MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid?

08-07-2022 - 17:27 PM | Doanh nghiệp

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid?

Trong 2 năm dịch bệnh, Vinpearl ghi dấu ấn với việc khai trương thành phố “không ngủ” Phú Quốc United Center và công viên chủ đề lớn nhất nước VinWonders Phú Quốc.

Liên tục mở rộng, tham vọng top 10 hệ thống khách sạn – vui chơi giải trí hàng đầu thế giới

Vinpearl là 1 trong 2 mảnh ghép đầu tiên hình thành nên Tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ). Tiền thân của Vingroup là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ukraine. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Trong đó, Vinpearl thành lập năm 2001, là công ty đầu tiên trong hệ thống Vingroup và được thành lập trước cả công ty mẹ hiện nay. Đây là đơn vị hoạt động trong mảng du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, với tỷ lệ sở hữu của Vingroup duy trì gần như 100%.

Nhìn lại cả quá trình phát triển có thể thấy khởi đầu từ tổ hợp Vinpearl Resort Nha Trang, Vinpearl đã phát triển rất mạnh các năm qua. Số khách sạn, biệt thự tăng mạnh giai đoạn 2016 – 2019 từ 9 lên 33 và chững lại trong 2 năm dịch bệnh. Tuy nhiên, số phòng khách sạn và biệt thự vẫn liên tục tăng.

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid? - Ảnh 1.

Đơn vị: phòng/cơ sở

Theo báo cáo thường niên 2021 của Vingroup, hệ thống Vinpearl gồm 34 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với tổng số gần 17.7000 phòng, chủ yếu đặt tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Hạ Long, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cam Ranh, Cần Thơ, và Phú Quốc.

Ngoài ra Vinpearl còn sở hữu chuỗi trung tâm ẩm thực – hội nghị với các thương hiệu Vinpearl Convention Center (Phú Quốc), Almaz (Hà Nội), Imperial Club (Nha Trang). Ở mảng vui chơi giải trí, VinWonders có các chuỗi khu vui chơi ngoài trời, trong nhà và công viên chăm sóc và bảo tồn động vật ở Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Grand World…

Trong 2 năm dịch bệnh, dù tốc độ mở rộng chững lại nhưng Vinpearl vẫn ghi dấu ấn với việc khai trương siêu quần thể nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí hàng đầu Đông Nam Á – Phú Quốc United Center. Quần thể có quy mô hơn 1.000 ha với hàng nghìn hạng mục vui chơi giải trí kỷ lục và hệ sinh thái nghỉ dưỡng, mua sắm hoạt động 24/7. Phú Quốc United Center phát triển theo mô hình thành phố “không ngủ” tại Việt Nam. Vingroup kỳ vọng sẽ đưa Phú Quốc trở thành “điểm đến quốc tế mới” tại châu Á, sánh ngang với các thành phố sôi động hàng đầu thế giới như Jeju (Hàn Quốc), Clarke Quay (Singapore), Las Vegas (Mỹ).

Bên cạnh đó, hệ thống vui chơi giải trí của tập đoàn cũng được tái định vị và đổi tên từ Vinpearl Land thành VinWonders. Vingroup đặt mục tiêu phát triển mạnh chuỗi VinWonders thành chuỗi công viên chủ đề có quy mô và tầm cỡ quốc tế. Trong năm 2020, tập đoàn khai trương VinWonders Phú Quốc (giai đoạn 1) được Hội kỷ lục Việt Nam xác nhận là công viên chủ đề lớn nhất nước.

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid? - Ảnh 2.

VinWonders Phú Quốc là công viên chủ đề lớn nhất Việt Nam.


Trong giai đoạn tiếp theo, tập đoàn cho biết đang cân nhắc đầu tư mở rộng dự án nghỉ dưỡng mới tại vị trí du lịch chiến lược và khách sạn tại trung tâm thành phố. Vinpearl đang giữ vị trí số 1 tại Việt Nam và Vingroup đặt mục tiêu nằm trong top 10 hệ thống khách sạn – vui chơi giải trí hàng đầu thế giới.

Với mục tiêu đó, đầu năm nay,, Vinpearl đã hợp tác với Tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Meliá Hotels International. Theo thỏa thuận, Vinpearl sẽ hợp tác chuyển giao quyền quản lý 12 khách sạn, khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International trong thời hạn tối thiểu 10 năm. Chuỗi 12 khách sạn sau chuyển giao sẽ mang thương hiệu mới “Meliá Vinpearl”, tương tự các chuỗi thương hiệu tiêu chuẩn 5 sao toàn cầu khác như Meliá Hotels & Resorts, Sol by Meliá và INNSiDE by Meliá.

Lỗ hơn 20.000 tỷ đồng trong 2 năm dịch bệnh

Hoạt động trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh, Vinpearl cũng không tránh khỏi kết quả kinh doanh giảm sút nghiêm trọng. Số đêm khách lưu trú giảm mạnh trong 2020 và 2021 xuống lần lượt 2,2 và 2 triệu đêm khách từ mức 4,9 triệu đêm khách, chủ yếu là khách nội địa chiếm tỷ trọng 60-80%. Trong khi các năm trước, khách nước ngoài chiếm đến trên 70% và chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Tương tự, lượt khách đến khu vui chơi giải trí VinWonders cũng giảm sâu từ 5,8 triệu lượt 2019 về 2,9 triệu lượt 2020 và 1,1 triệu lượt 2021.

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid? - Ảnh 3.

Nguồn: Vingroup


Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, doanh thu công ty du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí bị giảm mạnh từ mức 13.512 tỷ đồng năm 2019 xuống 3.049 tỷ đồng năm 2021. Doanh thu giảm sâu nhưng các chi phí vận hành, khấu hao, bảo trì cũng như cam kết lợi nhuận theo mô hình condotel các dự án BĐS nghỉ dưỡng vẫn phải chi ra khiến khoản lỗ sau thuế tăng vọt từ gần 4.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Vingroup được cho là doanh nghiệp tiên phong đưa căn hộ condotel trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. Tập đoàn cung cấp dịch vụ quản lý và cho thuê biệt thự cho khách hàng mua biệt thự, căn hộ khách sạn. Theo đó, trong vòng 10 năm đầu kể từ ngày biệt thự được bàn giao hay 4 năm đầu kể từ ngày căn hộ khách sạn được bàn giao, khách hàng được chủ đầu tư cam kết thanh toán phần thu nhập cho thuê các bất động sản theo thỏa thuận đã ký.

Tính đến cuối năm 2021, Vinpearl có khoản lỗ lũy kế 23.559 tỷ đồng (~ 1 tỷ USD), riêng 2020 và 2021 là 20.300 tỷ đồng.

Hệ thống khách sạn - vui chơi lớn nhất Việt Nam kinh doanh như thế nào sau 2 năm Covid? - Ảnh 4.

Đơn vị: tỷ đồng


Ngược lại, quy mô tổng tài sản Vinpearl liên tục được mở rộng, từ mức 46.057 tỷ đồng lên 64.685 tỷ đồng. Nguồn tài trợ chủ yếu đến từ công ty mẹ. Cụ thể, chỉ trong 3 năm, Vingroup đã rót hàng chục nghìn tỷ đồng cho Vinpearl để tăng vốn điều lệ từ 6.512 tỷ đồng lên 26.525 tỷ đồng.

Triển vọng của Vinpearl nói riêng và ngành du lịch nói chung khá sáng khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, du lịch được mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3. Theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, du lịch được định hướng là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế, đóng góp trên 10% cho GDP trong tương lai. Trong dài hạn, ngành du lịch sẽ nhanh chóng tăng trưởng trở lại khi Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn du khách với nhiều thắng cảnh, văn hóa và ẩm thực phong phú cùng yếu tố địa chính trị ổn định.

Theo số liệu Tổng cục du lịch, trong 6 tháng đầu năm, tổng khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt khách, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 1,3 lần so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Khách quốc tế ghi nhận hơn 600.000 lượt, tăng mạnh nhưng vẫn giảm tới 93% so với cùng kỳ 2019.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên