MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có thể ký kết trước mùa hè 2018

EVFTA dự kiến được ký kết trước mùa hè năm 2018 và sau đó sẽ được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam. Kế hoạch ký kết trước đó là vào tháng 12/2017...

Kinh tế Việt Nam 2018 được kỳ vọng sẽ chuyển mình từ mọi góc độ, đáng chú ý là sự khởi sắc của hoạt động xuất nhập khẩu với việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực hoặc tiếp tục được triển khai trên phạm vi rộng hơn. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến được ký kết trong năm 2018 sẽ là bước ngoặt mới trong chặng đường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước EU. 

Nhân dịp xuân mới Mậu Tuất, Thời báo Kinh tế Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam xung quanh tiến trình đàm phán và thực thi hiệp định này.

Thưa ông, đã hơn 5 năm kể từ thời điểm Việt Nam và EU bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về EVFTA song đến nay hiệp định này vẫn chưa được ký kết. Xin ông cập nhật thông tin về việc triển khai EVFTA để các bên có thể sớm phê chuẩn?

EVFTA dự kiến được ký kết trước mùa hè năm 2018 và sau đó sẽ được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam. Trước đây đã có kế hoạch về việc ký kết diễn ra trong tháng 12/2017.

Tuy nhiên, do quá trình rà soát pháp lý bởi các chuyên gia hai bên kéo dài hơn dự kiến, việc tái cơ cấu của EU, phán quyết của Tòa án châu Âu liên quan tới các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nên hiệp định này sẽ được phê chuẩn và đi vào hiệu lực khi có sự đồng ý của Quốc hội mỗi nước thuộc Liên minh.

Chậm trễ đã xảy ra song tôi nghĩ việc ký kết giữa cấp độ Chính phủ Việt Nam và EU (Liên minh châu Âu) sẽ sớm diễn ra và không vướng vấn đề gì. Khó khăn sẽ chỉ là chờ đợi sự thông qua của Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam.

Ký kết hiệp định là quan trọng, nhưng kinh nghiệm cho thấy, trước khi ký kết cần có sự chuẩn bị thật tốt cho quá trình thực thi sau đó sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Đã có 20 chuyên gia châu Âu được cử để hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị thực hiện lộ trình này.

Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác và điều phối của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong nỗ lực đưa hiệp định này đi đến ký kết?

Tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EU chuẩn bị các bước cần thiết để triển khai các thỏa thuận của EVFTA trong năm 2018. Việc hai bên ký kết Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) sẽ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn EVFTA và phát triển bền vững.

Trong những năm đàm phán EVFTA, bức tranh kinh tế châu Âu và Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ông kỳ vọng gì về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU sau khi EVFTA có hiệu lực?

Tôi tin chắc chắn là kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU sẽ tăng đáng kể sau khi EVFTA được thực hiện. Trong đó, các ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh như dệt may, thủy sản, da giày... dự kiến sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, EU nhập khoảng 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, các mặt hàng điện tử, điện thoại chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tốt. Lãnh đạo Việt Nam thường xuyên bày tỏ mong muốn EU tăng cường đầu tư sang Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam.

Khi việc chuẩn bị áp dụng EVFTA được hoàn tất, lợi thế so sánh của Việt Nam trong khối ASEAN sẽ tăng lên. Nhiều người có thể sẽ nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ASEAN.

Thưa Đại sứ, trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ EU. Thời gian tới, EU có những kế hoạch gì dành cho Việt Nam?

Như các bạn biết, EU là nhà tài trợ không hoàn lại hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay EU đang tập trung hỗ trợ kỹ thuật dành cho Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và tài chính công.

EU có hai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Chương trình thứ nhất là Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP), nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong hoạt động đầu tư và thương mại với EU. Chương trình thứ hai dành riêng cho khu vực ASEAN, hướng tới hỗ trợ khu vực thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó có một nội dung hỗ trợ dành riêng cho Việt Nam.

EU đang làm việc tích cực với Bộ Công Thương, tập trung hỗ trợ cho phía Việt Nam cải thiện năng lực thực thi hiệp định, nhất là lĩnh vực an toàn thực phẩm. Ngoài ra, EU còn hỗ trợ Bộ Tài chính Việt Nam trong lĩnh vực quản lý tài chính công, nhằm giúp Việt Nam cân bằng cán cân tài khóa, trong bối cảnh nguồn thu của Việt Nam từ thuế xuất khẩu sẽ giảm khi thực hiện các FTA.

Thời gian tới, khi các chương trình viện trợ phát triển từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam chấm dứt, EU vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục giúp đỡ Việt Nam.

Việc duy trì hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam đảm bảo quản trị kinh tế phát triển bền vững theo lộ trình đã đặt ra trước đó - điều này có ý nghĩa then chốt cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sau này. Trong tương lai, EU có những chương trình hỗ trợ hết sức cụ thể dành cho Việt Nam.

Ngay trên bàn làm việc của tôi hiện có nội dung đã và sẽ gửi đi các nhà lãnh đạo Việt Nam liên quan đến việc mở rộng chương trình viện trợ dành cho quản lý tài chính công với Bộ Tài chính, hỗ trợ Bộ Tài chính trong triển khai và sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quản lý nợ công đảm bảo nợ công trong tầm kiểm soát, hỗ trợ đảm bảo thu ngân sách qua việc thu thuế hiệu quả hơn như thuế xanh, thuế bất động sản; hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc mua sắm chính phủ.

Tôi cũng chuẩn bị ký một bức thư gửi ngài Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan đến hỗ trợ của EU trong giai đoạn thực thi EVFTA thời gian tới. Trong đó có nội dung cụ thể như cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, giúp xây dựng thương hiệu cho hàng Việt Nam tại thị trường EU, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, EU cũng rất quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh tế của Việt Nam và EU, song dường như sự hợp tác hai bên trong lĩnh vực này vẫn còn mờ nhạt, thưa ông?

Hợp tác của EU với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng hiện tập trung vào đối thoại chính sách, kinh tế vĩ mô liên quan đến tài chính, tài chính công, thuế, bao gồm thảo luận cả các vấn đề về xử lý nợ xấu.

Một số ngân hàng lớn của EU đã có sự hiện diện tại Việt Nam như Deutsche Bank, Ngân hàng BNP Paribas, HSBC và Ngân hàng Standard Chatered. Dẫu vậy, lượng giao dịch của các ngân hàng châu Âu chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của cả hai bên.

Nguyên nhân do quy mô hoạt động của các ngân hàng châu Âu còn phụ thuộc vào giao dịch thương mại và dòng đầu tư của EU vào Việt Nam. Hiện các ngân hàng châu Âu chủ yếu cung cấp các dịch vụ tín dụng xuất khẩu, thực hiện hợp đồng thương mại, tài trợ đầu tư cho công ty châu Âu.

Thêm vào đó, việc hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng là một vấn đề. Đặc biệt, hoạt động cho vay của các ngân hàng châu Âu phải tuân thủ theo chuẩn châu Âu với những ràng buộc được quy định về thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trên cả 3 phương diện: kinh tế, môi trường và xã hội nên các ngân hàng cũng có những lựa chọn trong việc chọn các dự án cho vay tại Việt Nam.

Nhưng theo tôi, trong tương lai mọi việc sẽ thay đổi khi EVFTA chính thức được ký kết và đi vào có hiệu lực. Hiệp định này chắc chắn sẽ có tác động tích cực về thương mại và các mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Nhu cầu về tín dụng thương mại, tín dụng doanh nghiệp, cũng như tín dụng đầu tư của nhà đầu tư châu Âu sẽ gia tăng đáng kể làm tăng cường sự hiện diện của các ngân hàng EU tại Việt Nam. Danh mục đầu tư của các ngân hàng châu Âu cũng như hoạt động của ngân hàng bán lẻ sẽ rộng mở hơn so với hiện nay.

Một số nước thành viên trong EU cũng bày tỏ sự quan tâm tới hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và EU sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên để có thể chia sẻ kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm và tri thức với ngành ngân hàng Việt Nam sao cho có hiệu quả nhất, tránh trùng lắp trong hoạt động.

Nhân dịp năm mới 2018, Đại sứ có thông điệp gì muốn gửi tới độc giả Việt Nam?

Có thể thấy rằng, năm 2017, cả Việt Nam và EU đều chứng kiến sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội. Điều này sẽ mở ra triển vọng tươi sáng cho mối quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - EU trong thời gian tới.

Đặc biệt tôi rất mong hai bên có thể tăng cường hơn nữa về hợp tác giáo dục và du lịch. Hy vọng năm 2018, lượng khách du lịch của Việt Nam tới EU sẽ tăng cao. Cũng trong năm 2018, với việc FTA giữa Việt Nam - EU dự kiến được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương mở ra một kỷ nguyên mới.

Nhân dịp năm mới 2018, tôi xin được gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người. Chúc một năm mọi sự như ý!

Theo Xuân Yên

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên