MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết 'nằm yên mặc kệ sự đời', giới trẻ Trung Quốc chán làm ở công ty tư nhân, 9 triệu người đổ xô đến cơ quan nhà nước tìm việc

01-12-2021 - 19:37 PM | Tài chính quốc tế

Hết 'nằm yên mặc kệ sự đời', giới trẻ Trung Quốc chán làm ở công ty tư nhân, 9 triệu người đổ xô đến cơ quan nhà nước tìm việc

Giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về tác động của tình trạng dân số già với tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ với phương Tây xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Trung Quốc đang đổ xô tìm kiếm những công việc nhà nước, được coi là ổn định hơn và có nhiều phúc lợi.

Du học, làm việc ở công ty tư nhân không còn là con đường lý tưởng 

Trong vài năm qua, bố mẹ của Janet Peng phải thay đổi kỳ vọng của họ đối với sự nghiệp của cô và chị gái trước tình hình kinh tế, xã hội đang thay đổi ở Trung Quốc. Bố và mẹ của cô là doanh nhân tư nhân, họ từ lâu vốn đã có định hướng sự nghiệp cho con cái.

Giống nhiều thanh niên đến từ những gia đình trung lưu giàu có ở Thâm Quyến, chị gái của Peng đã học cao học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015. Peng - hiện đang là sinh viên năm 2, 20 tuổi, cho biết: "Ở thời điểm đó, chị tôi và bố mẹ cho rằng con đường sự nghiệp lý tưởng là đi du học, sau đó làm việc tại một ngân hàng đầu tư Hong Kong hoặc Thâm Quyến trong ngành fintech."

Nhưng giờ đây, bố mẹ Peng lại khuyến khích cô chuẩn bị cho kỳ thi công chức của quốc gia. Chị gái 30 tuổi của cô cũng đang ôn luyện cho kế hoạch này. Peng chia sẻ: "Bố mẹ tôi giờ đây tin rằng triển vọng ở cả công ty tư nhân và nước ngoài đều kém xa so với làm việc trong các cơ quan chính phủ hay tổ chức được chính phủ hậu thuẫn."

Cô nói thêm: "Bố tôi không muốn tôi học ngành kinh doanh hay du học. Ông thấy rằng lĩnh vực tư nhân ngày càng nhiều vấn đề trong những năm gần đây, khi chi phí hoạt động tăng cao và rủi ro chính sách cũng nhiều hơn."

Giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về tác động của tình trạng dân số già với tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ với phương Tây xấu đi. Trong bối cảnh đó, nhiều người trẻ Trung Quốc đang đổ xô tìm kiếm những công việc nhà nước, được coi là ổn định hơn và có nhiều phúc lợi.

Ngày càng nhiều sinh viên trở về nước sau thời gian du học nước ngoài cũng đang gia nhập cuộc đua vào các cơ quan nhà nước. Trong khi đó, nhiều người trong ngành nhận định rằng tấm bằng nước ngoài cũng khó có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho họ.

Hết nằm yên mặc kệ sự đời, giới trẻ Trung Quốc chán làm ở công ty tư nhân, 9 triệu người đổ xô đến cơ quan nhà nước tìm việc  - Ảnh 1.

Kỳ thi công chức quốc gia ở Trung Quốc - được gọi là "guokao", đã diễn ra trong tuần này với sự tham gia của hơn 2,12 triệu thí sinh. Con số này đã tăng mạnh từ 1,58 triệu của năm ngoái. Năm nay, họ cạnh tranh vào 31.200 việc làm tại 75 cơ quan chính phủ trung ương và 23 cơ quan trực thuộc, với tỷ lệ chọi 1/68. Những người trúng tuyển sẽ chính thức đi làm vào năm sau.

Nếu tính cả kỳ thi công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì Trung Quốc có khoảng 9 triệu thí sinh tham dự trong năm nay, hầu hết là sinh viên mới ra trường.

Peng Bolun - người đã theo học ở tỉnh Giang Tây và nhận bằng cao học ngành tài nguyên môi trường, cho biết: "Hơn 60% sinh viên tốt nghiệp ở trường tôi đã nộp đơn tại các doanh nghiệp nhà nước trong năm nay."

Bolun nói thêm, hiện tại, thế hệ Z Trung Quốc không thực sự muốn làm việc tại các công ty tư nhân và nước ngoài như thế hệ trước. Anh nói: "Làm việc tại đó quá mệt mỏi và căng thẳng, khả năng thất nghiệp khi 35,40 tuổi cũng là rất cao."

Giới trẻ nhận thấy nhiều lợi ích khi làm việc ở cơ quan nhà nước 

Theo Bolun, nhìn chung, công chức Trung Quốc kiếm được nhiều hơn mức lương bình quân đầu người ở địa phương mà ít có nguy cơ thất nghiệp hay khủng hoảng việc làm ở tuổi trung niên. Họ cũng được nghỉ nhiều hơn, chưa kể lương hưu, trợ cấp hưu trí cao hơn so với làm việc ở các công ty tư nhân.

Một công chức cấp cơ sở tại chính quyền thị trấn ở khu Greater Bay và đồng bằng sông Dương Tử có thể được trả 160.000 tệ (25.000 USD)/năm hoặc cao hơn cùng nhiều phúc lợi khác. Một nhân viên cấp cao tại phòng ban cấp huyện ở Thâm Quyến có thể nhận được mức lương hàng năm hơn 300.000 tệ. Trong khi đó, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc là 32.189 tệ vào năm 2020.

Một trưởng khoa kỹ thuật tại một trường đại học hàng đầu Quảng Đông cho biết, thực ra sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường danh tiếng có thể nhận được mức lương hàng năm là 1 triệu tệ sau 10 năm làm việc trong ngành internet. Tuy nhiên, họ sẵn sàng từ bỏ con đường đó để tìm hướng đi thông qua hệ thống chính phủ.

Trước đây, các ngành trả thù lao cao - như công nghệ và giao dục, thường được các sinh viên giỏi ưa chuộng. Những lĩnh vực này cũng tuyển dụng hàng chục triệu người trẻ tuổi, dù bị chỉ trích vì văn hoá làm việc độc hại và phân biệt đối xử với người tìm việc lớn tuổi hơn.

Song, năm nay, suy nghĩ của người trẻ có bằng cấp tại Trung Quốc đã thay đổi. Chính phủ đã mạnh tay chấn chỉnh các công ty tư nhân trong thời gian gần đây.

Hết nằm yên mặc kệ sự đời, giới trẻ Trung Quốc chán làm ở công ty tư nhân, 9 triệu người đổ xô đến cơ quan nhà nước tìm việc  - Ảnh 2.

Trong khi đó, ngày càng nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đang khuyến khích con cái thi công chức, thay vì học tập và làm việc ở nước ngoài. Số lượng sinh viên Trung Quốc học tập ở phương Tây vẫn lớn nhưng nhiều bậc phụ huynh hy vọng tình hình sẽ thay đổi. Theo họ, người Trung Quốc có thể khó có cơ hội làm việc lâu dài ở nước ngoài.

Joan Deng - một luật sư tại Quảng Châu, cho biết: "Năm ngoái, tôi vẫn dự định cho 2 con trai đi du học trong vài năm tới, nhưng giờ đã thay đổi quyết định. Tôi lo sợ các con sẽ gặp rắc rối với tâm lý ‘chống’ Trung Quốc khi sống tại nước ngoài."

Ngoài ra, theo Deng, việc Bắc Kinh siết chặt quy định với ngành dạy thêm cũng ảnh hưởng đến việc cho con cái đi du học của các gia đình trung lưu.

Zhang Jiuqing (26 tuổi) là một trong số tìm kiếm sự ổn định khi muốn làm việc tại cơ quan nhà nước. Cô trở về Trung Quốc vào năm ngoái sau 2 năm học thạc sĩ tại Đức. Tuy nhiên, cô lại không lường trước được mức độ cạnh tranh và khó khăn khi tìm một công việc như mong muốn. 

Sau khi trượt toàn bộ các kỳ thi đã tham gia - lấy chứng chỉ giáo viên, thi công chức và các kỳ thi khác tại doanh nghiệp nhà nước, Zhang dự định học và thi lại cho đến khi đỗ, trước khi qua tuổi 35.

Tham khảo SCMP

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên