MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện thực hóa đô thị thông minh, đáng sống từ “Tuyên bố Hà Nội”

“Tuyên bố Hà Nội” là cam kết hành động của các quốc gia trong việc hiện thực hóa các giải pháp giao thông bền vững về môi trường...

Sau hơn chục phiên đối thoại chính sách, đại diện 25 nước tham gia Diễn đàn liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 tại Hà Nội (EST 12, diễn ra từ ngày 28 - 31/10) đã thống nhất thông qua văn bản “Tuyên bố Hà Nội”. Đây được xem là cam kết hành động của các quốc gia trong việc hiện thực hóa các giải pháp giao thông bền vững về môi trường để xây dựng thành phố thông minh, đáng sống.

Tích hợp chính sách, công nghệ 4.0

Ông C.R.C. Mohanty, điều phối viên chương trình môi trường (UNCRD, Liên hợp quốc) cho rằng, việc tham gia nhiệt tình của đại diện các nước, thành phố tại Diễn đàn EST 12 cho thấy Chính phủ các nước rất quan tâm đến vấn đề giao thông bền vững về môi trường tại các thành phố.

“Tuyên bố Hà Nội mà 25 quốc gia thành viên nhất trí ký thông qua, tuy không có giá trị ràng buộc về pháp lý nhưng thể hiện sự tự nguyện, cam kết của các quốc gia, thành phố về hiện thực hóa thành phố thông minh, đáng sống”, ông Mohanty nói.

Thành phố thông minh, theo đề cập tại “Tuyên bố Hà Nội”, được hiểu là nơi an toàn hơn, sôi động về kinh tế, bao trùm về xã hội và bền vững về môi trường. Điều này cần được hiện thực hóa bằng tích hợp từ công nghệ thông minh, với công dân và quản trị thông minh để nâng cấp hệ thống GTVT, phân phối năng lượng, nâng cao chất lượng nước và không khí, quản lý rác thải và thoát nước, nâng cấp các cơ sở chăm sóc y tế, giáo dục và dịch vụ công của thành phố đạt mục tiêu phát triển bền vững.

“Thúc đẩy các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới giao thông với quản lý giao thông hiệu quả, giao thông công cộng, hệ thống hạ tầng dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, mạng lưới đường bộ tối ưu hóa, hệ thống đỗ xe được quản lý tốt, tăng trưởng thông minh. Trong hoạch định phát triển lấy giao thông làm trung tâm, sử dụng đa dạng các giải pháp thông minh như: Vạn vật kết nối, công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống giao thông thông minh, cảm biến, app và thiết bị di động thông minh”, nội dung bản tuyên bố nêu.

Diễn đàn cũng nhất trí công nhận các tiến bộ công nghệ gần đây như cảm biến tự động và hệ thống dẫn hướng được sử dụng cho tàu điện không ray; trí tuệ nhân tạo, hệ thống giao thông thông minh, khai thác dữ liệu lớn Big Data... có thể sử dụng trong quản lý ùn tắc, hoạch định giao thông và tăng cường kết nối đa phương thức.

Theo ông Madan Banhu Regmi, đại diện Ủy ban Kinh tế xã hội và môi trường của Liên hợp quốc, hạn chế hiện nay ở nhiều quốc gia, đô thị là thiếu chính sách tích hợp GTVT để đạt mục tiêu giao thông bền vững về môi trường. “Hiện, kế hoạch quản lý vận tải vẫn bị phân tán, chẳng hạn vận tải đường thủy là phương thức thân thiện nhất với môi trường, nhưng ít được khai thác hiệu quả. Vì vậy, cần đặt vấn đề xây dựng chính sách tích hợp các phương thức vận tải để đạt hiệu quả vận tải và môi trường bền vững?”, ông Regimi nói.

Trong khi đó, ông Shoba Yashi, đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, khi triển khai dự án giao thông tại Philippines, dự án đã đề xuất thành công nước này ban hành đạo luật bộ tiêu chuẩn khí thải, không gian xanh mở và đạo luật giao thông bền vững.

