MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ số an toàn vốn các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam gần gấp đôi các ngân hàng Việt

16-06-2023 - 10:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Hệ số an toàn vốn các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam gần gấp đôi các ngân hàng Việt

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữa các nhóm ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 3/2023, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 18,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,45% so với đầu năm. Vốn điều lệ hệ thống đạt 877.951 tỷ đồng, tăng 0,11%. Tương quan tổng tài sản và vốn điều lệ ở nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng cổ phần có sự chênh lệch rất lớn.

Cụ thể, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Oceanbank, CBBank, GPBank) cuối tháng 3 là hơn 7,7 triệu tỷ đồng, gần bằng với tổng tài sản của hơn 20 ngân hàng cổ phần còn lại (gần 8,2 triệu tỷ đồng).

Tuy nhiên, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt tới gần 470 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2 lần các ngân hàng thương mại nhà nước (hơn 190 nghìn tỷ).

Trong những năm gần đây, vốn điều lệ của các ngân hàng tư nhân tăng với tốc độ chóng mặt, chủ yếu nhờ hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, dùng lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ. Điển hình như VPBank chỉ trong 3 năm tăng 2,6 lần lên hơn 67.400 tỷ, cao nhất hệ thống hiện nay. SHB cũng ghi nhận vốn điều lệ tăng gần 2 lần sau 3 năm; ACB, MB tăng gấp rưỡi,…

Các ngân hàng trong nhóm Big 4 (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) có tăng vốn điều lệ nhưng với tốc độ rất chậm. Dù có kế hoạch tăng vốn nhưng hầu như việc triển khai còn chậm và gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, Agribank có vốn điều lệ quanh mốc 30.000 tỷ suốt từ năm 2014 đến nay, hiện chỉ còn đứng Top 9, dù về tổng tài sản là nhất nhì hệ thống.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giữa các nhóm ngân hàng cũng có sự chênh lệch khá lớn. Số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41 (áp dụng tiêu chuẩn của Basel II) của các NHTM Nhà nước cuối tháng 3/2023 là 9,34%, chỉ nhỉnh hơn so với yêu cầu tối thiểu 8%. Lưu ý số liệu này đã loại bỏ các ngân hàng có vốn tự có âm (3 ngân hàng “0 đồng”).

Tỷ lệ CAR của nhóm NHTM cổ phần đạt 11,93% vào cuối tháng 3/2023. Được biết, chênh lệch giữa các ngân hàng trong nhóm này cũng rất lớn. Ghi nhận vào cuối năm 2022, chỉ một số nhà băng công bố CAR đạt trên 12% như Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, ACB, VIB, MB,…

Đáng chú ý, tỷ lệ CAR theo Thông tư 41 của nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đạt tới 20,94%, gần gấp đôi mức bình quân các ngân hàng Việt. Tỷ lệ này cũng được cải thiện so với mức 19,16% ghi nhận vào cuối năm 2022.

Hệ số an toàn vốn các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam gần gấp đôi các ngân hàng Việt - Ảnh 1.

Tỷ lệ an toàn vốn của các nhóm ngân hàng cuối tháng 3/2023

Được biết, theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025", ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

Theo Chứng khoán VNDirect, hệ số CAR của các ngân hàng Việt đã ghi nhận cải thiện tốt trong những năm gần đây khi từng bước tiến tới những tiêu chuẩn của Basel III và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Tuy nhiên, VNDirect cũng lưu ý, bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân. Theo VNDirect, tỷ lệ an toàn vốn CAR của các nước trong khu vực ASEAN cuối năm 2022 đều cao hơn khá nhiều so với Việt Nam. Chẳng hạn, CAR bình quân của Indonesia là 22,6%, của Philippines là 17,2%, của Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia 18,5%.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên