MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội Dệt may đề xuất không tăng lương tối thiểu năm 2017

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng tăng lương tối thiểu thường đối với những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may sẽ là gánh nặng với doanh nghiệp.

Theo phân tích của Vitas, chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn này tăng bình quân 10,7%, năng suất lao động tăng 3,9%.

Vitas cho rằng, mỗi lần tăng lương tối thiểu là chi phí nhân công tăng theo do phải bù thu nhập cho những người lao động mới tuyển, tay nghề yếu, những người khả năng lao động có hạn. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn… vì lương tối thiểu là căn cứ để xác định mức lương khởi điểm trong hệ thống thang, bảng lương theo quy định của Nghị định 49/2013/NĐ của Chính phủ,

Cụ thể, từ 1-1-2016 các khoản trích nộp phải đóng thêm trên các khoản phụ cấp và từ 1-1-2018 sẽ đóng trên cả các khoản bổ sung khác, Trong khi tỷ lệ đóng bảo hiểm, kinh phí của doanh nghiệp dệt may đã cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh (Bangladesh, Ấn Độ, Mianmar, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin, Mexico, Peru…)

Theo Vitas, tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng năng suất lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động, mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng công nghiệp hóa do các doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư mở rộng về các vùng nông thôn, thu hút lao động hiện đang có thu nhập chỉ bằng một phần lương tối thiểu vùng Nhà nước quy định.

Vitas kiến nghị Nhà nước nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đủ sức cạnh tranh để phát triển; để chuyển đổi cơ cấu giữa các lĩnh vực công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ một cách hợp lý, sử dụng có hiệu quả thị trường lao động Việt Nam với trên 55 triệu người. Chỉ có như vậy mới có khả năng nâng cao được năng suất lao động quốc gia.

Ngoài ra, Vitas thấy rằng cần thiết phải giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm về mức trước năm 2010. Cụ thể là người sử dụng lao động đóng 18% (gồm Bảo hiểm xã hội 15%, Bảo hiểm y tê 2%, Bảo hiểm thất nghiệp 1%); người lao động đóng 7% (5% Bảo hiểm xã hội, 1% Bảo hiểm y tế, 1% Bảo hiểm thất nghiệp) thay vì như hiện nay người sử dụng lao động đóng 22% (Bảo hiểm xã hội 18%, Bảo hiểm y tế 3% và Bảo hiêm thất nghiệp 1%); người lao động đóng 10,5% (Bảo hiểm xã hội 8%, Bảo hiểm y tế 1,5%, Bảo hiểm thất nghiệp 1%).

Vitas cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không quy định trích nộp lên công đoàn cấp trên 35% từ khoản 2% kinh phí công đoàn hoặc chỉ quy định một tỷ lệ dưới 10%, số còn lại để lại cho công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống cho người lao động.

Theo Thùy Linh

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên