Hiểm họa cháy nổ từ "chuồng cọp" chung cư
Liên tiếp các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đang gióng hồi chuông báo động về phòng chống cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng. Đặc biệt, việc cơi nới ban công ở các khu tập thể cũ đang tiềm ẩn không ít nguy hiểm khó lường.
- 14-12-2016Hà Nội chuyển sai phạm chung cư của Mường Thanh cho cơ quan điều tra để truy tố
- 12-12-2016Đây là lý do vì sao Đà Nẵng cấm xây chung cư cao tầng ngay trung tâm thành phố
- 12-12-2016Nhiều vướng mắc trong quản lý, vận hành nhà chung cư, tái định cư
Gây khó cho chữa cháy
Ghi nhận ở khu tập thể cũ tại khu vực Đền Lừ, Tôn Thất Tùng, Trung Tự... là nơi có nhiều “chuồng cọp” mọc lên nhanh chóng. Các hộ dân tự ý làm các “chuồng cọp” bằng những vật liệu đơn sơ, có khi chỉ là những tấm nhựa, mành tre... Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ gia đình lại dựng “chuồng cọp” kiên cố với hàng rào sắt, đổ bê tông… trông nhếch nhác và tiềm ẩn vô vàn tai họa. Thế nhưng, các “chuồng cọp” này vẫn tồn tại bao năm qua và thậm chí số lượng ngày càng tăng.
Ông Đặng Quý Lân, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi thường xuyên đi qua khu vực Đền Lừ và thấy rằng, nếu cứ 1 đến 2 nhà làm được thì người ta đua nhau làm theo. Nếu cứ phơi quần áo thế này thì làm mất mỹ quan thành phố. Thêm nữa, nếu xảy ra hỏa hoạn thì sẽ rất khó khăn cho lực lượng phòng cháy chữa cháy”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 8 thành phố Hà Nội cho biết: Chúng tôi thấy rằng sẽ rất khó để thoát nạn nếu xảy ra cháy đối với các hộ gia đình làm thêm các "chuồng cọp" kiểu này. Hơn nữa, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê tông... nên khi cháy xảy ra, lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn. Chưa kể mất thời gian để cắt “chuồng cọp”, tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân cũng sẽ không dễ dàng.
Tương tự, tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân và Cầu Giấy), tại các tòa nhà N5A, N5B, N5C, N5D; N6A, N6B... tất cả đều có những căn hộ được cơi nới. Đa phần đều là những khung sắt bao quanh ban công, một số bắn thêm tôn bao quanh khiến gây mất mỹ quan đô thị.
Cách đó không xa là khu tái định cư Nam Trung Yên, toàn bộ ban công của các tòa nhà B10A, B10B, B11A, B11B… đều bị bít kín. Đáng chú ý, tại tòa nhà phục vụ tái định cư trên phố Tạ Quang Bửu, dù mới hoàn thành năm 2003 nhưng toàn bộ ban công các căn hộ cũng đã bị quây kín bởi các thanh sắt.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Định, Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng CDCC nêu ý kiến, việc tự ý cơi nới xây dựng “chuồng cọp”, lấn chiếm khoảng không vô tình kéo “nhà” gần sát với đường dây điện, dây cáp viễn thông hơn. Ai có thể đảm bảo không có sự cố chập, cháy nổ xảy ra, khi tất cả những vật liệu dễ cháy ở rất gần nhau như vậy. Và đến lúc đó, hậu quả sẽ tăng thêm gấp bội bởi lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín.
Nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, để xảy ra tình trạng “chuồng cọp” bủa vây chung cư tại nhiều khu đô thị như hiện nay, có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị nắm giữ nhiệm vụ giám sát là Ban quản lý khu đô thị, chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng… Việc xây dựng, lắp đặt “chuồng cọp” không thể thực hiện trong một chốc, một lát. Nếu các đơn vị giám sát quản lý giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ, sẽ chẳng có hộ dân nào xây dựng được “chuồng cọp”.
Chấn chỉnh hoạt động xây dựng
Có thể nói, khi thiết kế chung cư, đơn vị chuyên môn phải tính toán kỹ lưỡng tất cả các mặt như độ chịu tải, lối thoát hiểm, khoảng trống lan can… Khi thiết kế được duyệt, tức là người sử dụng không được phép cơi nới thêm để gia tăng diện tích sử dụng.
Nhìn lại vụ cháy quán karaoke khiến 13 người chết và hàng loạt vụ cháy khu chung cư cao tầng trong thời gian vừa qua, dư luận bỗng giật mình khi hàng loạt chung cư cũ, thậm chí cả những khu đô thị mới đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Trước thực trạng trên, Phó Chánh Thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: “Việc các hộ dân tự ý xây dựng cải tạo những "chuồng cọp" đã gây ảnh hưởng tới không gian và kiến trúc của tòa nhà, hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và trách nhiệm xử lý thuộc UBND cấp xã, phường quy định tại điều 10 và điều 17 của nghị định này”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Thành, Phó Phòng Quản lý nhà Bất động sản, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cũng cho biết: “Theo cơ sở pháp lý, cần xử lý việc cơi nới cải tạo những lồng sắt và yêu cầu các hộ dân phải tự giác chấp hành việc tháo dỡ. Cần thiết, cũng có đủ chế tài theo quy định pháp luật để cưỡng chế và trả lại nguyên trạng ban đầu”.
Cụ thể, Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà ghi rõ: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.
Trong khi những khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố đang đợi chờ được xây dựng lại và ngày càng nhiều các khu chung cư mới sắp đưa vào sử dụng, thì ngay lúc này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, xử lý những vi phạm trật tự xây dựng. Hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động xây dựng, để tránh những tai họa đáng tiếc có thể xảy ra.
TTXVN