Hiệu quả bất ngờ từ các giải pháp tiếp thị mới của nền tảng video ngắn
Theo Wyzowl, vào năm 2019, 87% các công ty sử dụng video cho mục đích tiếp thị. Đặc biệt, sở hữu các công cụ đa dạng giúp tăng cao độ nhận diện thương hiệu với tệp khách hàng mới, nền tảng video ngắn đang là "đối tượng" được các nhãn hàng săn đón gần đây.
Quảng cáo bằng video ngắn: Khi sự mạnh dạn đem đến quả ngọt
Hiện nay, các nền tảng chia sẻ nội dung đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" để các thương hiệu "gieo mầm" tiếp thị. Ngoài YouTube, Facebook, Instagram…, TikTok – một tân binh của ngành quảng cáo đang được các nhãn hàng chú ý. Có thể thấy, những nhãn hàng mạnh dạn đi những bước tiên phong trong việc hợp tác cùng nền tảng video ngắn đang gặt hái được quả ngọt từ các chiến dịch của mình.
Một trong những chiến dịch tiêu biểu trên TikTok mùa hè qua có thể kể đến là #mozzaria, kết hợp với Lotteria. Được biết sản phẩm hamburger mới của Lotteria mang thông điệp "phô mai bất tận", TikTok đã tư vấn và sáng tạo cho thương hiệu Brand Effect (Hiệu ứng thương hiệu) là chiếc headphone - hamburger, với lớp phô mai "kéo mãi không đứt". Bên cạnh đó, Lotteria còn xuất hiện trong Hashtag Challenge (Thử thách theo chủ đề) #mozzaria trên TikTok với Brand Music (Âm nhạc thương hiệu) sôi động, bắt tai, thu hút người dùng.
#Mozzaria - Chiến dịch thành công của Lotteria trên TikTok
Chỉ sau 6 ngày tung ra điệu nhảy thử thách kèm hashtag #mozzaria, Lotteria đã thu hút 26,9 nghìn video và hơn 19 triệu lượt xem. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Brand Takeover (Quảng cáo ngắn xuất hiện ngay khi người dùng mở ứng dụng) và In-feed Ads (Quảng cáo trong bảng tin), tỷ lệ hiển thị của Lotteria đạt hơn trên 50% và tỷ lệ nhấp vào quảng cáo cũng đạt con số ấn tượng - 11,48%.
Bên cạnh Lotteria, thử thách #saycocoxim của nhãn hàng Cocoxim cũng là một chiến dịch thành công trên nền tảng TikTok trong mùa hè này. Ngay trong những ngày hè nóng nực, chiến dịch quảng bá với màu xanh mát mẻ đặc trưng và điệu nhảy "Vặn nắp" của nhãn hàng Cocoxim đã thu hút sự chú ý của hàng triệu khách hàng.
Chiến dịch #SayCocoxim thu hút người dùng với điệu nhảy ấn tượng
Nếu các quảng cáo Brand Takeover và In-feed Ads đóng vai trò kích thích tò mò, thu hút sự chú ý của người dùng thì vũ điệu "Vặn nắp" lại gắn kết họ với nhãn hàng, in sâu ấn tượng về nước dừa Cocoxim. Chỉ sau 2 ngày, Cocoxim ghi nhận hơn 20 triệu lượt hiển thị quảng cáo, hơn 9 triệu lượt hiển thị thường xuyên. Đặc biệt, tỷ lệ nhấp vào quảng cáo cũng bất ngờ đạt trên 12%.
Nhận thấy tiềm năng quảng cáo lớn của nền tảng mới, "đại gia viễn thông" Viettel cũng không bỏ qua làn sóng TikTok khi thực hiện chiến dịch #Viettelcongcong, hay Maybelline cũng bắt tay với TikTok trong chiến dịch #sonnhebeatbox.
Có thể thấy, so với việc đầu tư sản xuất TVC quảng cáo tốn kém và lan tỏa nội dung trên nhiều nền tảng (cách nhiều thương hiệu vẫn hay chọn), sự lựa chọn hợp tác cùng TikTok gọn nhẹ, nhanh chóng và tiết kiệm hơn.
Trên thế giới, nhiều chiến dịch bắt tay với TikTok của các thương hiệu như Oreo, Pizza Hut… cũng đã thành công ngoài mong đợi. Trong đó, clip chế biến sữa chua dâu tây bằng cookie Oreo được lan toả ngay cả khi chiến dịch đã kết thúc. Còn các video có sticker của Pizza Hut đã được đăng tải hơn 1 triệu lần. Không chỉ phù hợp với các nhãn hàng trung bình, TikTok còn được những thương hiệu lớn như Michael Kors, Airbnb, Chevrolet, Dior hay Adidas chọn để phân phối quảng cáo đến người dùng.
Sau YouTube, Facebook, Instagram, thị trường quảng cáo gọi tên TikTok?
Sau những chiến dịch thành công, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào "tân binh" TikTok. Bất ngờ có, e dè có, hứng khởi có… nhưng chắc chắn, các thương hiệu cần phải thử phân phối kênh tiếp thị của mình qua công cụ mới mẻ, thông minh, không tốn quá nhiều chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả tối ưu này.
Điểm khác biệt tạo nên thành công khi thương hiệu chọn hợp tác với TikTok việc nền tảng này đem đến khá nhiều công cụ hiệu quả. Dựa trên đặc điểm của nền tảng - ngắn và nhanh, các công cụ quảng cáo trên TikTok cũng không khuyến khích nhãn hàng nhồi nhét quá nhiều nội dung để truyền tải đến người dùng. Đơn cử, quảng cáo hiển thị tại Brand Takeover chỉ kéo dài 5 giây, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của người dùng về chiến dịch. Sau đó, người dùng muốn tìm hiểu thêm và tham gia chiến dịch có thể bấm vào liên kết trên quảng cáo để được dẫn thẳng đến hashtag trên TikTok, hoặc trang web của nhãn hàng.
Bên cạnh đó, các nhãn hàng muốn tương tác sâu hơn với người dùng có thể lựa chọn kết hợp với nền tảng tạo nên các Hashtag challenge, hay Brand effect. Đây cũng là những công cụ độc quyền mà nhãn hàng chỉ có thể tìm thấy trên TikTok. Với các công cụ này, người dùng sẽ cùng với nhãn hàng tạo nên chiến dịch, trở thành một phần của chiến dịch chứ không chỉ đóng vai trò là "người xem" thông thường. Đặc biệt, khi mà các công cụ này vẫn còn tương đối xa lạ trên thị trường quảng cáo, TikTok sẽ tư vấn cho các nhãn hàng cách thức truyền tải nội dung, xây dựng thử thách phù hợp nhất với mục tiêu truyền thông, quảng cáo của nhãn hàng.
Trong thời đại ngày nay, thế hệ người dùng mới chỉ dành khoảng 8 giây chú ý khi xem video và thường chỉ thực sự tin tưởng những giá trị mà thương hiệu mang lại dựa trên những hành động thiết thực. Chính vì vậy, để tiếp cận đối tượng khách hàng này, nền tảng video ngắn đang trở thành "mỏ vàng" cần được các thương hiệu khai thác.
Các hình thức quảng cáo trên TikTok:
● Brand Takeover: Quảng cáo ngắn xuất hiện ngay khi người dùng mở ứng dụng.
● In-feed Ads: Quảng cáo xuất hiện thường xuyên khi người dùng lướt xem video trong ứng dụng.
● Top View: Quảng cáo video xuất hiện ngay khi người dùng mở ứng dụng.
● Hashtag challenge: Quảng cáo thông qua thử thách với Hashtag riêng của nhãn hàng được TikTok hỗ trợ quảng bá trên toàn bộ nền tảng.
● Brand effects: Quảng cáo thông qua sự kết hợp với nền tảng để thiết kế các sticker riêng phục vụ cho chiến dịch truyền thông dựa trên 7 định dạng của TikTok bao gồm:
○ Định dạng cơ bản: Mặt 2D, Bối cảnh 2D, Tay 2D, Đa màn hình.
○ Định dạng cao cấp: Mưa rơi, Đổi màu, Trang điểm.