MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam "update" thành... của riêng

10-07-2019 - 21:28 PM | Sống

Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam chính là cái tên vàng trong làng "lăng xê" những món ăn được người Pháp mang vào và biến nó thành nét độc đáo không nơi nào có.

Cũng giống bánh mì, cà phê thực chất có nguồn gốc từ Pháp. Thậm chí, có lẽ trước khi được người Pháp mang vào thì chúng ta còn chẳng biết nó là cái gì. Tuy nhiên, lại giống bánh mì, người Việt Nam lần nữa biến cà phê thành của riêng mình, tách khỏi cái bóng của phiên bản nước Pháp, trở thành một trong số những quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều nhất và có văn hoá cà phê đa dạng, sâu sắc và mang nhiều nét đặc trưng không lẫn vào đâu.

Hãy cùng chúng mình điểm lại một số những cột mốc trong lịch sử cà phê Việt Nam để thấy được hành trình biến thân từ của người Pháp thành "của mình" nhé!

1857 – Những cây cà phê đầu tiên được mang vào Việt Nam

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 1.

Vào năm 1857, các mục sư truyền đạo Công Giáo đã mang những cây cà phê giống arabica đầu tiên vào Việt Nam. Đó chỉ là cây cà phê nhỏ xíu trong khu vườn nhỏ trước nhà thờ của những mục sư này, song chỉ mỗi nó cũng đủ làm nên một "đế chế" cà phê Việt những năm sau. Quá trình từ một cây non lên làm "đại thụ" là một quá trình dài, nhưng khi nhìn lại, chúng ta biết cây non này mang trong mình sứ mệnh lớn lao lắm đấy.

1888 – Đồn điền cà phê đầu tiên ra đời

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 2.

Cây cà phê trên đồn điền Cressonnière – 1898.

Vào năm 1888, người Pháp cho xây dựng đồn điền cà phê đầu tiên ở Kẻ Sở (Hà Nam bây giờ), với giống cà phê được trồng là cà phê chè (hay còn gọi là cà phê arabica). Tuy nhiên, ngành cà phê ở thời kỳ này cũng chưa thực sự khởi sắc do tình hình đất nước lúc bấy giờ còn nhiều biến động.

1950 – Cà phê ở Sài Gòn có những biến tấu trở thành "kinh điển"

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 3.

Từ những năm 1950 đến 1960, văn hoá cà phê bắt đầu phổ biến rộng khắp Sài Gòn, không chỉ tầng lớp trung lưu, thượng lưu mà cả người bình dân, người nghèo cũng có thói quen uống cà phê. Chính vì thế mà các quán nước bình dân của người Hoa liên tục mọc lên mà theo đó là sự ra đời của bạc sỉu – thức uống độc đáo và là phiên bản cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Nhiều người nhầm bạc sỉu với cà phê sữa đá, nhưng hai món thực ra lại có điểm khác nhau.

Bạc sỉu là rút gọn của "bạc tẩy sỉu phé", nghĩa là nhiều sữa ít cà phê. Món này ra đời do ngày đó hiếm sữa tươi nên người ta dùng sữa đặc. Mà sữa đặc uống không thì gắt, nên họ nghĩ ra cách cho thêm ít cà phê. Hai tiếng bạc sỉu tuy có xuất phát từ ngôn ngữ Hoa nhưng vẫn được cả cộng đồng người Việt sử dụng cho đến tận bây giờ.

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 4.

Mặt khác, món cà phê sữa đá Việt Nam cũng là một thức uống mang nét đặc trưng thời đại. Khác với cafe latte là loại cà phê với sữa bò tươi, cà phê sữa đá của Việt Nam dùng sữa đặc. Nói món này mang đặc trưng thời đại là do vào thời điểm này do tình hình đất nước chưa được ổn định nên sữa tươi khan hiếm và người ta dùng sữa đặc thay thế. Không ai ngờ sự thay thế vốn mang tính "chắp vá" này lại tạo ra một thức uống mang đặc trưng riêng. Đến hiện tại, cho dù đã dư thừa sữa tươi nhưng người Việt Nam vẫn thích uống cà phê cùng sữa đặc. Nhiều trang báo nước ngoài cũng thường gọi món này là "ca phe sua da" chứ không gọi là "milk coffee" hay "cafe latte" để phân biệt.

1975 – Hà Nội có cà phê trứng

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 5.

Cà phê trứng, một trong những món nằm trong danh sách "must-try" (nhất-định-phải-thử) của bất kì du khách nào khi đặt chân đến Thủ Đô.

Không ai chắc chắn cà phê trứng được sinh ra từ bao giờ, tuy nhiên người ta biết rằng món ăn này xuất hiện vào khoảng thời gian những năm 1975. Trong năm này, văn hoá cà phê ở Việt Nam đã phát triển ở cả nước, nhiều người có thói quen uống cà phê như một phần của sinh hoạt ngày thường. Câu chuyện ra đời của cà phê trứng dường như cũng tương tự cà phê sữa: xuất hiện trong tình huống khan hiếm, vẫn do người Việt "bù qua đắp lại" mà thành. Năm 1975, kinh tế nước ta vẫn đang trong trạng thái chưa ổn định và còn gặp cấm vận về kinh tế. Vì vậy, đến cả sữa đặc cũng trở nên hiếm hơn. Vì lý do này, trứng được sử dụng để tiết kiệm lượng sữa đặc, từ đó sinh ra món cà phê trứng trứ danh độc nhất vô nhị trên thế giới.

2014 – Quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 6.

Thật khó tin khi mà vào năm 1990, Việt Nam chỉ mới sản xuất được khoảng 0,1% lượng cà phê trên thế giới để rồi hơn 20 năm sau, nó đã trở thành một trong những cái tên "khổng lồ" trong ngành xuất khẩu cà phê. Cụ thể, trang BBC đã có bình luận như sau: "Khi nói về cà phê bạn thường nghĩ về Brazil, Colombia hoặc có thể là Ethiopia. Tuy nhiên nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới là Việt Nam. Làm thế nào mà thị phần của đất nước này tăng vọt từ 0,1% lên 20% chỉ sau 30 năm?"

Năm 2016 – Top 10 những món cà phê tuyệt vời nhất thế giới

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 7.

Vào năm 2016, trang truyền thông Traveller của Úc chuyên về chủ đề du lịch đã chọn ra 10 món cà phê tuyệt vời nhất trên thế giới. Không chỉ lọt top, cà phê sữa đá Việt Nam còn vươn lên hạng 2, đứng sau "ông hoàng" Espresso của nước Ý. Trang này tả cà phê Việt Nam là "có cách pha chế không giống bất cứ nơi nào trên thế giới". Có thể nói, cà phê Việt Nam, cùng với phở, với bánh mì, đã trở thành một trong số những biểu tượng ẩm thực không thể chối bỏ của Việt Nam.

Hết bánh mì đến cà phê, món nào người Pháp mang vào cũng được Việt Nam update thành... của riêng - Ảnh 8.

Cà phê sữa đá đứng thứ 2 trong top 10 những món cà phê ngon nhất thế giới do trang Traveller bình chọn, chỉ sau Espresso của Ý.

Source (Nguồn): Prime Coffee, BBC, Traveller...

Theo Quỳnh Đào

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên