Hết lòng, hết sức vì đất nước, vì nhân dân
Tuần qua đánh dấu 100 ngày hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV sau khi được kiện toàn. Với nhiều thành viên mới, Chính phủ đã hành động theo quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt, chủ động, sáng tạo về sách lược, giải pháp. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Tuần qua đánh dấu 100 ngày hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV sau khi được kiện toàn. Với nhiều thành viên mới, Chính phủ đã hành động theo quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán, kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt, chủ động, sáng tạo về sách lược, giải pháp. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã bắt tay ngay vào công việc, vừa xử lý những công việc cấp bách trước mắt, đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, vừa giải quyết những vấn đề chiến lược lâu dài, mang tính đột phá. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nỗ lực làm việc với tinh thần tận hiến, trách nhiệm cao nhất, không quản ngày đêm, tạo khí thế mới trong phát triển, truyền cảm hứng, động lực cho các cấp các ngành và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược…
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra nhiệm vụ đầu tiên trong chương trình nghị sự trên cương vị mới là xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược.
"Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới", Thủ tướng nêu rõ.
Trong Nghị quyết phiên họp triển khai công việc sau kiện toàn, Chính phủ đã nêu rõ một số quan điểm, định hướng lớn trong chỉ đạo điều hành. Các quan điểm tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, làm rõ hơn khi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương. Toàn bộ các hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đều bám sát các định hướng lớn này, kiên trì, nhất quán.
Theo đó, tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Một quan điểm lớn nữa là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; huy động tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng cũng nhiều lần nêu rõ, chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và đảm bảo tính khả thi; đồng thời phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" khi giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành.
Trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng hiệu quả, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; giữ đúng nguyên tắc, coi trọng các phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ. Tình hình càng càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe các ý kiến, quyết định theo đa số, chọn giải pháp tốt nhất để tổ chức thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, ngày 9/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
...đến mục tiêu kép và ưu tiên số 1
Hơn hai tuần sau khi Chính phủ kiện toàn, đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bắt đầu ngày 27/4 với những diễn biến phức tạp hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước. Biến chủng virus Delta mới lây nhiễm nhanh, mạnh, khó lường trên diện rộng, trong khi cơ sở vật chất, kinh nghiệm còn hạn chế do việc chống dịch với tốc độ lây lan nhanh, mạnh trên diện rộng là chưa có tiền lệ. Vì vậy, 100 ngày đầu tiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian, dành ưu tiên số 1 cho công tác phòng chống dịch trên tinh thần sức khoẻ của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu kép, nhưng kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nhiệm vụ phòng chống dịch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhiều lần chia sẻ, việc thực hiện mục tiêu kép là một lựa chọn rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác. Vừa bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân là ưu tiên số 1, đồng thời phải duy trì, thúc đẩy phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch lâu dài và phục vụ các nhiệm vụ quan trọng khác của đất nước. Trong tổ chức thực hiện, cần căn cứ tình hình cụ thể từng nơi, từng thời điểm để ưu tiên nhiệm vụ phòng chống dịch hoặc ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoặc cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu.
Trên quan điểm nhất quán và xuyên suốt này, Chính phủ, Thủ tướng đã bám sát tình hình, linh hoạt, kịp thời chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời kêu gọi và phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo của các địa phương. Thủ tướng nhiều lần lưu ý, công tác chống dịch lần này là chưa có tiền lệ, phải "vừa chạy vừa xếp hàng", vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn chung, phải căn cứ tình hình thực tiễn tại mỗi địa phương để có cách làm phù hợp, hiệu quả nhất.
Với tinh thần phải sát việc, bám việc, sát thực tiễn cuộc sống, Người đứng đầu Chính phủ đã đích thân đi kiểm tra, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại những địa bàn trọng yếu, những nơi nóng bỏng nhất trong từng thời điểm: Khu vực biên giới Tây Nam; tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An... Các chuyến công tác của Thủ tướng tại các địa phương đều có lịch trình dày đặc. Một ví dụ là chuyến công tác gần đây nhất tại Long An, Tây Ninh và TPHCM của Thủ tướng. Kể từ chiều muộn ngày 10/7 tới tối 11/7, trong khoảng 24 giờ, ông đã đích thân tới kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 9 cơ sở. "Phải đến tận nơi, phải thấy tận mắt, trăm nghe không bằng mắt thấy", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về các chuyến kiểm tra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 56 văn bản về phòng chống dịch, chiếm đến 40,5% tổng số văn bản ban hành trong thời gian này. Trong đó có 44 thông báo kết luận, chiếm 63,7% tổng số thông báo được ban hành. Tinh thần là chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, đặc biệt là nỗ lực thực hiện chiến lược vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm khu vực kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bảo quản vaccine Sputnik-V, ngày 24/6 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn và diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng, Phó Thủ tướng có các chỉ đạo kịp thời, phù hợp về các biện pháp chống dịch, nhất là đối với "điểm nóng" Bắc Ninh, Bắc Giang và hiện nay là TPHCM và các tỉnh phía Nam. Gần nhất, Thủ tướng đồng ý giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam theo Chỉ thị 16 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương nhằm tận dụng "giờ vàng, ngày vàng, tuần vàng" để dập dịch nhanh nhất, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong lúc này, phải bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng, được nhân dân đánh giá cao. Đó là Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 và Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào, đồng chí cả nước, với số tiền hơn 8.000 tỷ đồng ủng hộ đến thời điểm này. Cùng với đó, ngoại giao vaccine được triển khai quyết liệt và đã đạt những kết quả rất tích cực. Tất cả hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 75 triệu người dân từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 và bảo đảm đủ vaccine tiêm hằng năm cho nhân dân.
Với Nghị quyết 68, rút kinh nghiệm từ lần trước, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng này đã tháo gỡ nhiều nút thắt, được đánh giá là "cuộc cách mạng" về thủ tục hành chính, tạo đột phá để người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất với các chính sách hỗ trợ. Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/CP như "chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết", giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, san sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo phương châm không để lại ai phía sau, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều địa phương, Chính phủ, Thủ tướng càng quan tâm tới bảo đảm an sinh xã hội tại các khu vực này. Thủ tướng lưu ý các địa phương cần đặc biệt quan tâm tới những người sống lang thang ở vỉa hè, góc phố, người bán vé số, lao động tự do, bán hàng rong…
Gần nhất, ngày 20/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP phiên họp chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu rõ, việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, được áp dụng Điều 22, 26 Luật Đấu thầu.
Cùng với nhiệm vụ chống dịch, tại những nơi đủ điều kiện, Thủ tướng hết sức quan tâm việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Như vụ vải thiều tại Bắc Giang giữa lúc dịch bệnh phức tạp nhất, Thủ tướng và các bộ ngành đã quan tâm, tạo thuận lợi nhất cho mặt hàng này. Nhờ đó, việc tiêu thụ vải thiều đã đạt kết quả ngoài mong đợi với doanh thu trên 6.800 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát hướng tuyến một dự án cao tốc tại phía Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nỗ lực đột phá hạ tầng chiến lược
Ba khâu đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII luôn là những nhiệm vụ ưu tiên trong chương trình làm việc của Chính phủ và Thủ tướng trong 100 ngày qua. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trong quá trình Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn và chuẩn bị cho việc xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đầu tư công phải có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết chấm dứt đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả. Thủ tướng cùng Thường trực Chính phủ đã chủ trì hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, cơ quan liên quan để thảo luận, phân tích kỹ lưỡng về các nội dung này để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg (ngày 23/5/2021) về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; yêu cầu kiên quyết giảm mạnh số lượng dự án chưa thật cần thiết, xóa bỏ cơ chế "xin - cho" và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Trong các dự án đầu tư công giai đoạn tới, nhiệm vụ xây dựng đường cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, tạo không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương và khơi dậy cảm hứng, khí thế phát triển mới trên cả nước.
Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ rất rất khó, phức tạp do nguồn lực hạn hẹp, mục tiêu cao, nhưng phải làm bằng được và chúng ta có niềm tin sẽ làm được. Chúng ta cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc, phát huy truyền thống vượt khó của dân tộc, lấy khó khăn làm động lực để phấn đấu đi lên theo tinh thần tấn công, tư duy mới, cách làm mới, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, tổng kết, nhân rộng các mô hình hay đã thực hiện thành công tại các địa phương; triển khai các giải pháp đặc thù đồng bộ, đột phá để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Địa phương và người dân là chủ thể hưởng lợi trực tiếp từ các tuyến cao tốc, do đó, phải phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương trong đầu tư, xây dựng, bảo trì và khai thác các tuyến cao tốc; thực hiện triệt để phân cấp cho các địa phương trong giải phóng mặt bằng, Trung ương chỉ tham gia hỗ trợ một phần chi phí xây lắp và có chính sách linh hoạt đối với các địa phương khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút tối đa nguồn lực hợp pháp khác từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm số lượng dự án đầu tư công, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, mang tính chất động lực, lan tỏa. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xử lý hợp lý, hài hòa, hiệu quả để vừa phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, vừa ưu tiên các vùng khó khăn. Kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh-quốc phòng, đối ngoại và an sinh xã hội; phát triển đường bộ cao tốc theo hướng tối ưu hướng tuyến, gắn với quy hoạch không gian phát triển và khai thác hiệu quả nhất quỹ đất bên đường. Phấn đấu giảm thời gian triển khai dự án để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả.
Trong các dự án cao tốc, có vai trò quan trọng hàng đầu là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông với nhiều dự án thành phần đang được triển khai. Trong số nhiều chỉ đạo để giải quyết vướng mắc, đốc thúc tiến độ cho tuyến cao tốc này, đáng chú ý là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án. Rất hiếm khi Chính phủ dành riêng một nghị quyết đặc thù cho một dự án cụ thể như vậy. Càng hiếm khi một nghị quyết được xây dựng, ban hành rất khẩn trương trong vòng chưa đến 10 ngày, với hàng loạt cuộc họp đột xuất, từ cấp chuyên viên, cấp bộ, Phó Thủ tướng, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đến Chính phủ, để gỡ một "nút thắt" cho các dự án - thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng hàng triệu m3.
Về giải ngân đầu tư công năm 2021, một động lực quan trọng của "cỗ xe tam mã" để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn, Thủ tướng đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo giới phân tích, đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng nhất hiện nay. Đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Việc chậm thực hiện dòng vốn này, sẽ gây ra nhiều hệ quả, trong đó tác động lớn nhất là ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Ngày 15/6, Đại sứ Nhật Bản chuyển thông điệp của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc Chính phủ Nhật Bản quyết định hỗ trợ Việt Nam 1 triệu liều vaccine để phòng chống COVID-19. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung gỡ vướng chính sách, hoàn thiện thể chế
Với tinh thần lấy nhân dân và doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm, Chính phủ kiện toàn với nhiều thành viên mới đã bắt tay ngay vào xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trên con đường phát triển đất nước. Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu, các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn đọng của một số doanh nghiệp nhà nước lớn như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho ý kiến để giải quyết các tổ chức tín dụng yếu kém; ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, quy trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; sửa đổi và ban hành một số cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ…
"Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay". Cam kết này của Thủ tướng được thể hiện qua các văn bản được ban hành thời gian qua. Có thể kể tới Nghị định đầu tiên mà Chính phủ ban hành ngay sau kiện toàn - Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm khắc phục những hạn chế tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú, trong đó hướng dẫn cụ thể về các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Nghị định 57/2021/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường… Các Nghị định này đều giải quyết những vướng mắc hết sức cụ thể trong thực tiễn thời gian qua.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc cấp bách đang đặt ra trong thực tế, như Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế tài chính mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Ông nhiều lần yêu cầu, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì chủ động báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
"Trong lúc khó khăn này mà không tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp thì lúc nào?", đây là câu hỏi thường xuyên được Người đứng đầu Chính phủ đặt ra với cấp dưới trong thời gian vừa qua. Theo ông, các bộ, các ngành cố gắng, nỗ lực nhưng như thế là chưa đủ. Để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tất cả người dân nước Việt phải vào cuộc, chung sức, đồng lòng thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Muốn như vậy, phải có thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, hiệu quả.
Thủ tướng thăm một cơ sở sản xuất kinh doanh tại Long An, thăm hỏi công việc sản xuất, chế độ ăn nghỉ của công nhân tại đây, ngày 10/7. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kế thừa và phát triển, truyền cảm hứng
Sau 100 ngày đầu hoạt động, trong bối cảnh "vạn sự khởi đầu nan" ngay khi Chính phủ vừa kiện toàn, "khó khăn trăm bề" thời gian qua, Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn. Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ đã bắt tay ngay vào các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài; nhận thức rõ hơn về thách thức phải vượt qua để giải quyết bài toán đang đặt ra đối với sự phát triển của đất nước; thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, sự quyết liệt và tinh thần trách nhiệm của bộ máy mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chia sẻ, một trong những bài học kinh nghiệm cần được quán triệt sâu sắc là phải biết kế thừa những thành quả, kết quả, kinh nghiệm của những người đi trước, các nhiệm kỳ trước, các năm trước, trên tinh thần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Cùng với đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy các bộ ngành, địa phương trên cả nước phải đi lên từ "bàn tay khối óc", "khung trời cửa biển" của chính mình, phát huy mạnh mẽ tính năng động, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại.
Để thúc đẩy điều này, Chính phủ, Thủ tướng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ngay trong nội bộ Chính phủ, Thủ tướng phân công rất rõ cho các Phó Thủ tướng chỉ đạo, quyết định và chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực và nhiệm vụ cụ thể. Với các bộ ngành, tại tất cả các cuộc làm việc, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu không "ôm" việc lên Trung ương, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp xếp hàng lên làm thủ tục trên Bộ. Các Bộ ngành trung ương cần nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện để phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Pháp), hình ảnh nổi lên rõ ràng nhất về phong cách điều hành của Chính phủ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một Chính phủ hành động, hành động nhanh, nói đi đôi với làm, từ lãnh đạo cao nhất xuống đến lãnh đạo ở các cấp khác nhau. Chính phủ đưa ra các định hướng rõ ràng với những mục tiêu cụ thể ngay cả đối với những việc nhỏ nhất, quyết sách rất nhanh, huy động được trí tuệ tập thể và sự tham gia của rất nhiều lực lượng khác nhau. Điều này thể hiện rõ trong nhiều chiến dịch gần đây của Chính phủ, từ tiếp cận với các nguồn vaccine, cho đến việc đưa nông sản Việt từ các vùng dịch ra thị trường quốc tế… Đó không phải là nỗ lực chỉ nói, chỉ trên giấy tờ, mà thể hiện rằng: Chính phủ nói, Chính phủ làm và hỗ trợ để làm bằng được.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình thời gian tới dự báo sẽ có thuận lợi, cơ hội đan xen khó khăn, thách thức, nhưng phải xác định khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, cơ hội. Từ đó, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, vươn lên, khẳng định và trưởng thành. Qua những khó khăn, chúng ta sẽ lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn, vững vàng hơn và bản lĩnh hơn để xây dựng đất nước hùng cường, vững mạnh hơn, nhân dân được ấm no, hạnh phúc hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chinhphu.vn