"Hiện tượng" SSB và SHB
Riêng phiên 26/3, SHB giao dịch tới gần 80 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng - chiếm gần một nửa tổng giá trị giao dịch của cả sàn HNX cùng phiên.
- 24-03-2021Cổ đông ngân hàng năm nay thích cổ phiếu hơn
- 24-03-2021SeABank chính thức niêm yết 1,2 tỷ cổ phiếu trên HoSE, giá tăng kịch trần bất chấp thị trường "rực lửa"
- 23-03-2021Ngân hàng "sóng" lớn, nhà đầu tư không còn chê cổ tức cổ phiếu
Một tuần biến động mạnh trên thị trường chứng khoán vừa kết thúc với nhiều cổ phiếu mất giá mạnh. VNIndex chốt tuần tại 1.162,21 điểm, giảm hơn 30 điểm so với tuần trước đó. Trong dòng ngân hàng, đa số các cổ phiếu điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng liên tục, song cũng có những cổ phiếu gây bất ngờ lớn với nhà đầu tư, trở thành "hiện tượng" thu hút sự chú ý.
Đầu tiên là cổ phiếu SSB của SeABank. Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu chào sàn ngày 24/3 của ngân hàng này diễn ra đúng hôm thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên SSB lại ngược chiều tăng kịch trần tới 20% ngay khi chào sàn với dư mua trần tới hơn 10 triệu đơn vị chỉ trong phiên ATO. Những giờ sau đó, lệnh mua trần tiếp tục "chất" trên sàn nhưng không có người bán.
Điệp khúc dồn dập mua giá trần nhưng không có người bán tiếp tục diễn ra với SSB trong 2 phiên còn lại, đóng cửa tuần qua tại giá 23.050 đồng, tương đương tăng tổng cộng 37% so với giá chào sàn. Diễn biến này của SSB khiến thị trường không khỏi liên tưởng tới cổ phiếu BAB của Bac A Bank trước đó khi chào sàn tăng một mạch 6 phiên trần liên tiếp.
Cổ phiếu SHB cũng là một hiện tượng của tuần vừa qua. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu 26/3, khi thị trường sụt giảm mạnh, có lúc mất hơn 20 điểm, các cổ phiếu ngân hàng mất giá mạnh thì SHB cuối phiên sáng bất ngờ đảo chiều ngoạn mục, chuyển từ màu đỏ chuyển sang sắc tím sau khi 5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Phiên chiều, cổ phiếu SHB tiếp tục giữ được màu xanh và đóng cửa lại tăng trần.
"Hiện tượng" của SHB không chỉ ở giá mà còn đến từ khối lượng giao dịch. Thanh khoản của cổ phiếu này luôn thuộc nhóm cao nhất trong dòng ngân hàng, nhưng thời gian gần đây còn cao hơn nữa, với khối lượng giao dịch thường xuyên lên trên 40 triệu đơn vị, riêng phiên 26/3 giao dịch tới gần 80 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.500 tỷ đồng - chiếm gần một nửa tổng giá trị giao dịch của cả sàn HNX cùng phiên.
Ở các ngân hàng khác, giá cổ phiếu thời gian gần đây dù không có đột biến, không tạo thành "hiện tượng"riêng song thường duy trì đà tăng là chủ yếu và giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Hầu hết các cổ phiếu lập kỷ lục về giá, chẳng hạn VIB, OCB, MBB, NVB, TPB. Nhóm ngân hàng có lợi thế nhờ loạt thông tin tích cực về tình hình kinh doanh và chi trả cổ tức mạnh tay cùng kế hoạch năm 2021 đầy lạc quan.