Hé mở năng lực của liên danh Geleximco - SCIC - ITC đang muốn làm “siêu cảng” cái mép 50.820 tỷ đồng?
Tham vọng làm dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép với tổng vốn 50.820 tỷ đồng, quy mô 351 ha, có thể đón tàu biển lớn nhất thế giới, Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền khẳng định liên danh đủ năng lực để triển khai đầu tư xây dựng Dự án phù hợp với quy hoạch mới.
Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) mới đây đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Giai đoạn 1 (2024-2030) đầu tư 2 bến với tổng chiều dài 0,9 km cho tàu tải trọng đến 250.000 DWT.
Vị trí cảng thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở cửa sông, có luồng hàng hải rộng và sâu, cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 50.820 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng liên danh nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Thông tin với báo chí, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, 3 thành viên trong Liên danh rất quyết tâm khi đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu và đề xuất đầu tư Dự án gửi đến các cấp có thẩm quyền trong nhiều năm qua.
“Liên danh SCIC - Geleximco - ITC sẽ cam kết giải quyết được các vướng mắc khó khăn của nhà đầu tư cũ và có đủ năng lực để triển khai đầu tư xây dựng Dự án phù hợp với quy hoạch mới”, ông Vũ Văn Tiền khẳng định.
Trên thực tế, “ông lớn” Geleximco không xa lạ gì với ngành khai thác cảng, logistics cũng như kinh nghiệm trong việc liên doanh với nhà khai thác cảng quốc tế. Geleximco là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân, đơn vị liên doanh với nhà khai thác cảng lớn nhất của Mỹ là SSA Marine để khai thác cảng quốc tế Cái Lân (CICT). Song hành cùng Geleximco tiếp cận dự án là Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC), nhà khai thác cảng SP-ITC – một cảng container đang vận hành khá hiệu quả tại TPHCM.
Trước đó, siêu cảng Cái Mép Hạ cũng được được nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước quan tâm như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel,…
Về sức khỏe tài chính của Tập đoàn Geleximco , theo cập nhật mới nhất của doanh nghiệp trên Cổng thông tin trái phiếu HNX, Geleximco chỉ lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.
Cụ thể, theo văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn Geleximco – CTCP cho biết chỉ lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ lãi hơn 337 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 95%.
Tuy lợi nhuận giảm, nhưng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty lại giảm từ 2.22 hồi 30/06/2022 xuống còn 2.2 vào 30/06/2023. Hệ số dư nợ trả phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 0.39 xuống còn 0.36. Đến thời điểm hiện tại (4/6/2024), theo HNX, Geleximco đã sạch nợ trái phiếu.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) được thành lập theo Giấy phép kinh doanh số 4103000485 do Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 05 tháng 07 năm 2001.
Mặc dù khá kín tiếng trong việc công bố kết quả sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, đến nay, theo giới thiệu, ITC đã trở thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành vận tải biển, khai thác cảng biển, logistics và thương mại tại Việt Nam.
ITC sở hữu Cảng container quốc tế SP-ITC, một cánh cửa xuất nhập khẩu hàng container hàng đầu tại TPHCM và một trung tâm giao thương hàng hóa với công suất khai thác hàng triệu TEU mỗi năm.
Về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) , theo thông tin công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của SCIC, tổng doanh thu lũy kế đến 31/12/2023 ước đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch năm 2023.
Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, bằng 133% kế hoạch 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.695 tỷ đồng, bằng 230% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng bằng 221% kế hoạch năm 2023.
Bộ GTVT lưu ý chủ đầu tư cần chứng minh năng lực
Việc Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ theo quy trình sẽ có ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, đến nay, Liên danh đã nhận được chủ trương khá thuận lợi của các cấp.
Đối với Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT), trong văn bản gửi Chính phủ tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc liên danh nhà đầu tư đề xuất giai đoạn 1 là phù hợp với quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cảng biển về quy mô cỡ tàu, công năng và lộ trình đầu tư bến cảng.
“Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc này góp phần phát huy định hướng quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt (cửa ngõ quốc tế). Đồng thời khắc phục được hạn chế trong việc đầu tư, khai thác nhỏ lẻ tại một số khu vực cảng biển thời gian qua”, Công văn số 5567/BGTVT-KHĐT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ.
Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 50.820 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng liên danh nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Theo các thông tin công khai, hiện cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 bến cảng với chức năng khai thác hàng container công suất quy hoạch đến năm 2020 đạt 7,66 triệu Teu/năm. Trong khi đó, lượng hàng container trung bình 3 năm vừa qua qua các bến cảng đã đạt trên 8 triệu Teu/năm. Như vậy, lượng hàng container thông qua đã vượt quá công suất thiết kế của các bến container.
Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu) được Chính phủ xác định thuộc các dự án bến cảng biển ưu tiên đầu tư đến năm 2030. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc sớm triển khai đầu tư các bến cảng khu vực Cái Mép Hạ theo quy hoạch là cần thiết.
Trước đó, giữa tháng 5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu đề xuất dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ của liên danh nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng.
Nhịp sống thị trường