất cũ (nếu có) để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Được biết, dự án này trước đây do Công ty Đại Hưng làm chủ đầu tư, mục tiêu ban đầu là đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel. Tuy nhiên, sau đó dù mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương nhưng Công ty Đại Hưng ngang nhiên xây "chui", bán sai quy định hơn 200 biệt thự, nhà phố thu hàng trăm tỷ đồng. Trước sai phạm nghiêm trọng của dự án, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chấm dứt hoạt động của dự án và phải loay hoay chạy theo nhà đầu tư để hợp thức hóa cho sai phạm.
Hé lộ về ông chủ Công ty TDH Ecoland
Quảng Cáo
Theo tìm hiểu của PV, Cty TDH Ecoland được thành lập ngày 30/3/2017, hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB (sở hữu 59,75% vốn điều lệ); Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hồng Phong (sở hữu 30%) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (sở hữu 10%). Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại Khu đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Lùm xùm sai phạm xây "chui", bán sai quy định hơn 200 biệt thự, nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden thu hàng trăm tỷ đồng trên đất nhà máy sản xuất gạch Tuynel sắp được hợp thức. |
Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Công Hồng (1960). Ông Hồng được biết đến là Phó tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản lớn. Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hồng còn đại diện cho hàng loạt doanh nghiệp khác như: Công ty CP đầu tư Ecopark Hải Dương; Công ty CP đầu tư môi trường Huy Hoàng Eco; Công ty CP đầu tư và phát triển KCN Ecoland…
Trong khi đó, Công ty Đại Hưng chủ cũ dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden có trụ sở tại Thôn Đầu (xã Phụng Công, huyện Văn Giang). Đáng chú ý, Ông Nguyễn Công Huy - vị chủ tịch Hội đồng quản trị hiện tại của Công ty Đại Hưng có tuổi đời còn khá trẻ khi sinh năm 1990. Theo nguồn tin ông Nguyễn Công Huy là con trai ông Nguyễn Công Hồng.
Như vậy, có thể thấy, đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên hợp hóa cho sai phạm của Công ty Đại Hưng tại dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.
Liệu năng lực, kinh nghiệm của Công ty TDH Ecoland có đáp ứng để trở thành chủ đầu tư chính thức dự án Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden và hoàn tất việc hợp thức những sai phạm nghiêm trọng tại dự án này?
Hồi tháng 4/2020, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden đã chỉ ra loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án.
Theo đó, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý dự án; chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đã tự ý thực hiện phá dỡ toàn bộ các hạng mục của dự án "Nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel"; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng phần thô hơn 200 căn biệt thự, nhà phố và một phần hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, cây xanh, cấp thoát nước trong khuôn viên dự án và ký hợp đồng hợp tác đầu tư, mua bán nhà ở với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.
Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành để xảy ra sai phạm, tồn tại tại dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Cụ thể, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định.
UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Tiền phong