Hết dịch vẫn chưa hết ế
Nhiều tiểu thương đã gửi đơn xin miễn các loại phí và lệ phí phải đóng trong tháng 4, miễn thuế kinh doanh nhưng vẫn chưa có hồi âm.
- 03-03-2020Trung tâm thương mại, nhà trọ giảm giá thuê vì dịch Covid-19
- 10-02-2020Cảnh khác lạ của loạt trung tâm thương mại, khu vui chơi mua sắm tại Hà Nội
- 06-02-2020Sài Gòn: Loạt trung tâm thương mại đình đám vắng hoe trong những ngày đại dịch Corona, đi tới đâu cũng thấy… chiếc khẩu trang hiện diện
Mở cửa kinh doanh trở lại từ đầu tháng 5 sau hơn 20 ngày ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, chị Hương, hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5, TP HCM; chợ bán sỉ lớn nhất nhì TP HCM), vẫn rầu rĩ vì không buôn bán được gì, ngày nào cũng lấy tiền túi ra xài.
Dắt dây từ chợ đến siêu thị
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thái Trang, tiểu thương ngành hàng quần áo chợ An Đông và An Đông Plaza, quyết định giảm giá 10%, thậm chí chấp nhận bán hàng không có lãi để nuôi công nhân trong xưởng, trả tiền sạp… "Ban đầu tôi định khuyến mãi đến hết tháng 5 nhưng tình hình này có thể kéo dài đến tháng 9" - chị Trang nói. Theo tiểu thương này, chợ còn vắng hơn cả giai đoạn trước giãn cách xã hội, bán sỉ và bán lẻ đều ế nên nhiều chủ sạp phải cho nhân viên nghỉ bớt để giảm chi phí. Các cửa hàng thời trang tại TP HCM lẫn ở tỉnh cũng tạm ngưng hoạt động, trả mặt bằng nên không lấy hàng nữa. "Mấy tháng nay cả xã hội "sống chậm", không tiệc tùng cưới hỏi gì nên nhu cầu mua sắm, làm đẹp cũng không có" - chị Trang phân tích.
Không chỉ quần áo mà các sạp kinh doanh giày dép, mỹ phẩm, balô, túi xách, hàng lưu niệm, gia dụng lẫn thực phẩm khô, hàng ăn uống... tại đây cũng vắng bóng người mua. Duy chỉ khu vực chợ thực phẩm tươi sống còn đông đúc, dù theo tiểu thương nơi đây, lượng khách mua sắm vẫn chỉ đạt 70%-80% so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tiểu thương chợ An Đông phải đóng cửa hoặc trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm từ sau Tết nguyên đán đến nay Ảnh: TẤN THẠNH
Phản ánh chung của ban quản lý hơn 200 chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy sức mua tại kênh chợ truyền thống (bao gồm cả chợ loại 1, loại 2 và loại 3) giảm đến gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Từ sau Tết nguyên đán đến nay, doanh số của tiểu thương nhiều ngành hàng đã giảm 70%-90%. Hoạt động bán buôn bán lẻ bị ảnh hưởng trầm trọng, các khoản chi cho thuế, phí… hoạt động tại chợ trở thành gánh nặng cho các tiểu thương, nhất là trong giai đoạn ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Trước tình cảnh này, tiểu thương các chợ Bến Thành, An Đông, Tân Định, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu... đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị lên ban quản lý chợ, UBND và Chi cục Thuế địa phương xin miễn hoàn toàn các loại phí và lệ phí phải đóng trong tháng 4, miễn thuế kinh doanh trong tháng 4. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị của tiểu thương vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.
Cảnh người bán chờ người mua còn dắt dây từ chợ sang siêu thị và các hệ thống bán lẻ hiện đại khác, bất chấp việc các nhà bán lẻ đã linh hoạt ứng phó theo xu hướng tiêu dùng trong và sau dịch, liên tục tổ chức khuyến mãi, phát triển kênh bán hàng trực tuyến nhưng vẫn không thể kéo doanh thu tăng trở lại như bình thường. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến thời điểm này, nhiều hệ thống siêu thị ghi nhận mức doanh thu giảm kỷ lục. Nguyên nhân một phần do trong cao điểm dịch Covid-19, nhiều gia đình đã mua sắm tích trữ hàng hóa thiết yếu nên hiện tại vẫn còn dùng hàng dự trữ. Mặt khác, do nhiều gia đình bị giảm thu nhập, mất việc làm nên người tiêu dùng có tâm lý dè sẻn chi tiêu để dự phòng rủi ro. "Ít nhất từ 3 đến 6 tháng nữa, tình hình mới thật sự khả quan, khi đó tiêu dùng mới dần tốt lên" - đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại TP HCM nhận định.
Nỗ lực kích cầu
Tuy vậy, không thể ngồi chờ 3-6 tháng để sức mua trở lại bình thường, hệ thống siêu thị bán sỉ MM Mega Market đã chuyển sang thu hút khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn bằng chiến dịch bán theo gói (chẳng hạn gói các sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh…; các sản phẩm "take away" như ly giấy, ly nhựa, dĩa nhựa, ống hút…) với mức giá ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 6, hệ thống này sẽ ra mắt chương trình tích lũy điểm, chia thưởng cho khách hàng thành viên. Bà Huỳnh Thị Phương Châu, đại diện truyền thông MM Mega Market, cho hay hình thức phát hành thẻ khách hàng thành viên để hưởng ưu đãi khi mua hàng và tích điểm, chia thưởng rất phổ biến đối với các siêu thị bán lẻ nhưng với loại hình siêu thị bán buôn thì MM Mega Market là đơn vị tiên phong.
Theo bà Châu, dịch Covid-19 cùng những hệ lụy về kinh tế - xã hội đã khiến người tiêu dùng có tâm lý phòng thủ, giảm bớt các khoản chi cho mua sắm, tiêu xài. Vì vậy, chính sách bán hàng lúc này là phải làm sao có giá tốt nhất. "Bộ phận thu mua của chúng tôi tăng cường làm việc trực tiếp với nông dân, nhà cung cấp để giảm bớt khâu trung gian, tiến tới "mua tận gốc, bán tận ngọn" nhằm giảm chi phí trung gian, từ đó giảm giá thành và kiểm soát chất lượng hàng hóa dễ dàng hơn" - bà Châu cho hay. Theo kế hoạch, trong năm nay, nhà phân phối đến từ Thái Lan này sẽ mở thêm 2 trạm trung chuyển (một trạm trung chuyển thịt heo ở phía Bắc và một trạm trung chuyển thịt gia cầm ở phía Nam), nâng tổng số trạm trung chuyển trong hệ thống lên 6.
Saigon Co.op - hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước - cũng đang đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, kết hợp với đẩy mạnh thương mại điện tử. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết đơn vị đã đặt gian hàng trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. Trong tháng 6, nhà bán lẻ thuần Việt này sẽ ra mắt ứng dụng thương mại điện tử Saigon Co.op. "Covid-19 làm thu nhập của người lao động ngày càng giảm và chưa có dấu hiệu hồi phục. Vì vậy, Saigon Co.op phải làm việc với nhà cung cấp để tính toán lại chính sách giá, chạy chương trình khuyến mãi nhiều hơn để chia sẻ với người tiêu dùng trong giai đoạn khó khăn chung" - ông Huy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, những hệ thống siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart... cũng có chính sách chăm sóc khách hàng, trong đó tập trung chủ yếu vào giá và tăng tiện ích cho khách.
Về kế hoạch mở rộng điểm bán, một số nhà bán lẻ đang cân nhắc trên cơ sở thăm dò, đánh giá lại thị trường và khả năng đáp ứng để triển khai dự án chứ không chạy theo mục tiêu, kế hoạch ban đầu khi chưa xảy ra dịch bệnh. "Thời điểm này, mọi thứ đang khó khăn nên bản thân các doanh nghiệp phân phối cũng rà soát, thắt chặt các khoản thu chi trên tinh thần liệu cơm gắp mắm" - ông Đỗ Quốc Huy cho hay.
Hỗ trợ cải thiện mãi lực chợ
Trước diễn biến thị trường chung, TP HCM tính toán kế hoạch đẩy mạnh phục hồi kinh tế, đưa các hoạt động thương mại trên địa bàn trở về trạng thái bình thường, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ DN trên địa bàn TP đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho, phát triển thị trường tiêu thụ.
Riêng với chợ truyền thống, câu chuyện sức mua chợ truyền thống giảm đã kéo dài nhiều năm nay, TP HCM đã xây dựng kế hoạch chương trình hỗ trợ cải thiện mãi lực chợ, trong đó bao gồm sửa chữa nâng cấp chợ, cải tạo hệ thống thoát nước, cải tạo môi trường... và giao cho UBND các quận, huyện triển khai thực hiện.
Người lao động