MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội Thép Việt Nam có Chủ tịch mới

Ngày 12/4/2019, tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V, giai đoạn 2019 – 2023; Bầu Ban chấp hành và Chủ tịch nhiệm kỳ mới.


Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA đã thông qua báo cáo hoạt động của VSA trong nhiệm kỳ IV, giai đoạn “2013-2018” và cho rằng, đây là giai đoạn ngành thép Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, đầu tư, kiện toàn tổ chức, hợp tác quốc tế và phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, trong những năm qua ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do dư thừa công suất, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ từ những doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp của thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào lại tăng giảm thất thường, những yếu tố đó tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) ngành thép. Xác định được khó khăn đó, nhiều DN đã tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất; đổi mới cả về tư duy, quản trị, tích cực đào tạo nâng cao trình độ cũng như tay nghề cho người lao động nên hiệu quả SXKD những năm qua đều có mức tăng trưởng khá.

Theo dự tính, trong nhiệm kỳ V, giai đoạn 2019 – 2023 nằm ở nửa cuối kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm “giai đoạn 2016-2020”, nửa đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo khá cao, 6,7-7,0%/năm nên nhu cầu thép cũng tăng cao. Đây cũng là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế giới mới như: CP TPP, EVAFTA, RCEP… sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành Thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ tốt cho sản xuất thép.

Dự báo trên cho thấy ngành thép sẽ gặp những thuận lợi nhất định, tuy nhiên việc thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhất là với các sản phẩm thép từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng phải xác định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vụ tranh tụng thương mại quốc tế diễn ra thường xuyên hơn, đây chính là nguyên do làm cho công tác xuất khẩu các sản phẩm thép sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội Thép Việt Nam có Chủ tịch mới - Ảnh 1.
Phát biểu tại đại hội sau khi nhậm chức, ông Nghiêm Xuân Đa- Chủ tịch VSA hứa sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng cho các DN thành viên.

Một khó khăn lớn nữa, ngành Thép Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nguyên liệu quốc tế, vì hầu hết các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm thép phải nhập khẩu với số lượng rất lớn (khoảng 90% quặng sắt, 100% than mỡ, 70% thép phế, 100% điện cực graphit).

Từ thực tế trên cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, ngành thép phải đối mặt với khó khăn lớn, nhưng với quyết tâm đổi mới toàn diện, sáng tạo, VSA tin rằng ngành thép Việt Nam sẽ phấn đấu SXKD tăng trưởng trung bình khoảng 8% - 10%/năm, như: năm 2019 và 2020 dự kiến tăng trưởng khoảng 10%; 2021 đến 2023 trung bình là 8%.

Không chỉ phấn đấu SXKD tăng trưởng mà vai trò và trách nhiệm của các nhà sản xuất luôn quan tâm, đáp ứng đủ nhu cầu thép cho nền kinh tế, đảm bảo thị trường ổn định, tăng cường xuất khẩu, phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc- Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam đã bày tỏ quan điểm lo ngại trước sức ép cạnh tranh của ngành thép ngày càng gay gắt kể từ năm 2010 trở lại đây. Qua đây, ông cũng cho rằng, việc tăng cường công tác thị trường là rất quan trọng nhưng cần có sự cạnh tranh lành mạnh.

Để ngành thép phát triển mang tính ổn định, đưa sản phẩm thép có chất lượng tốt tới người tiêu dùng cần phải có biện pháp ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn vào trong nước.

Tại Đại hội, nhiều hội viên cũng kiến nghị, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện.

Cụ thể, đối với sản phẩm phôi thép trong thời gian này gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh với phôi giá rẻ. Bên cạnh đó, DN trong nước phải mua nguyên liệu đầu vào giá cao, nhưng đầu ra của phôi lại thấp nên càng sản xuất càng thua lỗ. Trước đây việc phòng vệ thương mại được áp dụng mạnh mẽ nên sản phẩm phôi trong nước bớt đi phần nào khó khăn, nhưng đến nay bảo hộ cũng sắp hết liệu lực. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước đang rất cần các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét, sớm tiếp tục ban hành bộ tiêu chuẩn bảo vệ sản phẩm phôi thép, giúp DN sản xuất trong nước phát triển ổn định, bảo toàn nguồn vốn và tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Tại Đại hội đã nhất trí với danh sách Ban Chấp hành nhiệm kỳ V gồm 13 người. Đồng thời, Ban Chấp hành tiến hành họp phiên thứ nhất và đã nhất trí bầu ông Nghiêm Xuân Đa giữ chức Chủ tịch VSA nhiệm kỳ V, giai đoạn 2019-2023.

Theo Kim Tuyến

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên