Hết thời bỏ tiền mua người dùng, startup y tế Việt Nam đi tìm sự sống trong mùa đông gọi vốn
Bằng cách tập trung vào yếu tố công nghệ và trải nghiệm khách hàng, startup y tế của Việt Nam là TrueDoc hướng tới mục tiêu tăng trưởng 300% ngay cả khi nguồn vốn đổ vào lĩnh vực khởi nghiệp suy giảm.
- 17-09-2024Startup cứu ô tô mùa lụt từng khiến 4 'cá mập' tranh giành: Bán tấm bạt hơn 4 triệu biến xe thành 'xuồng', được Shark Bình đề nghị làm 'đối tác trọn đời về vốn'
- 12-09-202415 quỹ “cá mập” Do Ventures, Mekong Capital, VinaCapital, VIG, Red Square Vietnam… chung tay lập CLB vốn tư nhân, cam kết huy động 35 tỷ USD cho startup Việt Nam
- 10-09-2024Làm đồ đạc từ rác tái chế, startup gọi vốn “43 tỷ cho 30% cổ phần”, cả 5 shark đều muốn đồng hành nhưng không chốt deal
Trong những năm gần đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam chứng kiến nhiều startup y tế ra đời với những ý tưởng táo bạo, hứa hẹn thay đổi cách con người chăm sóc sức khỏe.
Giữa rất nhiều cái tên, startup TrueDoc nổi lên như một điểm sáng khi chính thức nhận đầu tư từ quỹ TNB Aura Scout, trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” đang phủ bóng lên các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Câu chuyện của TrueDoc bắt đầu cách đây 5 năm, khi CEO Lê Ngọc Hải - một người từng hoạt động trong lĩnh vực tài chính đã quyết định chuyển hướng và gắn bó với ngành y tế.
"Đã làm y tế thì phải xác định gắn bó lâu dài, và chắc chắn là không có đường tắt”, CEO Lê Ngọc Hải khẳng định. Đó cũng là lý do TrueDoc dành suốt 5 năm đầu tiên chỉ để tập trung giải quyết bài toán niềm tin - một yếu tố sống còn trong ngành y.
Khi nói về sứ mệnh của TrueDoc, CEO Lê Ngọc Hải luôn nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn xây dựng một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện, nơi người dùng có thể tìm thấy tất cả những gì họ cần mà không phải đi đâu xa”.
Từ nhu cầu tư vấn trực tuyến với bác sĩ, đặt lịch khám, mua thuốc, cho đến các dịch vụ xét nghiệm tại nhà, startup luôn cố gắng mang đến cho người dùng một trải nghiệm đồng nhất và liền mạch trên nền tảng số.
Để làm được điều này, TrueDoc đã sáp nhập với AiHealth, một startup mạnh về công nghệ, nhằm bổ sung năng lực lập trình và cải tiến sản phẩm. Sự kết hợp này giúp startup không chỉ củng cố đội ngũ kỹ thuật mà còn tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng.
Bất cứ ai sử dụng TrueDoc đều có thể dễ dàng tìm kiếm dịch vụ chỉ bằng vài cú chạm trên điện thoại. Ví dụ, chỉ cần gõ từ khóa “đau bụng”, người dùng sẽ được gợi ý gặp bác sĩ, mua thuốc, hoặc tìm thông tin hữu ích liên quan.
CEO Lê Ngọc Hải mô tả ứng dụng TrueDoc giống như một “cửa hàng y tế toàn năng”, nơi tất cả các nhu cầu chăm sóc sức khỏe được đặt ngay trong tầm tay của người dùng.
Trong thế giới y tế trực tuyến, việc thu hút khách hàng mới là một bài toán không dễ. TrueDoc đã chọn cách tiếp cận mang tính dài hạn và bền vững bằng chiến lược “chăm sóc sức khỏe cho gia đình ba thế hệ”.
Ý tưởng này bắt đầu từ việc phục vụ tốt cho một thành viên trong gia đình, sau đó mở rộng ra cha mẹ, con cái và cả những người thân quen khác. Thay vì chi hàng loạt tiền cho quảng cáo, TrueDoc chọn phương thức truyền miệng - một cách tiếp cận tuy chậm mà chắc, nhưng lại mang lại hiệu quả.
CEO Lê Ngọc Hải kể lại một ví dụ ấn tượng khi TrueDoc ký kết hợp đồng chăm sóc sức khỏe cho một doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam. Trong số 3.000 nhân viên, có đến 300 người đã đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình của họ.
Điều này phản ánh xu hướng gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, nơi chi tiêu cho y tế dự kiến tăng trưởng 10% mỗi năm, và theo Bộ Y tế, đến năm 2025, tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có thể đạt 23 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp như TrueDoc trong việc phục vụ không chỉ cá nhân mà cả gia đình và cộng đồng.
Thị trường công nghệ y tế toàn cầu cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) đạt khoảng 28% từ 2021 đến 2028, dự kiến sẽ đạt hơn 500 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nguồn vốn đầu tư trở nên khan hiếm khi nền kinh tế toàn cầu biến động. TrueDoc nhờ sự kiên định với chiến lược phát triển bền vững, vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư.
“Khởi nghiệp trong y tế không thể bỏ tiền mua người dùng. Đó là con đường dài, cần sự kiên nhẫn và bền bỉ”, ông Hải chia sẻ. Đối với TrueDoc, việc xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững và gây dựng lòng tin với người tiêu dùng luôn là ưu tiên hàng đầu.
TrueDoc chọn không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà thay vào đó tập trung vào việc cải thiện liên tục sản phẩm và dịch vụ, củng cố mối quan hệ với đối tác, từ bác sĩ, bệnh viện, phòng khám đến các đơn vị bảo hiểm.
Với những gì đã đạt được, TrueDoc không giấu tham vọng tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. CEO Lê Ngọc Hải chia sẻ rằng trong 18 đến 24 tháng tới, startup dự định sẽ có cú bứt phá khi nền kinh tế và lĩnh vực y tế có thêm những động lực tăng trưởng mới.
Một trong những hướng đi mà startup này đang nghiên cứu là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chăm sóc sức khỏe, để có thể nâng cao trải nghiệm người dùng hơn nữa.
Dù vậy, ông Hải cũng thừa nhận rằng, để đạt được những bước tiến này, TrueDoc sẽ cần thời gian và sự đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu và phát triển. Trong ngắn hạn, startup sẽ tập trung hoàn thiện hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe cho các doanh nghiệp, gia đình, và cá nhân tại Việt Nam, với mục tiêu tăng trưởng ít nhất 300% trong năm nay.
Nhịp sống thị trường