MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời mua sim trả trước được khuyến mại “khủng”

16-12-2016 - 10:19 AM | Thị trường

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn vừa chỉ đạo Cục Viễn thông đề xuất phương án thúc đẩy thuê bao di động trả sau. Chính sách này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng thuê bao trả sau với các ưu đãi như khuyến mại để các thuê bao trả trước tự nguyện chuyển sang trả sau.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các sở TTTT ráo riết thanh, kiểm tra các nhà mạng, nhằm tránh khuyến mại “khủng” sai quy định của các nhà mạng với các sim trả trước.

Lách luật để khuyến mại

Việc phát triển sim trả trước ồ ạt như hiện nay là bởi người dùng thích thuê bao trả trước hơn vì tiện lợi, không phải ký hợp đồng. Bản thân các nhà mạng cũng khuyến khích phát triển thuê bao trả trước, bởi thu được tiền ngay. Để phát triển thuê bao trả trước, nhà mạng liên tục đưa ra những chương trình khuyến mãi, trong khi thuê bao trả sau hầu như rất ít ưu đãi. Bắt đầu từ 2005, khi thị trường viễn thông bùng nổ, để thu hút khách hàng trong thời điểm thị trường còn chưa định hình, các nhà mạng có quy mô lúc ấy là MobiFone, VinaPhone, Viettel cùng các đơn vị nhỏ hơn như S-Fone hay HT-mobile (sau này là Vietnamobile)... đã liên tục tung ra các chương trình khuyến mại nạp thẻ.

Khởi đầu với ưu đãi 50%, ngay khi có một nhà mạng tăng lượng khuyến mại, các đơn vị khác buộc phải lao theo để cạnh tranh. Mức ưu đãi dần lên tới 100%, 150% và có lúc lên tới 200% ở một vài đơn vị.

Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, tháng 7.2010, Bộ TTTT đã đưa ra quy định về việc không khuyến mại thẻ nạp hơn 50%. Quy định này đã phần nào kìm hãm cơn lốc khuyến mại “khủng”. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tìm đủ cách để lách luật, kéo thêm thuê bao mới. Nhiều đơn vị nhỏ còn buộc phải cạnh tranh theo hình thức như tặng tiền cho thuê bao mới hay táo bạo hơn là nghe cũng được tiền, hoặc SIM giá rẻ có tài khoản hàng tỉ đồng để tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Không có nguồn lực để chạy đua cũng như không giành đủ thị phần để duy trì hoạt động, đến năm 2013, lần lượt S-Fone và Beeline đã phải bỏ cuộc và dừng cung cấp dịch vụ, rút lui khỏi thị trường.Thay vì khuyến mại khủng, doanh nghiệp viễn thông giữ mức ưu đãi 50% giá trị thẻ nạp nhưng tăng tần suất ngày khuyến mại hay lách luật bằng cách ưu đãi riêng cho từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là các gói cước siêu rẻ dành riêng cho học sinh, sinh viên nhưng được sử dụng tràn lan bởi những khách hàng không nằm trong nhóm này.

Nhằm ngăn chặn thực trạng khuyến mại khủng, phát triển ồ ạt thuê bao trả trước tạo ra những hệ lụy như sim rác, tin nhắn rác, Bộ TTTT nhiều lần đề nghị các mạng di động phải có chính sách khuyến khích phát triển thuê bao trả sau nhưng các mạng di động không thực thi. Từ năm 2012, trước vấn nạn mua SIM thay thẻ và tỉ lệ thuê bao trả sau của các mạng di động chỉ chiếm 2-5% trong tổng số thuê bao của mỗi mạng, nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng cho rằng phải điều chỉnh giá cước giữa thuê bao trả sau và thuê bao trả trước để khuyến khích thuê bao trả sau phát triển. Tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2014 và tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thuê bao di động trả trước do Thanh tra Bộ TT&TT tổ chức, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách đối với thuê bao di động trả sau trong bối cảnh thuê bao di động trả sau giảm dần còn thuê bao di động trả trước đang phát triển thoải mái.

Phạt nặng khuyến mại sai quy định

Tại cuộc họp này giao ban quản lý nhà nước Bộ TTTT vào đầu tháng 12, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng đề nghị 3 doanh nghiệp di động lớn là VNPT, Viettel, MobiFone phải có chính sách khuyến khích ưu đãi cho thuê bao trả sau.“Từ nay giờ đến cuối năm 2016, sẽ nới khuyến mại trả sau và hạn chế khuyến mại cho thuê bao trả trước để khuyến khích thuê bao chuyển sang trả sau. Nếu doanh nghiệp khuyến mại sai quy định, ngoài việc phạt hành chính sẽ bị truy thu thuế đối với khoản khuyến mại sai này”, ông Trung nói.

Bộ TTTT cho biết, để khuyến khích thuê bao di động chuyển từ trả trước sang trả sau, nhà mạng phải rà soát, báo cáo thực tế các chính sách đang áp dụng với các thuê bao trả trước và trả sau như thế nào một cách toàn diện chứ không chỉ mỗi khía cạnh khuyến mại. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phân tích đánh giá để can thiệp một cách phù hợp nhất, căn cứ trên thẩm quyền được giao. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu trong tháng 12.2016, Cục Viễn thông phải đề xuất phương án giá cước chuyển vùng quốc tế; đề xuất phương án thúc đẩy thuê bao di động trả sau, chẳng hạn như có chính sách khuyến mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng thuê bao trả sau, để họ chuyển từ thuê bao trả trước sang thuê bao trả sau, hạn chế khuyến mại thuê bao trả trước....

Những động thái của Bộ TTTT gần đây cho thấy Bộ này đang mạnh tay siết chặt quản lý thị trường viễn thông, đặc biệt là thuê bao di động trả trước. Như vậy, sắp tới sẽ hết cảnh ồ ạt khuyến mại khủng thuê bao trả trước như hiện nay.

Theo Thông Chí

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên