Hết nói chuyện với gốc cây, lò đào tạo "doanh nhân", "thủ lĩnh" làm giàu cấp tốc lại "lên đồng" với chiêu lạ
Rất đông học viên của khóa đào tạo thủ lĩnh bán hàng online này liên tục có hành động giống như đang thể hiện sự quyết tâm, nhưng khiến nhiều người nghĩ đây là chơi oẳn tù tì.
- 21-07-2020Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Nghe công ty nghìn tỷ 'chém gió'
- 20-07-2020Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Đội lốt quốc gia khởi nghiệp
- 01-02-2020Cái giá bán "trên trời" của chiếc khẩu trang mùa bệnh: Đừng làm giàu trên nỗi sợ của người khác
Khóa học làm giàu không khó "mọc như nấm sau mưa"
Mới đây, một đoạn video dài gần 30 giây lan truyền chóng mặt trên Facebook, với rất nhiều bình luận, chia sẻ bày tỏ sự tò mò về cách thức hoạt động của một đám đông. Theo đó, rất đông học viên, có cả những người trẻ tuổi và trung niên đang cùng nhau hô rất to và thể hiện động tác quyết tâm. Trong khung cảnh đó, tiếng loa của người hướng dẫn cũng liên tục yêu cầu mọi người "hô to lên", "to nữa lên".
Nhiều bình luận tiết lộ, đây là buổi đào tạo những "doanh nhân", "tỷ phú tương lai" của một công ty, với lời giới thiệu làm giàu không khó, kèm theo đó là hành động khó hiểu của nhóm học viên. Có người còn hài hước ví đây là trò chơi oẳn tù tì tập thể.
"Họ giống như là lên đồng vậy, không hiểu có học được gì hay không nữa, ngày càng có nhiều kiểu học lạ quá", tài khoản Thúy Chi bày tỏ dưới đoạn video được chia sẻ với hàng nghìn bình luận và lượt tương tác.
Đoạn video về khóa học thủ lĩnh thu hút hàng nghìn lượt tương tác và liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội.
Bên cạnh những thắc mắc về hành động khó hiểu của học viên, có ý kiến cho rằng, với đoạn video ngắn thì khó có thể đưa nhận định khóa học, đó có thể là hoạt động trong giờ giải lao.
"Nhiều khóa học bây giờ yêu cầu học viên phải tương tác, đứng lên, nói trước đám đông để tăng tự tin hoặc đơn giản là giải tỏa sự bực bội, nói thật to ra mong muốn của mình" tài khoản Thu Hà chia sẻ trên trang cá nhân.
Theo tìm hiểu, đoạn video trên thuộc một khóa đào tạo thủ lĩnh , "lãnh đạo xuất chúng" của công ty mang tên K.S được tổ chức cách đây không lâu, với mức giá cao nhất là 1,5 triệu đồng/người/khóa học 2 ngày, nhằm tăng năng lực dẫn dắt đội nhóm, tạo đột phá về doanh thu, lợi nhuận…
Hiện tại, những tranh cãi quanh các khóa đào tạo các boss (ông/bà chủ) trong ngành mỹ phẩm hay thủ lĩnh bán hàng… vẫn đang "nóng" trên các diễn đàn. Điểm chung của những khóa học này là chạy các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, kết hợp với livestream bán hàng trên Facebook.
Các nhân vật Boss thường là người sáng lập ra sản phẩm, được gây dựng hình ảnh như một "thủ lĩnh quốc dân", thành công trong cuộc sống và có cuộc sống viên mãn... khiến tất thảy những người bên dưới đều nhất nhất muốn noi theo.
Họ thường tổ chức các khóa học truyền thụ kinh nghiệm hoặc mời chuyên gia, huấn luyện viên nói chuyện với học viên, cộng tác viên bán hàng để giúp họ kiếm tiền dễ dàng.
Để thu hút học viên, các bài quảng cáo khóa học đều đính kèm những đoạn chat trên mạng xã hội, được cho là phản hồi của người học sau khi được truyền thụ kinh nghiệm đã tăng doanh số đột biến, kiếm chục triệu đến trăm triệu 1 ngày nhờ bán hàng online.
Biến tướng khó hiểu
Các khóa học đào tạo bán hàng online hoặc kinh doanh ngày càng phổ biến và được nhiều người tìm đến để tìm kiếm những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để quản lý tốt hơn trong công việc, cuộc sống.
Đặc biệt là sau dịch Covid-19, các khóa học nở rộ với rất nhiều hình thức đào tạo khác nhau, với mức chi phí dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng/khóa (từ 1- nhiều ngày đào tạo), thu hút không ít học viên tham gia.
Bên cạnh những khóa học bổ ích, truyền thụ kiến thức mới mẻ, có không ít khóa học sử dụng một vài cách thức khá khó hiểu được lan truyền trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là ngày càng có những cách "kích hoạt" học viên khó hiểu mà các khóa học đưa ra, ví dụ như nói chuyện với gốc cây. Gần đây nhất là màn trói tay rồi ăn cơm hộp dưới đất của hơn chục cô gái là nhân viên của một công ty mỹ phẩm. Đây được xem là "thử thách", "trải nghiệm" mà các cô phải vượt qua để đón nhận điều tốt đẹp.
"Nếu hôm nay, nếu chúng ta bẩn tóc thôi không sao cả, bởi đó là trải nghiệm mới, là điều tuyệt vời nhất. Nếu ngày hôm nay người khác phán xét bạn rằng tại sao lại ăn cơm như thế này, chúng ta sẽ không quan tâm điều ấy.
Bởi vì chúng ta đến đây là vì mục tiêu cuộc đời, chúng ta đến đây là bởi vì chúng ta xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn...", đây là những lời mà người trong ban tổ chức buổi học này nói với học viên.
Dư luận xôn xao trước hình ảnh hơn chục nhân viên nữ của một công ty mỹ phẩm đang thực hiện "thử thách" trói tay ăn cơm.
Ngày 8/7 vừa qua, đoạn video khác lan truyền lại cho thấy học viên của một khóa học đã chọc gậy vào yết hầu để thử thách bản lĩnh, làm sao đẩy cho gậy gãy làm đôi. Hành động nguy hiểm này lại diễn ra trong sự reo hò, cổ vũ của rất nhiều người. Sau khi hoàn thành xong thử thách, các nhân vật ôm nhau, kẻ thì cười, người lại khóc vô cùng khó hiểu.
Thậm chí, có những hoạt động mà học viên cầm cây nến cháy trên tay phải, nghiêng nến để sáp nóng chảy xuống tay trái thành một khối sáp khá lớn.
Thực hư sau khóa học, doanh số và việc làm giàu không khó có thành hiện thực hay không chỉ có người học viên mới biết, nhưng rõ ràng ranh giới giữa những hoạt động tích cực, mang lại năng lượng tốt với hành vi có thể gây hại cho sức khỏe bản thân khá mong manh nếu người trong cuộc không tỉnh táo chọn lọc.
Nhịp sống Việt