MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ thân thế 3 doanh nghiệp xăng dầu vừa bị kiểm tra, xử phạt

Tổng cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt một số thương nhân đầu mối gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty Cổ phần Appollo Oil, Công ty TNHH Trung Linh Phát do có nhiều vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Theo thông tin của PV Tiền Phong , cả 3 doanh nghiệp đầu mối này gây chú ý đặc biệt trong hơn một năm qua khi được nhắc đến nhiều trong các vụ việc liên quan đến xăng dầu. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức của đã bị Thanh tra Chính phủ nêu đích danh về việc vi phạm trong sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Các tài liệu liên quan đến vụ việc của công ty Thiên Minh Đức sau đó cũng được chuyển sang cơ quan điều tra, Bộ Công an, để xem xét và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu cùng với 2 đầu mối khác là Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền gần 940 tỷ đồng từ hàng loạt tài khoản ngân hàng của Công ty Tập đoàn Thiên Minh Đức để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Hé lộ thân thế 3 doanh nghiệp xăng dầu vừa bị kiểm tra, xử phạt- Ảnh 1.

Trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức tại số 2A, đường Lê Mao, thành phố Vinh, Nghệ An.

Công ty Cổ phần Appollo Oil và Công ty TNHH Trung Linh Phát là 2 cái tên gây chú ý trong giới kinh doanh xăng dầu trong 2 năm trở lại đây khi bị Bộ Tài chính nêu đích danh trong danh sách loạt doanh nghiệp đầu mối vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định và không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu .

Công ty Cổ phần Appollo Oil (địa chỉ 461 Cộng Hòa, Phường 15, Tân Bình, TPHCM) với Chủ tịch HĐQT là ông Ngô Nhật Phương khiến các doanh nghiệp xăng dầu trong ngành bất ngờ khi là đơn vị được cấp phép ngay khi thị trường xăng dầu của Việt Nam có nhiều bất ổn năm 2022. Trong thời gian năm 2022 và 2023 công ty bị chú ý do duy trì hoạt động kinh doanh bằng việc mua xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối khác nên không phát sinh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu . Sau khi bị nêu tên, đến đầu tháng 10/2023, Appollo Oil mới nhập khẩu lô xăng dầu đầu tiên.

Công ty TNHH Trung Linh Phát cũng là công ty gây chú ý khi năm 2021, doanh thu của Công ty TNHH Trung Linh Phát tăng vọt từ 3.104 tỷ đồng lên 7.749 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là… 144 triệu đồng. Cùng với lợi nhuận èo uột, Công ty TNHH Trung Linh Phát dù là đầu mối nhưng cũng bị Bộ Công Thương chỉ rõ vi phạm khi có tên trong danh sách các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu dầu Diesel thấp hơn hạn mức nhập khẩu dầu được Bộ Công Thương phân giao năm 2021 tại Công văn số 8266 ngày 22/12/2021. Công ty này cũng không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.

Đến năm 2022, Công ty TNHH Trung Linh Phát một lần nữa bị Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương chỉ rõ có vi phạm trong việc không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao với mặt hàng xăng. Công ty cũng bị phát hiện không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân và sau đó cũng bị phạt số tiền lên tới 200 triệu đồng.

Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã phải có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Trung Linh Phát nộp lại số tiền hơn 26 tỷ đồng nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường , riêng trong tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 309 doanh nghiệp và xử lý 54 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc nhiều tầng nấc khác nhau, từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cho đến doanh nghiệp bán lẻ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử phạt và yêu cầu nộp ngân sách nhà nước, gồm cả số tiền buộc nộp lại bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính là trên 1,3 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, số tiền phát hiện vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và bị xử phạt nộp ngân sách hơn 8,3 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp bị xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tính từ đầu năm đến hết tháng 7 là 247 trường hợp.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm chủ yếu của các doanh nghiệp xăng dầu là không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy , chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định. Nhiều doanh nghiệp có tình trạng mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định.


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên