Hết đầu tư siêu thị lại đến thiết bị y tế, Sơn Hà đang toan tính điều gì?
Chỉ vài tháng sau thất bại với chuỗi siêu thị Sapomart (Hiway), Sơn Hà lại tiếp tục đầu tư sang một lĩnh vực trái ngành khác là thiết bị y tế.
- 17-05-2016Ông Đàm Quang Hùng: Mọi hoạt động kinh doanh của Sơn Hà vẫn diễn ra tốt
- 16-05-2016Sau thất bại trong kinh doanh siêu thị, Sơn Hà (SHI) lại tiếp tục lấn sân sang thiết bị y tế
- 28-04-2016Đại hội Cổ đông Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ đồng năm 2016
Ngày 12/5, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) đã thông báo mua vào 2,4 triệu cổ phần của TCT Thiết bị Y tế Việt Nam- Vinamed trong phiên IPO cách đây chưa lâu. Vốn là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bồn nước inox, ống thép không gỉ…., việc đầu tư sang lĩnh vực thiết bị y tế của Sơn Hà đang gây xôn xao trên thị trường.
Đây không phải lần đầu tiên Sơn Hà thực hiện đầu tư trái ngành. Còn nhớ, trong cơn sốt của thị trường bán lẻ những năm 2011, Sơn Hà đã thành lập CTCP Hiway Việt Nam để hoạt động kinh doanh siêu thị.
Sau những tuyên bố ban đầu đầy tham vọng với mục tiêu thành lập 10 siêu thị tại Hà Nội, hướng tới top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chuỗi bán lẻ của Sơn Hà đã phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2015 khi không cạnh tranh được với các “đại gia” khác trên thị trường.
Vinamed- cuộc “phiêu lưu” mới của Sơn Hà có hấp dẫn?
Chỉ vài tháng sau khi chấm dứt cuộc “phiêu lưu” với chuỗi siêu thị Sapomart (Hiway), Sơn Hà đã tiếp tục gây sốc khi đầu tư sang lĩnh vực thiết bị y tế với cái tên Vinamed.
Tiền thân là Cục vật tư và xây dựng cơ bản, trực thuộc Bộ Y tế, Vinamed hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm,…. Tuy vậy, thị phần và quy mô của Vinamed là khá nhỏ trong ngành.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, năm 2015, doanh thu của Vinamed tăng gần gấp đôi so với năm trước đó, đạt 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về chỉ là hơn 4 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với những năm gần đây.
Vinamed hiện có trụ sở tại số 1, ngõ 135 Núi Trúc, Hà Nội với diện tích 612 m2 và đây cũng là lô đất duy nhất mà công ty quản lý.
Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ Vinamed đạt 88 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% cổ phần, nhà đầu tư mua qua IPO chiếm 40,03% cổ phần, cổ đông chiến lược nắm giữ 39,77% cổ phần và còn lại thuộc về cán bộ CNV công ty.
Điều kiện Vinamed đưa ra để trở thành cổ đông chiến lược ngoài việc đáp ứng các tiêu chí tài chính như vốn chủ sở hữu tối thiểu 35 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 150 tỷ đồng, doanh thu tối thiểu 400 tỷ đồng thì còn phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế; có quyền phân phối độc quyền thiết bị vật tư y tế tại Việt Nam cho các hãng thuộc các nước trong khối G7.
Nhìn vào các tiêu chí đặt ra, rõ ràng Sơn Hà không thể trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinamed dù có thể dễ dàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tài chính. Với việc mua vào 2,4 triệu cổ phần, tỷ lệ sở hữu của Sơn Hà tại Vinamed chỉ là 27,3% và điều này không đủ giúp Sơn Hà nắm quyền chi phối.
Chưa biết những kế hoạch tiếp theo của Sơn Hà tại Vinamed sẽ ra sao, tuy nhiên khoản đầu tư này đang đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả bởi xét trên cả 2 khía cạnh kết quả kinh doanh lẫn bất động sản nắm giữ thì rõ ràng Vinamed đều không thực sự hấp dẫn.
Còn để nắm quyền chi phối và cấu trúc lại doanh nghiệp thì như đã nói ở trên, rõ ràng Sơn Hà chưa đủ điều kiện cũng như kinh nghiệm để làm việc này.
Bài học từ chuỗi siêu thị cách đây chưa lâu hẳn Sơn Hà đã quên?
Trí Thức Trẻ