Cụ thể hóa bằng chính sách phát triển

“Theo báo cáo tại diễn đàn, giữa các thành phố ở châu Á hiện có khoảng cách khá lớn về sự hiện đại của cơ sở hạ tầng và cần khoảng hơn 8 nghìn tỷ USD để đầu tư cho giai đoạn đến năm 2030. Tuy vậy, tại hầu hết các nước, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước bị hạn chế, nên giải pháp quan trọng là thu hút tài chính từ khu vực tư nhân thông qua quy hoạch sử dụng đất, từ các ngân hàng phát triển đa phương, các nhà tài trợ.”

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, phát triển giao thông công cộng vận tải số lượng lớn và bền vững với môi trường là xu thế tất yếu mà các đô thị phải hướng đến. Hiện, Hà Nội đã phát triển hệ thống xe buýt kết nối trung tâm với tất cả huyện và có hai tuyến đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội) đang khẩn trương xây dựng để đi vào hoạt động trong vài năm tới.

“Các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu từ các nguồn ngân sách, ODA, PPP song cũng nảy sinh khó khăn về vốn, cơ chế thu hút đầu tư. Hà Nội sẽ tiếp tục vận dụng các sáng kiến, chia sẻ của các nước, thành phố để phát triển thành phố hiện đại, giao thông bền vững với môi trường”, ông Hùng cho biết.

Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) Trần Ánh Dương cũng cho biết, điểm mới đáng chú ý trong Diễn đàn EST 12 lần này là kêu gọi ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 vào GTVT để hiện thực hóa các thành phố thông minh thông qua các giải pháp giao thông bền vững với môi trường, phát thải carbon thấp, đề xuất khái niệm hành lang vận tải nhanh tại đô thị.

“Chúng ta đang kiểm soát khí thải xe ô tô theo lộ trình nâng cao dần tiêu chuẩn khí thải, hướng tới kiểm soát khí thải xe máy. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đều đã có các quy hoạch phát triển mạng lưới tàu điện, cũng như đang triển khai một số dự án. Từ các kinh nghiệm, ý tưởng tại diễn đàn, chúng tôi sẽ đề xuất các giải pháp để phát triển GTVT đô thị bền vững với môi trường trong các quy hoạch, chiến lược định hướng phát triển”, ông Dương cho biết.

“Khi Chính phủ cấp vốn cho địa phương, địa phương thường ưu tiên xây dựng đường bộ mà chưa có sự tiếp cận tổng thể về đảm bảo môi trường. Vì vậy, ngay từ khi lập một dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án lớn cần lồng ghép ngay các yếu tố về bảo vệ môi trường và đảm bảo phải tuân thủ theo các mục tiêu, tiêu chí, chương trình, thỏa thuận quốc tế về môi trường”, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu vấn đề mà Việt Nam sẽ nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn:

Việt Nam tăng cường hoạt động chính sách thúc đẩy GTVT bền vững

"Tuyên bố Hà Nội" thể hiện rõ mối quan tâm chung của các nước khu vực châu Á và cộng đồng trong việc thúc đẩy GTVT bền vững với môi trường. Tuyên bố cũng góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Tôi mong rằng, Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc với vai trò là đầu mối tổ chức Diễn đàn EST phối hợp với các quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các nước khu vực châu Á sớm đạt được sự phát triển đô thị toàn diện và bền vững, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, kể cả những người dễ bị tổn thương và người yếu thế trong xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ GTVT VN sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động chính sách nhằm thúc đẩy GTVT bền vững với môi trường tại Việt Nam. Chủ động, tích cực trong hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ về triển khai hệ thống giao thông thông minh, phát thải carbon thấp tại các thành phố, góp phần thực hiện các nội dung mà "Tuyên bố Hà Nội" đã đề ra.

Theo Thanh Thúy - Huy Lộc

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên