Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Thị trường vẫn tồn tại 3 nhóm khó khăn
Mặc dù thị trường đã có những tín hiệu tích cực nhưng khó khăn của thị trường bất động sản như cơ chế chính sách, pháp lý dự án, nguồn cung dự án nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ… vẫn đang hiện hữu và phải có thời gian mới có thể khắc phục được.
Đây là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ IV, nhiệm kỳ V (2022 - 2027) nhằm tổng kết công tác năm 2023 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động năm 2024 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường BĐS Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những khó khăn chủ quan, khách quan, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý, tín dụng, tổ chức thực hiện của các cấp. Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, các hội viên, doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp liên quan đến bất động sản trên toàn quốc đang trong trạng thái hết sức mong manh và từng bước vượt qua khó khăn.
Có thể thấy, từ tháng 3 trở lại đây, các tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, nghị định có tác động đến thị trường, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để từng bước khắc phục những vấn đề đang tồn đọng và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản. Qua đó, đem đến những điểm sáng tích cực hơn cho thị trường như phân khúc bất động sản công nghiệp; nhiều tín hiệu triển khai từ các ngành, các cấp, các doanh nghiệp về nhà ở xã hội…
Bên cạnh đánh giá của VNREA, tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn của thị trường BĐS năm 2023. Theo đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết, tình hình BĐS hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó thì vẫn có phân khúc BĐS công nghiệp tươi sáng.
Còn theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, CEO DKRA Group, không chỉ thị trường có khăn, nhân lực cho thị trường này cũng trong tình trạng tương tự khi lực lượng môi giới ở TP.HCM tỷ lệ môi giới rời bỏ thị trường lên đến 50%.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 300.000 môi giới đang hoạt động, nghe có vẻ nhiều nên một phần lực lượng môi giới rời bỏ thị trường cũng chưa thành vấn đề lớn, nhưng tôi cho là vai trò của môi giới rất quan trọng. Hiện thanh khoản của thị trường rất thấp, vấn đề một phần là do không có nhiều sự tham gia của môi giới như trước đây. Nếu có dự án nhưng không có lực lượng môi giới thì cũng khó bán hàng”, ông Lâm nếu.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA phụ trách khu vực miền Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân phát biểu, thị trường BĐS còn đang “đói vốn”, khi dự án có đủ điều kiện pháp lý được vay, nhưng hiện tại doanh nghiệp Hoàng Quân chưa được vay đồng nào và vì hết tiền nên dự án đang tạm dừng.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA nói: tại Hội nghị chưa có ý kiến nào nhận định tình hình thị trường sẽ “hồng hay đỏ”, mà hầu hết vẫn thấy khó khăn và phải có thời gian mới có thể khắc phục. Hiện tại, thị trường vẫn tồn tại 3 nhóm khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, có hai loại hình cần lưu ý chính là nhà ở xã hội và chung cư cũ. Hiện theo dự thảo Luật mới nhất, thấy có một điểm rất khó cho địa phương và đã kiến nghị để được đưa vào điều kiện cụ thể: Giao UBND cấp tỉnh ban hành cơ chế chính sách theo thẩm quyền phù hợp với thực tế địa phương. “Chúng ta phải làm rõ điều này bởi trong thời gian tới, đây sẽ là cơ hội, một điểm quan trọng về mặt pháp lý và cần lưu ý trong dự thảo Luật mới”, TS Khôi nhấn mạnh.
Thứ hai là pháp lý, Hiệp hội không thể làm việc với từng tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án. Việc này cần Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Xây dựng giải quyết, trong đó trách nhiệm của địa phương rất quan trọng. Các tỉnh thành phân các nhóm khó khăn của các dự án dở dang để từ đó các địa phương cùng doanh nghiệp đề xuất giải pháp.
Thứ ba là quy trình thủ tục hành chính, quy trình đầu tư nhà ở thương mại còn khá dài dòng. Do đó, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu để rút gọn thủ tục đầu tư.
Mặc dù có Thông tư 06 và một số thông tư khác, cùng với đó là gói tín 120.000 tỷ đồng nhưng nguồn vốn, đặc biệt là tín dụng BĐS vẫn rất khó khăn. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội đã kiến nghị là giảm lãi suất xuống còn 6% cho nhà đầu tư và khoảng 4,8% cho khách hàng, tuy nhiên vẫn chưa được ghi nhận và sửa đổi.
“Tuy việc giải ngân cho nhà ở xã hội còn mỏng nhưng đã có những dự án được giải ngân, có khoảng 100 dự án đang chờ thẩm định. Điều này cho thấy vấn đề nhà ở xã hội đang được quan tâm nên chúng ta vẫn cần tận dụng cơ hội”, TS. Khôi nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường