Hệ lụy từ thỏa thuận lương một đằng, hưởng một nẻo
Mức lương giao kết trong hợp đồng lao động thấp hơn lương thực tế khiến không ít người lao động thiệt thòi khi hưởng các chế độ BHXH
- 24-10-2024Không nghỉ phép năm, trường hợp nào người lao động được hưởng lương?
- 23-10-2024Truy tố nữ giám đốc chiếm đoạt tiền tỷ của người muốn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
- 22-10-2024Nên cho người lao động nghỉ việc trái quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Mới đây, chị Phạm Thị Thanh Thủy, công nhân (CN) một công ty may tại huyện Hóc Môn (TP HCM), bị tai nạn giao thông trên đường đi làm. Khi vô bệnh viện thăm khám, bác sĩ chỉ định cho chị nghỉ hưởng chế độ BHXH 5 ngày.
Không dám nghỉ hưởng chế độ ốm đau
Dù cả người ê ẩm sau va chạm nhưng chị Thủy vẫn quyết định trở lại làm việc luôn mà không nghỉ hưởng chế độ ốm đau.
Chị Thủy cho biết nếu không tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), mức lương cơ bản của chị chỉ hơn 5,3 triệu đồng (bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% đã qua đào tạo). Số tiền còn lại là tổng các khoản phụ cấp chuyên cần, xăng xe, nhà trọ, nuôi con nhỏ…
Công ty đóng BHXH căn cứ mức lương theo HĐLĐ, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, chị Thủy được hưởng 75% mức đóng. Chị Thủy tính toán mỗi ngày nghỉ hưởng chế độ BHXH, chị sẽ mất khoảng 165.000 đồng, nghỉ 5 ngày sẽ mất 625.000 đồng. Chưa kể chị sẽ bị trừ tiền chuyên cần 500.000 đồng/tháng. "Trong tháng 10, tôi đã nghỉ chăm con gần cả tuần, nay nếu nghỉ nữa thì đến kỳ lương, số tiền nhận được không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Còn nếu ráng đi làm, ngoài bảo toàn thu nhập thực tế, tôi có thể tranh thủ tăng ca để kiếm thêm" - chị Thủy bộc bạch.
Tương tự, trừ khi phải nhập viện điều trị hoặc hoàn cảnh ngặt nghèo lắm, ông Võ Quốc Quân, CN cơ khí một doanh nghiệp (DN) tại huyện Nhà Bè, TP HCM, mới dám nghỉ làm. Theo phiếu lương hằng tháng, tiền lương của ông Quân có 2 mục gồm lương cơ bản là 5,7 triệu đồng/tháng (ghi trong HĐLĐ và đóng BHXH) và tổng lương 15 triệu đồng/tháng (để tính lương ngày công thực tế).
Ngoài ra, căn cứ sản lượng và mức độ chuyên cần, ông Quân còn được nhận khoản thưởng năng suất (2-5 triệu đồng/tháng). Nếu nghỉ 1 ngày, khoản thưởng năng suất không được tính. Chính vì sự chênh lệch lớn giữa lương thực tế và lương đóng BHXH nên những lúc cần nghỉ ông phải cân nhắc.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, hiện nay tình trạng các DN cố tình lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Mức tiền lương, tiền công làm cơ sở trích đóng BHXH chủ yếu theo lương tối thiểu. Bên cạnh đó, nhiều DN cố tình vận dụng các khoản không phải đóng để trốn mức đóng BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến mức tiền lương tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ) thấp.
Trong khi đó, NLĐ một mặt do sức ép việc làm, một mặt do chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách nên chưa dám có ý kiến với chủ sử dụng lao động, thậm chí thỏa thuận với chủ DN để không phải nộp BHXH, BHTN, BHYT. Giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6-2024, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã yêu cầu các DN đóng bổ sung trên 4.000 lao động chưa tham gia, đóng chưa đủ thời gian; đóng bổ sung cho trên 3.349 lao động đóng chưa đúng mức lương.
Bài học từ thực tiễn
Khi thỏa thuận lương trong HĐLĐ một đằng nhưng trả một nẻo, NLĐ sẽ là bên gánh mọi thiệt thòi. Lương thấp, đóng BHXH thấp dẫn đến quyền lợi hưởng các chế độ BHXH thấp theo. Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp, NLĐ cũng khó bảo vệ được quyền lợi của mình.
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, khi ký HĐLĐ, NLĐ luôn muốn đóng BHXH ở mức thấp nhất. Nhưng khi xảy ra tranh chấp, NLĐ lại muốn hưởng quyền lợi ở mức cao (lương thực nhận). Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, căn cứ để tòa án giải quyết là mức lương ghi trên HĐLĐ. Do vậy, NLĐ cần phải nhận thức được rằng họ đóng BHXH thế nào sẽ được hưởng các quyền lợi BHXH và các khoản bồi thường khi xảy ra tranh chấp tương xứng, không có chuyện đóng thấp, hưởng cao.
Trường hợp của ông V.V.T, tổ trưởng chuyền may Công ty TNHH B.R (tỉnh Bình Dương), là một ví dụ. Trước đó, ông T. đã ký HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm với công ty (từ ngày 1-12-2021 đến 30-11-2022). Theo HĐLĐ, tiền lương cơ bản của ông T. là 6 triệu đồng/tháng, tiền chuyên cần 400.000 đồng/tháng, tiền xăng xe 2 triệu đồng/tháng, tiền điện thoại 1 triệu đồng/tháng, phụ cấp nhà ở 3 triệu đồng/tháng, tiền thưởng năng suất 3,6 triệu đồng/tháng.
Lương hằng tháng thực nhận là 16 triệu đồng/tháng. Đến ngày 2-12-2022, công ty thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông T. Cho rằng bị DN đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định, ông T. khởi kiện yêu cầu bồi thường tổng số tiền 308 triệu đồng (căn cứ tính trên mức lương thực nhận).
Tại phiên xử phúc thẩm do TAND tỉnh Bình Dương tổ chức vừa qua, Hội đồng xét xử nhận định công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với ông T. Song, việc xác định mức lương để tính bồi thường 16 triệu đồng/tháng là chưa phù hợp. Bởi lẽ, HĐLĐ chỉ có tiền lương cơ bản là khoản cố định phải đóng BHXH; các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không cố định (không đóng BHXH). Khi công ty khai báo đóng BHXH trên số mức lương 6 triệu đồng, ông T. biết nhưng vẫn chấp nhận. Do vậy, căn cứ trên mức lương cơ bản, tòa phán quyết buộc DN bồi thường cho ông T. hơn 83 triệu đồng.
Tăng cường kiểm tra, đối chiếu
Đại diện BHXH TP HCM cho biết thời gian tới, BHXH thành phố sẽ liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý DN, quản lý lao động giữa các cơ quan (Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an...) để xác định chính xác số DN, NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, từ đó yêu cầu đóng đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đối chiếu thu tại cơ sở, quản lý đơn vị chặt chẽ về người tham gia, mức đóng và phương thức đóng, qua đó nắm bắt được tình hình kinh doanh của DN để thu đúng, thu đủ.
BHXH TP HCM cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra về lao động, HĐLĐ, thang bảng lương từ dữ liệu thuế tại các DN để kịp thời chấn chỉnh và kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm quy định pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Người lao động