MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng lạ mưa lớn khuynh đảo những khu vực thường khô hạn

19-04-2024 - 19:01 PM | Tài chính quốc tế

Trong những ngày gần đây, mưa lớn bất thường gây ngập lụt kéo theo nhiều thiệt hại đã được ghi nhận ở Pakistan, Afghanistan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Điểm chung của những quốc gia này là vốn quen với khô hạn.

Bất ngờ không kịp trở tay

Hiện tượng lạ mưa lớn khuynh đảo những khu vực thường khô hạn- Ảnh 1.

Ngập lụt do mưa lớn tại Dubai, UAE ngày 18/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Kênh CNN (Mỹ) ngày 17/4 dẫn lời người phát ngôn của Bộ Quản lý Thảm họa Afghanistan – ông Mullah Janan Sayeq cho biết mưa lớn và lũ lụt ở 23 tỉnh đã khiến 66 người thiệt mạng và 36 người khác bị thương. Người phát ngôn này bổ sung rằng đã có 600 động vật chết và hơn 1.200 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần trong trận lụt.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ở Afghanistan hôm 16/4 cho biết mưa lớn và lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 1.200 gia đình và làm hư hại gần 1.000 ngôi nhà.

Trong khi đó, mưa lớn cũng đã tàn phá khu vực biên giới Pakistan, với 32 người thiệt mạng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. Ngoài ra, còn có 8 trường hợp tử vong ở tỉnh Balochistan.

Chính quyền địa phương cho biết, gần 170 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và hơn 1.250 ngôi nhà bị hư hại một phần. Mưa lớn xối xả là điều bất thường tại khu vực vào thời điểm này trong năm bởi Pakistan thường đón mùa gió mùa trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9.

Tương tự như Pakistan, UAE cũng phải hứng chịu mưa lớn bất thường chưa từng có. Theo Cơ quan Khí tượng UAE, ngày 16/4, nước này ghi nhận lượng mưa kỷ lục 254 mm trong vòng chưa đầy 24 giờ ở thành phố Al Ain. Đó là lượng mưa cao nhất kể từ năm 1949.

Mưa cũng trút xuống ở Bahrain, Oman, Qatar và Saudi Arabia nhưng đạt ngưỡng nghiêm trọng trên khắp UAE. Theo một số chuyên gia, UAE thiếu nhiều cơ sở hạ tầng thoát nước cần thiết để xử lý mưa lớn. Thông thường quốc gia này chỉ đón mưa vài lần trong năm. Mưa rất hiếm ở UAE và những nơi khác trên Bán đảo Arab, nơi có khí hậu sa mạc khô hạn.

Mưa lớn bất thường đã nhấn chìm đường phố Dubai trong biển nước, gây gián đoạn giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương. Oman, cũng xác nhận đã có 19 người thiệt mạng, sau 3 ngày mưa lớn liên tiếp.

Tác động khó lường

Hiện tượng lạ mưa lớn khuynh đảo những khu vực thường khô hạn- Ảnh 2.

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Nowshera, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, Pakistan, ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Pakistan được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu nhất trên thế giới mặc dù nước này chỉ phát thải chưa đến 1% lượng khí thải khiến Trái Đất nóng lên. Quốc gia Nam Á này đã phải đối mặt với nhiều tình trạng thời tiết khắc nghiệt. Trong đó có thể kể đến đợt nắng nóng kỷ lục và lũ lụt thảm khốc đã nhấn chìm 1/3 diện tích đất nước vào năm 2022, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Cơ quan Khí tượng UAE ngày 17/4 đã bác bỏ nghi vấn mưa nhân tạo dẫn đến trận mưa chưa từng có trong 75 năm. Phó giám đốc Cơ quan Khí tượng UAE - ông Omar Al Yazedi khẳng định cơ quan này không làm mưa nhân tạo trong thời diễn ra trận mưa lịch sử.

Về phần Afghanistan, quốc gia này đã quay cuồng sau nhiều năm xung đột và thiên tai. Chỉ riêng năm 2023, hơn 150 người đã chết vì đợt lạnh mùa Đông khắc nghiệt, sau đó là hàng chục người tử vong bởi lũ quét. Tháng 10/2023, một trận động đất độ lớn 6,3 đã làm rung chuyển tỉnh Herat phía Tây nước này, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

Dưới đây là video cho thấy hiện trường ngập lụt tại huyện Lal Pur, tỉnh Nangarhar, Afghanistan ngày 15/4 (nguồn: Reuters):

Theo kênh CNN (Mỹ), những trận mưa cực lớn đang trở nên phổ biến hơn khi bầu không khí ấm lên do biến đổi khí hậu. Không khí ấm hơn có thể hút nhiều hơi ẩm hơn và sau đó "bùng phát" dưới dạng mưa lũ.

Hơn nữa, Euro News phân tích rằng nhiều yếu tố khác nhau có thể góp phần gây ra thay đổi đột ngột về thời tiết - bao gồm El Nino, La Nina và biến đổi khí hậu. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bản thân đất đai cũng có thể có tác động. Ở những vùng khô hạn, thời tiết nóng và áp suất thấp hút độ ẩm từ các khu vực khác như đại dương, làm tăng khả năng xảy ra lượng mưa nguy hiểm.

Vào năm 2023, ông Karim Elgendy tại Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định biến đổi khí hậu gia tăng có thể khiến Trung Đông đối mặt với nghịch cảnh lượng mưa giảm nhưng số lượng các trận mưa lớn tại tăng.

Theo ông Elgendy, trong khi biến đổi khí hậu nhìn chung sẽ làm tăng lượng mưa trên toàn cầu, thì Trung Đông sẽ là một ngoại lệ. Ông nói: “Chúng ta sẽ có những đợt hạn hán kéo dài hơn và một khi trời mưa, nó sẽ như lũ lụt. Ông dự đoán rằng sẽ có “tác động thứ cấp” đối với nông nghiệp, du lịch và phát triển. Bên cạnh đó là tác động đối với cấu trúc xã hội, di cư và nhu cầu tài nguyên.

Đáng chú ý, các chuyên gia cảnh báo, khi biến đổi khí hậu làm các đại dương ấm lên, các quốc gia vùng Vịnh sẽ phải hứng chịu những trận mưa bão lớn hơn và thường xuyên hơn. Phát biểu với hãng tin Al Arabiya, ông Mohammed Mahmoud tại Viện Trung Đông có trụ sở ở Washington D.C. phân tích: “Thời tiết nóng lên dẫn đến đại dương ấm hơn. Phần lớn điều này có liên quan đến biến đổi khí hậu, làm nóng bầu khí quyển và đại dương, đặc biệt là các vùng biển gần xích đạo hơn, như Ấn Độ Dương và Biển Arab. Vùng biển ấm hơn là mầm mống phát sinh các cơn bão và thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy tấn công châu Phi”. Bên cạnh đó, ông cho rằng, các kiểu khí hậu như El Nino làm tăng thêm tình trạng thời tiết nóng lên và ẩm ướt hơn ở nhiều vùng ở Trung Đông.

Theo Hà Linh

Báo Tin Tức

Trở lên trên