Hiệp định RCEP sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nào?
Hiệp định RCEP tạo ra thị trường có quy mô khoảng 3,6 tỷ dân và GDP xấp xỉ 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 32% GDP toàn cầu.
- 11-11-2020Hôm nay (11/11), Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ KHCN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
- 11-11-2020Những chính sách dự kiến của ông Biden và hàm ý đối với Việt Nam
- 10-11-2020Thủ tướng cam kết dành 25.000 tỉ đồng cho Đồng bằng sông Cửu Long
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một trong 13 mục tiêu ưu tiên của năm ASEAN 2020, được tất cả các nước quan tâm và tập trung nguồn lực cao nhất với nhằm kết thúc đàm phán và đi đến ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
Khi hiệp định được thực thi với 16 thành viên sẽ trở thành một thị trường có quy mô khoảng 3,6 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 47,5% dân số thế giới, và GDP xấp xỉ 27.000 tỷ USD, chiếm khoảng 32% GDP toàn cầu.
Các Bộ trưởng RCEP đã thống nhất được kế hoạch kết thúc các vấn đề còn tồn tại. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành công của Hiệp định sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch, phục hồi kinh tế.
RCEP được cho là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng DN và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên nguyên tắc, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực.
Vì vậy, ngay từ đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song rất nhiều phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán đã được tổ chức theo hình thực trực tuyến. Ở cấp Bộ trưởng, tiếp theo phiên họp nội bộ ASEAN vào tháng 3 và Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10 vào cuối tháng 6, ngày 27/8 và qua, các Bộ trưởng RCEP đã tiếp tục cùng ngồi lại để tìm hướng giải quyết đối với các vấn đề còn tồn đọng cuối cùng.
Tại Hội nghị này, với sự chủ trì của Việt Nam, các Bộ trưởng RCEP đã thống nhất được kế hoạch kết thúc các vấn đề còn tồn tại, như việc xác định các quy tắc bổ sung đối với các dòng thuế, hàm lượng nội địa của sản phẩm xuất khẩu… Các Bộ trưởng khẳng định quan điểm duy trì mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm 2020 như chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo, đồng thời tiếp tục nỗ lực để Ấn Độ có thể tham gia Hiệp định này.
Nhận định về những lợi ích (dự kiến) mang lại cho Việt Nam khi có Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cho rằng: Hiệp định này sẽ mở thêm cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp…
Đối với Việt Nam, RCEP nếu cân đong, đo đếm các lợi ích cụ thể về kinh tế, thương mại và đầu tư… sẽ cần tính toán kỹ hơn. Tuy nhiên, trong chiến lược hội nhập thì RCEP là một mắt xích, một điểm nhấn cần thiết để đảm bảo những hoạt động tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập để từ đó tạo ra sự lan tỏa trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội bền vững và thực hiện các cải cách để hoàn thiện thể chế, pháp luật cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước và nền kinh tế là rất rõ ràng và rất có ý nghĩa.
“Cùng với các FTA khác, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA thì RCEP sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cho các mục tiêu nền tảng cũng như những chiến lược dài hạn của Việt Nam. Và chắc chắn rằng, Việt Nam thông qua RCEP – nếu được ký kết thì sẽ tiếp tục khẳng định mình là một quốc gia có vai trò và vị thế vô cùng quan trọng trong toàn cầu hóa và hội nhập của khu vực đối với thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tại Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng kinh tế của RCEP lần thứ 8 (ngày 27/8/2020), Bộ Trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn (Zhong Shan), cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của RCEP đối với kinh tế khu vực và toàn cầu.
“RCEP có thể đảm bảo được hệ thống thương mại đa biên, đảm bảo được an ninh an toàn và ổn định của các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng của khu vực. Ngoài ra, hiệp định cũng giúp xây dựng một nền kinh tế mở, thúc đẩy sự tăng trưởng của các nền kinh tế trên toàn cầu. Trung Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn có vai trò tích cực đóng góp cùng với tất cả các bên có liên quan thúc đẩy tiến trình đàm phán RCEP”, Bộ trưởng Zhong Shan cho biết.
Qua các phiên thảo luận, vòng đàm phán, hội nghị đều khẳng định, vai trò của RCEP trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới và khu vực. Nếu RCEP được ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay, sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng DN và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với Hệ thống thương mại đa phương mở, đồng bộ và dựa trên nguyên tắc.
Theo VOV