Hết siêu thị ngoại đến siêu thị nội, sao hàng Việt cứ mãi "lao đao"?
Không chỉ khó "chen chân" vào siêu thị ngoại, ngay cả việc lên kệ tại các siêu thị nội hàng Việt vẫn gặp nhiều khó khăn.
- 30-09-2016"Cá mập" bán lẻ Trung Quốc đổ bộ, doanh nghiệp Việt có thể mất cả sản xuất lẫn đi làm thuê?
- 30-09-2016Lợi nhuận Công ty Bán lẻ FPT tăng 44% trong tháng 8
- 29-09-2016"Cá mập" rót tỷ USD khuấy đảo bán lẻ Việt, doanh nghiệp nội sẽ ra sao?
- 29-09-2016CBRE: Khối ngoại tiếp tục "thống lĩnh" thị trường mặt bằng bán lẻ TP.HCM
"Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy hàng hoá trong siêu thị 65% là hàng nội địa, tuy vậy, để nguồn hàng Việt đi vào hệ thống bán lẻ vẫn là điều không đơn giản", bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo các giải pháp hỗ trợ khu vực kinh tế nội địa trong hội nhập.
Theo đó, bà cho biết điều đáng mừng hiện nay là tỷ lệ hàng nội địa được bán trong các hệ thống bán lẻ đang chiếm ưu thế hơn hàng hoá ngoại nhập. Mặc dù vậy, “công cuộc” để các mặt hàng thuần Việt đi vào hệ thống vẫn còn nhiều khó khăn.
“Đối với bán lẻ, nguồn hàng là nguồn sống. Tuy nhiên, hiện nguồn hàng nội địa muốn đi vào hệ thống bán lẻ là không đơn giản, đặc biệt là ở những hệ thống nhỏ, quy mô gia đình, cá nhân…” bà Loan cho hay.
Hiện các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận được nguồn hàng nội địa chất lượng tốt và giá cả phải chăng.
Lý giải cho vấn đề này, đại diện của các nhà bán lẻ cho biết đấy là bởi “chưa có trung tâm giao dịch và kết nối giao thương từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ”. Do đó, điều này làm nảy sinh những vướng mắc từ việc lưu kho đến khâu vận chuyện, khiến chi phí, giá thành của món hàng bị đẩy lên cao hơn.
“Nhiều người phản ánh là nhiều sàn, nhiều trung tâm giao dịch mọc lên nhưng không hiệu quả, đương nhiên tôi cũng thấy đắn đo, liệu có làm mới được nó không, trung tâm này có thực sự đi vào cuộc sống không? Vấn đề ở đây là cần giải pháp kết nối tốt, trong tương lai chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện được. Chúng tôi đang nhìn những chuỗi hoạt động tại Nhật Bản, Thái Lan mà mơ ước!”, bà Loan nói.
Dù vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn có cơ chế để các doanh nghiệp sản xuất có thể “đi vào” siêu thị. Đấy là những bộ quy chuẩn riêng theo yêu cầu của từng doanh nghiệp, nhà sản xuất nào đáp ứng được thì “vào chuỗi”. Nhưng dường như đây lại là điểm yếu chết người của các nhà bán lẻ Việt khi họ mang tư tưởng “há miệng chờ sung” chứ không tự chủ động tìm nguồn hàng.
Hệ quả là khi một số doanh nghiệp sản xuất hình thành các kênh phân phối riêng, các nhà bán lẻ lại “lao đao”.
Một điểm khó khăn khác đối với ngành bán lẻ được bà Loan nêu ra là chi phí thuê mặt bằng bởi “chúng ăn mòn lợi nhuận, thậm chí ăn hết cả phần doanh thu. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại hiện diện ở khắp nơi, tại những địa điểm vàng”.
Chính sách đất đai cho nhà bán lẻ chưa được hợp lý cũng là điều mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trăn trở. “Đây là đại vấn đề, là rào cản khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam luôn bị thua thiệt hơn so với doanh nghiệp nước ngoài”, bà Chi Lan bức xúc.
Theo đó, bà dẫn ra những ví dụ khi cho biết Chính phủ sẵn sàng cho Metro, Big C hàng hecta ở những khu đất vàng với giá thuê dài hạn rẻ, còn nếu doanh nghiệp nội đề xuất thì câu trả lời là “Không” khiến cho doanh nghiệp nội phải tự thân vận động.
Do đó, đại diện của các nhà bán lẻ đề xuất phải bổ sung quy hoạch phát triển tỉnh và vùng, tạo điều kiện đất đai cho các doanh nghiệp nội.
Ngoài ra, bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng thay mặt hội bán lẻ kiến nghị thêm một số vấn đề như: đưa các dự án đầu tư bán lẻ vào danh mục ưu đãi; Hỗ trợ tài chính để hiệp hội bán lẻ xây dựng và vận hành sản xuất với các nhà sản xuất khác; Đề xuất cải cách về cơ chế hành khu về thuế đối với các doanh nghiệp bán lẻ, các chính sách đào tạo lao động ngành quản trị kinh doanh bán lẻ…