Helicopter money - Khi tiền từ trên trời rơi xuống
Ý tưởng "tiền trực thăng" đang một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ vì hiện nay các NHTW đã sử dụng gần như toàn bộ các công cụ kích thích kinh tế nhưng kinh tế toàn cầu vẫn "dậm chân tại chỗ".
- 09-03-2016Fed đang triển khai chính sách tiền tệ "Made in China"?
- 07-12-2013Kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng sắp kết thúc?
- 08-09-2013Già hóa đang triệt tiêu chính sách tiền tệ?
Cụm từ “tiền trực thăng” nghe giống với một khoản công tác phí ở các quỹ đầu cơ. Tuy nhiên, đây lại là một phương pháp tiếp cận mới của chính sách tiền tệ, trong đó Chính phủ in tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu công hoặc trực tiếp đưa tiền mặt cho người dân. Đây là cách tiếp cận táo bạo và khác xa so với cách bơm tiền gián tiếp vẫn được sử dụng theo truyền thống.
Ý tưởng “tiền trực thăng” là của Milton Friedman – cha đẻ của chủ nghĩa tiền tệ (monetarism)* và là người nổi tiếng với câu nói từ năm 1969 rằng các NHTW không bao giờ thất bại trong việc tăng cung tiền vì họ luôn luôn có thể in thêm tiền. Ý tưởng này lại trỗi dậy một lần nữa vào đầu những năm 2000, khi các nhà kinh tế chật vật giải câu đố làm thế nào để cứu kinh tế Nhật Bản thoát khỏi bẫy giảm phát. Khi còn đương chức Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke đã nhắc đến khái niệm này và từ đó có biệt danh “Ben trực thăng”.
Tháng trước, Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi đã miêu tả đây là một “khái niệm rất thú vị”. Những người ủng hộ cho rằng đây là một cách hết sức đơn giản để vực dậy những nền kinh tế đang trên đà lao dốc. Đúng là những người không hiểu biết về những nghiệp vụ phức tạp của hệ thống tiền tệ có thể dễ dàng hiểu được phương pháp này, nhưng giống như những kênh truyền thống, biện pháp này đã không thể giải quyết triệt để chướng ngại vật lớn nhất đối với sự phồi hục của các nền kinh tế: các rào cản chính trị.
Ngày nay, các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới đã đi theo “vết xe đổ” của Nhật Bản khi liên tiếp hạ lãi suất xuống mức gần 0 mà vẫn không thể đẩy tăng được lạm phát. Tăng trưởng GDP danh nghĩa rất thấp trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính, đặc biệt lại là ở châu Âu và Nhật Bản – những “ứng viên” hàng đầu cho phương pháp tiền trực thăng. Những yếu kém cứ tồn tại dai dẳng bất chấp các NHTW luôn nỗ lực không ngừng. Thậm chí lãi suất đã rơi xuống mức âm và hàng nghìn tỷ USD đã được in ra để mua trái phiếu chính phủ.
Những người tán thành “tiền trực thăng” không thực sự có ý định “ném tiền ra khỏi trực thăng” vô tội vạ. Họ muốn kích thích tài khóa (dưới dạng chi tiêu công, giảm thuế hoặc thanh toán trực tiếp cho người dân) được tài trợ bởi số tiền mới được in thêm chứ không phải qua vay mượn và đánh thuế. Trong các gói nới lỏng định lượng (QE) hiện nay, các NHTW mua trái phiếu chính phủ và hứa sẽ giữ chúng cho đến khi đáo hạn. Tuy nhiên chiến lược mạnh mẽ hơn sẽ là trao tiền trực tiếp cho người dân. Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động Anh, gọi đây là “QE cho mọi người”.
Có thể dễ dàng chỉ ra những ưu điểm của “tiền trực thăng”. Không giống như những thay đổi về lãi suất, phương pháp này tỏ ra hiệu quả mà không cần lượng cho vay phải tăng lên. Tiền trực thăng cũng giúp giảm nguy cơ bong bóng tài sản và tỏ ra hiệu quả hơn trong trường hợp khủng hoảng khiến hệ thống ngân hàng lung lay. Các biện pháp kích thích tài khóa được tài trợ bằng tiền đi vay cũng đem lại những lợi ích tương tự, nhưng sẽ tỏ ra kém hiệu quả nếu người tiêu dùng nghĩ rằng cuối cùng thì thuế sẽ tăng lên để trả nợ.
Một nghiên cứu được công bố năm 2014 bởi Jordi Galí (chuyên gia kinh tế tại trung tâm nghiên cứu CREi đặt tại Barcelona) đã chỉ ra rằng “tiền trực thăng” sẽ rất hữu hiệu đối với một nền kinh tế đang trên đà suy thoái và hơn nữa còn không gây áp lực lạm phát.
Các nhà kinh tế ở ngân hàng Deutsche Bank mới đây cũng nhận xét trong các trường hợp khẩn cấp (đặc biệt là chiến tranh thế giới), hầu hết các nền kinh tế phát triển đã chuyển sang giải pháp này. Đúng là trong một số trường hợp “tiền trực thăng” sẽ tạo ra siêu lạm phát, nhưng in tiền để “chạy trốn” một cuộc suy thoái sẽ tạo ra ít rủi ro hơn so với việc in tiền để tài trợ cho một nền kinh tế quá yếu ớt để có thể tăng thuế. Các NHTW hoàn toàn độc lập cũng khiến mọi việc dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, điểm yếu thực sự của “tiền trực thăng” là đây chỉ là một giải pháp kỹ thuật trong khi nó phải giải quyết vấn đề chính trị. Kinh tế châu Âu chậm phục hồi hơn Mỹ một phần là bởi ECB quá chậm chạp và lưỡng lự không muốn triển khai nới lỏng định lượng. Luật pháp châu Âu cấm ECB tài trợ cho các Chính phủ và chỉ đến năm ngoái, khi mà giảm phát lên đến đỉnh điểm, ông Draghi mới có thể thuyết phục được các nhà cầm quyền. Hơn nữa để theo đuổi giải pháp “tiền trực thăng”, châu Âu sẽ phải sửa đổi hiệp ước đã đặt nền móng cho EU.
Tiền không phải là tất cả
“Tiền trực thăng” luôn sẵn sàng, điều còn thiếu là quyết tâm chính trị để quyết định có sử dụng biện pháp này hay không và sử dụng như thế nào. Nỗi lo ngại về lạm phát và rủi ro đạo đức là những rào cản rất lớn.
Các Chính phủ nên bắt đầu xây dựng bộ khung chính sách cho việc sử dụng “tiền trực thăng” ngay từ bây giờ. Khi cuộc khủng hoảng tiếp theo nổ ra, gần như chắc chắn các NHTW sẽ không còn dư địa để giảm lãi suất.
Chủ nghĩa tiền tệ là hệ thống các học thuyết và lý luận kinh tế vĩ mô liên quan đến tiền tệ, một biến số kinh tế quan trọng. Những người theo chủ nghĩa tiền tệ không ủng hộ việc lạm dụng chính sách tiền tệ để ổn định chu kỳ kinh tế. Họ đề nghị để tiền tệ trung lập hoặc chỉ nên giữ cho tốc độ tăng cung tiền chậm, ổn định và vừa đúng bằng tốc độ tăng sản lượng thực tế.