Hiện tượng 'mọi thứ đều tăng giá' kỳ lạ trên Phố Wall: Nhà đầu tư điên cuồng rót tiền, giới phân tích liên tiếp cảnh báo về bong bóng
Nhận định với Financial Times, các chuyên gia cho biết thị trường chứng khoán đã ghi nhận đà tăng quá nóng. Hoạt động mua cổ phiếu đã diễn ra "điên cuồng" đến mức nhiều công ty môi giới và quản lý tài sản lớn nhất Phố Wall cũng phải chật vật để bắt kịp. Dẫu vậy, những rủi ro lớn vẫn đang dần xuất hiện trên thị trường.
- 14-11-2020Bloomberg: Thông tin về vắc-xin đã phá vỡ quả bong bóng dot-com đang được bơm phồng trên Phố Wall
- 29-10-2020Bong bóng công nghệ: Nỗi lo trở lại mỗi khi thị trường sập
- 20-10-2020'Tiếp bước' Warren Buffett, nhà đầu tư nước ngoài rót 13,5 tỷ USD vào TTCK Nhật Bản sau 3 thập kỷ lo ngại về bong bóng
"Đà tăng điên cuồng là điều không thể tránh khỏi
Theo Dowdetector – trang web chuyên theo dõi các vấn đề dịch vụ trực tuyến, hầu hết các công ty môi giới lâu đời như Charles Schwab và Merrill Lynch cho đến những nền tảng mới như Robinhood, đều phải chứng kiến ít nhất 1 lần ngừng hoạt động trong tháng 11 khi hệ thống bị quá tải.
Thomas Peterffy – tỷ phú sáng lập Interactive Brokers, cho biết môi trường hiện tại không giống như những gì ông từng chứng kiến, nhưng không phải là điều khó hiểu. Ông nói: "Chính sách tiền tệ giờ đây đã quá dễ dàng. Tại sao không đi vay khi bạn có thể và rót tiền vào chứng khoán? Đó là những gì khách hàng của chúng tôi đang làm và họ kiếm được rất nhiều tiền."
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thúc đẩy đà hồi phục mạnh mẽ của TTCK sau cú sốc Covid-19. Nhưng giờ đây, họ đang bị cạnh tranh gay gắt bởi sự tham gia của các đối thủ nặng ký trong lĩnh vực đầu tư - vốn đang giúp củng cố và mở rộng chu kỳ tăng giá "nóng" nhất trong lịch sử tài chính.
Chỉ số MSCI All-Country World đã tăng thêm 12,2% trong tháng 11 – ghi nhận tháng khởi sắc nhất từ trước đến nay, và lập đỉnh mới. Vốn hóa của chỉ số này đã tăng thêm 30 tỷ USD kể từ mức thấp nhất trong tháng 3.
Vốn hóa của MSCI All-Country World tăng vọt trong tháng vừa qua.
Hơn nữa, giai đoạn hiện tại của đà tăng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố vốn thụt lùi trong thời điểm đại dịch mới bùng phát, chẳng hạn như cổ phiếu năng lượng, hàng không, khách sạn, ngân hàng châu Âu, các công ty nhỏ tại Mỹ và thị trường mới mới nổi.
Giờ đây, thị trường toàn cầu đang chứng kiến cảnh mà 1 số nhà phân tích gọi là "cơn sóng tăng giá của tất cả mọi thứ", từ trái phiếu rác, đồng, dầu và thậm chí là cả bitcoin. Các loại tài sản duy nhất chịu ảnh hưởng là "hầm trú ẩn", ví dụ như trái phiếu Kho bạc Mỹ và vàng.
Diễn biến "điên cuồng" như vậy dường như là một điều không thể tránh khỏi. Sự thay đổi trong tháng 11 từ lạc quan sang trạng thái gần như hưng phấn còn được châm ngòi bởi một số yếu tố khác. Thứ nhất, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã có kết quả rõ ràng và đảng Dân chủ không giành được quyền kiểm soát Thượng viện. Sau đó, BioNTech-Pfizer, Moderna và Đại học Oxford thông báo rằng vắc-xin của họ có hiệu quả hơn mong đợi.
Chưa dừng ở đó, kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp cũng củng cố tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Tuần trước, nhiều hãng tin cho biết ông Biden sẽ bổ nhiệm cựu Chủ tịch Fed – Janet Yellen, làm Bộ trưởng Tài chính. Từ đó thúc đẩy triển vọng hoạch định chính sách tài khóa-tiền tệ tích cực ứng phó với hậu quả của Covid-19.
Những mối lo ngại bắt đầu lộ rõ
Trái lại, một số nhà đầu tư và nhà phân tích hiện vẫn không an tâm về khả năng hồi phục. Vắc-xin hiệu quả có thể ngăn chặn Covid-19, nhưng hiện tại dịch bệnh này vẫn tiếp tục lây lan và những thiệt hại khủng khiếp nó gây ra sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục.
Các chỉ số lớn đồng loạt tăng điểm kể từ khi Pfizer-BioNTech đưa ra thông báo về vắc-xin.
Nhận thấy những dấu hiệu kém lạc quan, chiến lược gia đầu tư trưởng của Bank of America – Michael Harnett, khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm mức độ tiếp xúc với cổ phiếu trong những tuần và tháng tới. Ông cho rằng, thị trường đang tiến đến giai đoạn "tăng trọn vẹn" và dễ có khả năng lao dốc.
Jeremy Grantham – nhà sáng lập của tập đoàn đầu tư GMO, nhận định dù tình hình hiện tại khá lạc quan, nhưng thị trường đã vượt qua giai đoạn "tăng trọn vẹn" và đang dần rơi vào giai đoạn "tan chảy", với mức định giá gần như ngang bằng 2 "quả bong bóng" lớn nhất trong thế kỷ qua.
Giai đoạn đầu của đợt tăng giá mạnh này được hỗ trợ bởi gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ từ các NHTW và chính phủ trên khắp thế giới, với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD. Các nhà phân tích nhận định, tác động của việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục là động lực trong nhiều năm tới và vẫn là yếu tố chi phối thị trường.
Các nhà quản lý quỹ không kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được cải thiện kể từ năm 2002, theo cuộc khảo sát của BoA. Dự trữ tiền mặt của các quỹ giảm 1,8 điểm phần trăm trong 7 tháng – mức sụt giảm mạnh nhất từ trước đến nay, xuống còn gần 4%. Dẫu vậy, nhờ những "chất xúc tác" trên, sự hứng khởi của họ lại tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018.
Dẫu vậy, những mối rủi ro vẫn ẩn hiện trên thị trường khi mọi nơi đều tràn ngập các gói kích thích. Những thị trường thăng hoa nhờ thông tin về vắc-xin có thể sẽ quên đi những mối lo về triển vọng kinh tế u ám và những thiệt hại lâu dài mà đại dịch gây ra. Ngay cả Morgan Stanley – một trong những ngân hàng đầu tư thuộc phe "con bò" trên Phố Wall, cũng thừa nhận rằng "quả bong bóng" có nguy cơ xảy ra do đà tăng gần đây.
Dù sự tiến triển của quá trình nghiên cứu vắc-xin là một yếu tố cực kỳ tích cực, nhưng một số nhà kinh tế chỉ ra rằng sẽ mất tới 1 năm để các công ty có thể sản xuất và phân phối đủ số lượng đủ cho cả thế giới. Trong khi đó, làn sóng dịch bệnh tiếp theo đang đe dọa đến sự hồi phục vào mùa hè sắp tới.
Theo Deutsche Bank, những đợt phong tỏa mới tại châu Âu sẽ khiến các nền kinh tế lớn của khu vực hứng chịu một đợt sụt giảm khác. Tại Mỹ, kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tuần trước có thể trở thành một "sự kiện siêu lây nhiễm" và cũng dẫn đến đợt suy thoái khác trong quý I/2021.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lưu ý rằng 2 cuộc bầu cử cho 2 vị trí tại Thượng viện vào tháng 1 cũng có thể khiến thị trường đảo lộn. Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, thì họ sẽ kiểm soát cả mặt hành pháp và lập pháp. Theo đó, gói kích thích mới khả năng cao được thông qua, nhưng thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên và các động thái quản lý tích cực hơn với chương trình nghị sự sẽ được đưa ra. Bởi vậy, thị trường có thể sẽ "trượt chân".
Trong khi đó, các chính phủ không muốn duy trì thêm các biện pháp kích thích và chi tiêu công quá nhanh - như đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này có thể làm suy yếu đà phục hồi của thị trường, các nhà phân tích khác cảnh báo.
Các nhà phân tích lo ngại rằng một năm tốt đẹp hơn nhưng cả 1 thập kỷ biến động hơn có thể là hệ quả tất yếu của các biện pháp mà chính phủ, NHTW thực hiện kể từ tháng 3.
Tuy nhiên, nhà đầu tư theo phe "con bò" vẫn không hề nản lòng. Thomas Peterffy tính toán rằng với việc các chính phủ mở rộng sự hỗ trợ, TTCK sẽ tăng giá gấp đôi trong 3 năm tới, dù sẽ gặp một số "trục trặc" trên chặng đường này. Sự thăng hoa vẫn sẽ diễn ra, trong khi ông nghi ngờ rằng lạm phát là điều không thể tránh khỏi và sẽ "nuốt chửng" phần lớn lợi nhuận khi thị trường nhận ra thực thế. Dẫu vậy, ông nhận định: "Điều này dường như sẽ không sớm kết thúc."
Jeremy Grantham cho hay, sự hưng phấn là điều đương nhiên sẽ diễn ra trong bối cảnh chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng trong nhiều năm tới và các loại vắc-xin có hiệu quả cao. Dẫu vậy, ông hoài nghi rằng khi vắc-xin thực sự được đưa vào sử dụng trên quy mô lớn và đại dịch được kiểm soát, rất nhiều nhà đầu tư sẽ nhận ra rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt vấn đề hóc búa ngày càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch gây ra.
Tham khảo Financial Times