MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI của Việt Nam thua cả Lào, Campuchia!

Đó là thông tin được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Viêt Nam cho biết tại buổi nói chuyện chuyên đề về thu hút đầu tư vào Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 28/2!

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được thế hệ các nhà công nghiệp!

Sáng 28/2, tại buổi nói chuyện chuyên đề về “Đẩy mạnh thu hút đầu tư sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, sau 30 năm đổi mới, trong cả nước đã có gần 1,2 triệu doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập.

Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI của Việt Nam thua cả Lào, Campuchia! - Ảnh 1.
Buổi nói chuyện chuyên đề về “Đẩy mạnh thu hút đầu tư sau Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 28/2 (Ảnh: HC)

Tuy nhiên để “nhìn cho kỹ, nhận dạng cho chính xác về thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay để có cách vượt lên và có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn”, TS Vũ Tiến Lộc cho hay, cả nước hiện chỉ có hơn 561.000 DN đang hoạt động; tỉ lệ DN rời thị trường hàng năm lớn hơn 50% số DN thành lập mới. Tại Việt Nam hiện nay, bình quân 154 người dân có 1 DN trong khi ở các nước phát triển thì tỉ lệ này là 10 – 20 người dân/1 DN.

“Đặc biệt, rất đáng lưu ý là mặc dù GDP tăng trưởng, nguồn thu của nhà nước qua thuế tăng lên nhưng 60% DN Việt Nam kinh doanh không có lãi. Con số này không thay đổi suốt những năm qua, hoặc chỉ thay đổi 1 – 2%. Trong khi đó qua khảo sát các nhà đầu tư thì có tới 60% DN FDI ở Việt Nam kinh doanh có lãi, đảo ngược hoàn toàn so với con số của DN trong nước. Đây là vấn đề rất lớn cho sự phát triển bền vững của DN Việt Nam!” – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo ông, trong một nền kinh tế hiện đại thì đóng góp của DN vào GDP phải chiếm tỉ trọng cao nhất, vì DN là hình thức tổ chức hiện đại, hiệu quả nhất. “Trong khi đó ở nước ta, khu vực tư nhân đóng góp 40% GDP, nhưng 32% trong số đó là do kinh tế cá thể, do các hộ kinh doanh; còn DN ồn ào thế, đông đảo thế mà chỉ đóng góp chiếm 8% GDP. Điều đó cho thấy chất lượng, hiệu quả của cộng đồng DN Việt Nam không cao!” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông nêu rõ, DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phần lớn kinh doanh trong khu vực phi chính thức (ước tính có thể chiếm tới 30% GDP). Đây là tỉ lệ rất cao. Và sau 30 năm đổi mới thì Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp.

Chuyển giao công nghệ từ FDI thua cả Lào, Campuchia

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, Việt Nam rất tự hào về kết quả xuất khẩu của nền kinh tế, nhưng có đến 73% giá trị xuất khẩu thuộc về DN FDI. Họ chỉ coi Việt Nam như là xưởng gia công, họ nhập khẩu đầu vào, xuất khẩu đầu ra, còn ta chỉ hưởng tiền gia công. Giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu của DN FDI tại Việt Nam chỉ 10 – 20%, chưa bằng một nửa của Thái Lan (45%).

Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI của Việt Nam thua cả Lào, Campuchia! - Ảnh 2.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thuyết trình tại buổi nói chuyện chuyên đề do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 28/2 (Ảnh: HC)

“Xuất khẩu của chúng ta làm được gì cho các tập đoàn xuyên quốc gia? Đến nay, hầu như chúng ta mới chỉ làm được những việc rất nhỏ, như trong sản xuất ô tô thì làm được ghế đệm, trong sản xuất các mặt hàng khác thì làm được bao bì carton, vỏ nhựa… Đó là thực trạng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, cũng là thực trạng của mối liên kết giữa FDI với nền kinh tế Việt Nam!” – TS Vũ Tiến Lộc cho hay.

Và ông đưa ra kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy: Khu vực FDI cứ như “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam, không liên kết được với các DN nội địa. Hệ số chuyển giao công nghệ từ các DN FDI sang các DN nội địa của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trên thế giới, đứng thứ 87 trong số 137 nền kinh tế được khảo sát.

“Thậm chí chúng ta thua cả Lào, Campuchia. Lào và Campuchia thì DN FDI chuyển giao công nghệ cho DN trong nước tốt hơn chúng ta. Hiện hệ số chuyển giao công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước của Việt Nam chỉ đứng trên Brunei – nền kinh tế khá chủ yếu dựa vào dầu mỏ.

Đó là do chúng ta chưa có lực lượng DN vừa và nhỏ nội địa đủ mạnh, đạt chuẩn mực để có thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN FDI vào Việt Nam rất vất vả tìm các nhà cung cấp địa phương nhưng không có. Đó cũng là một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam!” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Khả năng bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của Việt Nam chỉ đang ở nhóm… sơ khai!

Theo TS Vũ Tiến Lộc, hiện dân số Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đang đứng thứ 50, bình quân GDP trên đầu người đứng thứ 134. Năng suất lao động chỉ bằng 7% của Singapore, chưa bằng 20% của Malaysia, bằng 36% của Thái Lan, và thậm chí thấp hơn Lào, chỉ bằng 87%. Chúng ta làm du lịch, làm thương hiệu gạo còn thua cả Campuchia…

“Đây là những đánh giá cho thấy chất lượng tăng trưởng của chúng ta, năng lực cạnh tranh của chúng ta rất thấp. Đây chính là điều cảnh báo. Chúng ta nói rất nhiều về công nghiệp 4.0 nhưng làm chẳng bao nhiêu. Lẽ ra nên nói ít thôi mà làm cho cụ thể thì tốt hơn. Theo WEF thì khả năng bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của Việt Nam thuộc nhóm cuối cùng.

Mới đây, WEF lần đầu tiên đưa ra chỉ số để nói lên khả năng có thể bắt nhịp với công nghiệp 4.0 của các nền kinh tế trên thế giới. Gồm có 4 nhóm là nhóm dẫn đầu, nhóm có tiềm năng cao, nhóm có tiềm năng và nhóm sơ khai. Ở Đông Nam Á, Singapore, Malaysia thuộc nhóm dẫn đầu; Philippines, Thái Lan thuộc nhóm tiềm năng; còn Việt Nam đứng thứ 53/150 nền kinh tế được xếp hạng, cùng với Campuchia, Indonesia thuộc vào nhóm sơ khai!

Chúng ta phải định vị mình đang đứng ở đâu, các địa phương, các DN Việt Nam đứng ở đâu, nền kinh tế Việt Nam đứng ở đâu?" – TS Vũ Tiến Lộc nói.

Theo Hải Châu

Infonet

Trở lên trên